Fauna & Flora International
4.5.1. Nhận thức và thái độ của người dân
- Nhận thức về tài nguyên thiên nhiên và các vấn đề bảo tồn của người dân trong khu vực còn thấp do cho tới nay vẫn chưa có một chương trình GDBT nào được thực hiện toàn diện với đầy đủ các đối tượng tham gia cũng như đại diện cho tất cả các khu vực. Vì vậy, trong thời gian tới các chương trình GDBT cần tập trung nâng cao nhận thức về các vấn đề trên và mở rộng đối tượng tham gia cũng như địa bàn hoạt động. Nội dung của các chương trình GDBT cho người dân nên tập trung vào các kiến thức về KBT những vấn đề được đánh giá là đang có nhận thức kém đối với người dân địa phương ở đây.
- Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về nhận thức giữa nam và nữ về các vấn đề được xem xét. Nam có nhận thức tốt hơn nữ, trong khi đó nữ giới đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh kế hàng ngày và dường như ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, các chương trình GDBT trong thời gian tới nên thiết kế một chương trình dành riêng cho đối tượng là nữ.
- Để cho các chương trình GDBT sẽ thực hiện hiệu quả hơn, tôi cũng đề xuất rằng khi thực hiện chương trình, người thực hiện cần chú ý đến thời gian và địa điểm tổ chức. Cụ thể, thời gian tổ chức nên diễn ra vào buổi tối và sau 8h, thời điểm mà công việc gia đình trong ngày dường như đã hoàn tất và các thành viên có thời gian để tham gia vào các hoạt động khác. Nơi tổ chức có thể diễn ra ở nhà trưởng thôn, bản hoặc nhà văn hóa xã. Đây là những nơi theo đánh giá của tác giả là khá thân thuộc với mọi người dân vì nó thường dùng để tổ chức họp hành hoặc bất kỳ sự kiện nào diễn ra trong địa bàn.
- Nâng cao nhận thức cho người dân không chỉ có hoạt động tuyên truyền mà cũng cần phát triển các hoạt động nâng cao sinh kế cụ thể và thiết thực. Đối với địa bàn nghiên cứu, hầu hết người dân địa phương đang gặp khó khăn về vấn đề chăn thả gia súc do thiếu nơi chăn thả và nguồn thức ăn và thiếu nguyên vật liệu làm nhà do khu bảo tồn được thành lập. Vì vậy, trong thời gian tới tôi kiến nghị rằng nên phát triển chương trình chăn nuôi cỏ cho gia súc ở đây. Loài cỏ voi có thể là một ưu tiên vì đã và đang được thực hiện thí điểm ở đây. Để giải quyết nhu cầu về nguyên liệu xây dựng, nên khuyến khích người dân trồng rừng ở những nơi đất trống đồi núi trọc. Việc làm này có thể đạt được một số mục tiêu: cải thiện môi trường tại khu vực và quan trọng hơn người dân có thể sử dụng các cây ở đây làm nguyên vật liệu xây dựng thay thế các loài cây trong rừng tự nhiên, giảm sức ép lên sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
- Người dân tộc Dao dường như thua kém người dân tộc Tày về các mặt: nhận thức, thái độ thu nhập và trình độ học vấn Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này, tuy nhiên một trong nguyên nhân mà GDBT có thể khắc phục đó là dường như người dân tộc Dao những người sống ở trên cao và gần rừng hơn nhận được ít sự quan tâm
hơn của các chương trình GDBT. Vì vậy, các chương trình giáo dục bảo tồn nên coi đây là những đối tượng ưu tiên và dành nhiều nỗ lực hơn. Đề xuất của đề tài đối với vấn đề này là chương trình GDBT cần thường xuyên tổ chức ở các bản người Dao. Khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động và cần tận dụng tối đa thời gian để tiếp cận với họ.