Năm 2009, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) kết hợp với một số ban ngành tổ chức một số chương trình nâng cao nhận thức về tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Tuy nhiên nhóm đối tượng ở đây là các học sinh cấp II thuộc địa bàn 3 xã nói trên. Bên cạnh đó, chương trình tập huấn cũng được tổ chức vào năm 2007 cho các đối tượng là giáo viên các trường Trung học cơ sở trên địa bàn 3 xã.
Các cơ hội cho người dân địa phương tham gia các chương trình giáo dục bảo tồn và tập huấn trên là: (1) nâng cao nhận thức về các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực; (2) được đào tạo, tập huấn các kỹ năng giảng dạy về các vấn đề đa dạng sinh học và môi trường; (3) tiếp xúc và làm việc với các chuyên gia bảo tồn đến từ các tổ chức phi chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trên, thách thức mà người dân gặp phải với các chương trình GDBT này là: (1) đối tượng tham gia rất hạn chế, chỉ với giáo viên và học sinh các trường Trung học cơ sở; (2) tốn thời gian cho các hoạt động tham gia; (3) các chương trình thường diễn ra trong thời gian ngắn.
Như vậy, các chương trình giáo dục bảo tồn này hầu hết không đến được với đại đa số cộng đồng địa phương khi mà người dân chủ yếu là nông dân, và chỉ có một bộ phận rất nhỏ là giáo viên. Bên cạnh đó, khi được hỏi, người dân cũng không muốn tham gia vào các chương trình này khi họ không nhận được các lợi ích sinh kế, thậm chí theo họ, các chương trình này còn làm giảm các hoạt động sinh kế trong gia đình.
Chính vì thế, cho tới thời điểm này, một chương trình giáo dục bảo tồn, nâng cao nhận thức cho đối tượng là nông dân và những người trong độ tuổi lao động là chưa từng có trên địa bàn cả 3 xã trong khu vực nghiên cứu. Điều này góp phần giải thích tại sao nhận thức và thái độ người dân quanh KBT ở mức độ thấp. Thực tế này đòi hỏi sự cần thiết phải có một chương trình GDBT toàn diện, giúp người dân có
nhận thức, thái độ tốt hơn với nguồn tài nguyên quanh khu vực, từ đó thay đổi hành vi trong việc sử dụng chúng đồng thời mở ra các cơ hội sinh kế mới cho họ.