Khái niệm cộng đồng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý rừng cộng đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá lâm nghiệp cộng đồng tại tỉnh sơn la và các hoạt động chủ yếu trong quản lý rừng cộng đồng tại bản lằn, xã mường do, huyện phù yên, tỉnh sơn la​ (Trang 25 - 28)

Chương 1 : TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Ở Việt Nam

1.3.1. Khái niệm cộng đồng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý rừng cộng đồng.

1) Khái niệm cộng đồng.

Theo các nhà xã hội học, nhân chủng học ở Việt Nam. Xét về mặt ngôn ngữ “cộng đồng” là sự kết hợp của hai từ “cộng” và “đồng”. Từ “cộng” được hiểu là cộng vào, gộp vào, thêm vào, kết hợp vào, còn từ “đồng” có nghĩa là cùng, cùng nhau, giống nhau, chung nhau về một số đặc điểm: nhân chủng học, lãnh thổ, phong tục tập quán, sở thích… Từ ý nghĩa trên “cộng đồng” được hiểu là “Toàn thể những người sống thành tập thể hay một xã hội mà có những đặc điểm giống nhau, gắn bó với nhau thành một khối và giữa họ có sự liên hệ, hợp tác với nhau để cùng nhau hoạt động hàng ngày, cùng nhau thực hiện những lợi ích của mình và lợi ích chung của toàn xã hội”.

Với sự đa nghĩa của khái niệm cộng đồng đã làm cho chúng ta không được hiểu rõ ràng, mặt khác cộng đồng còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành như: Nhân văn, Xã hội học, Nhân chủng học… Mỗi ngành nghiên cứu một đối tượng khác nhau nên sẽ có các cách hiểu khác nhau. Vì vậy thuật ngữ “cộng đồng” đã tạo nên sắc nghĩa khác nhau.

Trong ngành lâm nghiệp, ở lĩnh vực hoạt động quản lý tài nguyên rừng cộng đồng khái niệm “cộng đồng” được hiểu:

- Cộng đồng được phân ra làm hai loại: Cộng đồng dân tộc và cộng đồng làng bản.

+ Cộng đồng dân tộc: Hiện nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng về văn hoá, tổ chức xã hội, tiếng nói, tập quán truyền thống và hệ thống sản xuất.

+ Cộng đồng làng bản: Hiện nay nước ta có khoảng 50.000 làng, bản tập hợp lại trong khoảng 9.000 xã. Từ xưa mỗi làng bản được coi là một tổ chức cộng đồng chặt chẽ với những đặc điểm rất riêng như làng xóm ở miền xuôi là hình thức cộng đồng lâu đời được hình thành trên cơ sở của phương thức canh tác lúa nước, trong khi thôn bản ở miền núi là hình thức cộng đồng được hình thành trên cơ sở quan hệ sắc tộc, nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, ít đầu tư và sử dụng các sản phẩm tự nhiên có ảnh hưởng sâu sắc đến quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Theo thống kê và từ những đặc điểm nêu trên cho thấy khái niệm “cộng đồng” sử dụng trong quản lý rừng cộng đồng ở nước ta là “cộng đồng thôn bản”.

- Cộng đồng bao gồm toàn thể những người sống thành một xã hội có những điểm tương đồng về mặt văn hoá, truyền thống, có mối quan hệ sản xuất và đời sống gắn bó với nhau, thường có ranh giới không gian trong một làng bản.

- Điều 9, luật đất đai (2003) “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng một địa bàn thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục tập quán hoặc có chung dòng họ được nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất”.

Có rất nhiều khái niệm về cộng đồng nhưng phần lớn các tác giả đều cho rằng thuật ngữ “cộng đồng” được dùng trong quản lý rừng chính là nói đến cộng đồng dân cư thôn, làng, bản, buôn, phum, ấp, sóc… (gọi tắt là cộng đồng thôn bản). Cho nên khái niệm “cộng đồng” trong đề tài được hiểu là:

+ “Cộng đồng là cộng đồng dân cư thôn, bản. Cộng đồng dân cư thôn, bản là toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân sống trong cùng một thôn, làng, bản, ấp… hoặc một đơn vị tương đương”.

2) Lâm nghiệp cộng đồng.

Hiện nay ở Việt Nam có những ý kiến khác nhau về lâm nghiệp cộng đồng, có thể khái quát thành ba loại ý kiến chính như sau:

+ Thứ nhất: Lâm nghiệp cộng đồng là một hoạt động lâm nghiệp của một cộng đồng mà hình thức thể hiện của nó là các khu rừng của cộng đồng, vườn ươm của cộng đồng, các đám cây gỗ của cộng đồng, lâm nghiệp cộng đồng có thể nhận biết qua các hoạt động chủ yếu sau đây:

* Cộng đồng trực tiếp quản lý những diện tích rừng hoặc những đám cây gỗ của họ từ lâu đời.

* Cộng đồng tổ chức quản lý những khu rừng nhà nước giao cho cộng đồng. * Các hoạt động mang tích chất lâm nghiệp khác do cộng đồng tổ chức, phục vụ lợi ích trực tiếp cho cộng đồng.

Như vậy theo quan điểm này, lâm nghiệp cộng đồng có tên gọi khác lâm nghiệp làng bản, phản ánh các hoạt động ở phạm vi cụ thể như một bản một làng.

+ Thứ hai: Lâm nghiệp cộng đồng là hoạt động lâm nghiệp có sự tham gia của một thôn, bản, dòng họ hay bộ tộc. Do đó lâm nghiệp làng bản chỉ là một dạng của lâm nghiệp cộng đồng.

Theo quan điểm này cho rằng lâm nghiệp cộng đồng là các thành viên trong cộng đồng cùng tham gia quản lý những khu rừng thuộc quyền quản lý theo truyền thống.

+ Thứ ba: Lâm nghiệp cộng đồng là hoạt động lâm nghiệp có sự tham gia của cá nhân, hộ gia đình đến toàn thể cộng đồng của họ.

3) Quản lý rừng cộng đồng

- Quản lý rừng cộng đồng là cộng đồng quản lý rừng thuộc sở hữu của cộng đồng hoặc thuộc quyền sử dụng chung của cộng đồng. Rừng của cộng đồng là rừng của làng bản được quản lý theo truyền thống trước đây, rừng trồng của các hợp tác xã trước đây mà sau khi chuyển đổi hoặc giải thể hợp tác xã đã giao lại cho các xã hoặc các thôn quản lý.

- Quản lý rừng cộng đồng (2006): Quản lý rừng cộng đồng là một hình thức quản lý rừng trong đó cộng đồng với tư cách là chủ rừng tham gia vào các hoạt động giao rừng, lập kế hoạch quản lý rừng và thực hiện kế hoạch đó, thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi, giám sát, đánh giá rừng do nhà nước giao cho cộng đồng.

Tóm lại: quản lý rừng cộng đồng chính là nói tới các hoạt động mà cộng đồng dân cư thôn, bản tác động vào rừng và đất rừng đã được giao theo quy định của pháp luật.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004) chỉ thừa nhận cộng đồng dân cư thôn bản là chủ thể trong quản lý rừng, có quyền được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng vào mục đích công cộng và gia dụng cho thành viên trong cộng đồng; nhưng không được phân chia rừng cho các thành viên trong thôn; không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, giá trị quyền sử dụng rừng được giao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá lâm nghiệp cộng đồng tại tỉnh sơn la và các hoạt động chủ yếu trong quản lý rừng cộng đồng tại bản lằn, xã mường do, huyện phù yên, tỉnh sơn la​ (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)