Phân loại typ đái tháo đường và thời gian bị bệnh đái tháo đường

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc avastin tiêm nội nhãn trong điều trị tân mạch võng mạc do đái tháo đường (Trang 58 - 59)

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân bị đái tháo đường typ II là chủ yếu với 29 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 93,5%. Chỉ có 2 bệnh nhân bị đái tháo đường typ I chiếm 6,5%. Chẩn đoán typ đái tháo đường chúng tôi dựa vào kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Nội tiết. Theo số liệu thông báo về tỷ lệ typ đái tháo đường ở các nước năm 1999 thì có sự chênh lệch khá lớn giữa typ I và typ II. Số bệnh nhân typ II gấp từ 4 – 40 lần typ I. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng không nằm ngoài các đặc điểm này, tỷ lệ đái tháo đường typ I và typ II khoảng 1:15. Bệnh VMĐTĐ ở những bệnh nhân đái tháo đường typ I thường xuất hiện sớm hơn và tiến triển nặng hơn so với bệnh nhân typ II [41,25,31]. Đái tháo đường typ I xuất hiện khi bệnh nhân còn trẻ (<40 tuổi), điều chỉnh đường huyết rất khó do đái tháo đường có liên quan đến gen và yếu tố tự miễn, còn đái tháo đường typ II dễ điều chỉnh đường huyết hơn, quan trọng là chế độ ăn kiêng của bệnh nhân [40][56]. Song, nhóm bệnh nhân đái tháo đường typ II ở nước ta thường phát hiện bệnh muộn do bệnh không tiến triển rầm rộ như đái tháo đường typ I và công tác phát hiện bệnh của cộng đồng còn chưa tốt [56].

Thời gian bị bệnh đái tháo đường trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 10,16 ± 3,12 năm. Cao nhất là 14 năm, thấp nhất là 4 năm. Trong đó bệnh nhân bị đái tháo đường trên 10 năm là 16 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 51,6%. 13 bệnh nhân bị đái tháo đường từ 5 – 10 năm. Có 2 bệnh nhân bị đái tháo đường dưới 5 năm. Như vậy trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân bị đái tháo đường chủ yếu từ 5 – 10 năm. Thời gian bị bệnh đái tháo đường là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến sự xuất hiện của bệnh

võng mạc do đái tháo đường và các biến chứng khác, nhất là các biến chứng về mạch máu và vi mạch như tăng huyết áp, bệnh lý bàn chân… Theo nghiên cứu dịch tễ học đái tháo đường Wisconsin (1984) [44], thời gian mắc bệnh đái tháo đường có liên quan trực tiếp đến độ nặng và tỷ lệ bệnh VMĐTĐ. Thời gian bị đái tháo đường càng dài thì tỷ lệ bệnh VMĐTĐ càng cao. Sau 20 năm, dù ở thể nào, 40 – 70% có bệnh VMĐTĐ, sau 30 năm mắc bệnh ĐTĐ, khoảng 80% bệnh nhân bị bệnh VMĐTĐ.

Theo nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, tỷ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh VMĐTĐ tỷ lệ thuận với thời gian bị ĐTĐ. Ít khi có bệnh VMĐTĐ ở nhóm bị ĐTĐ dưới 5 năm [41][23]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 2 bệnh nhân bị ĐTĐ dưới 5 năm có bệnh VMĐTĐ ở hình thái tăng sinh vừa và nặng. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng có những bệnh nhân không biết mình bị đái tháo đường từ khi nào. Một số bệnh nhân vì mắt nhìn mờ đi khám mới phát hiện bị bệnh đái tháo đường, nghĩa là có khả năng bệnh nhân đã bị bệnh đái tháo đường ít nhất 5 năm mà không được phát hiện và điều trị. Như vậy, khác với các tác giả nước ngoài, bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam ngay từ lần khám đái tháo đường lần đầu tiên cũng phải nghĩ đến nguy cơ đã bị bệnh VMĐTĐ. Đây là một điểm quan trọng trong theo dõi tỷ lệ bệnh VMĐTĐ trong quần thể bệnh nhân đái tháo đường.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc avastin tiêm nội nhãn trong điều trị tân mạch võng mạc do đái tháo đường (Trang 58 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)