Các xét nghiệm miễn dịch trong chẩn đoán các bệnh tự

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xét nghiệm miễn dịch trong một số bệnh hệ thống (Trang 31 - 35)

1.2.3.1.Kháng thể kháng nhân (Anti nuclear antibodies - ANAs)

Kháng thể kháng nhân là các tự kháng thể kháng lại histone, chuỗi kép, chuỗi đơn DNA, phức hợp RNP và các thành phần khác của nhân tế bào. Xét nghiệm huỳnh quang miễn dịch gián tiếp sử dụng tế bào Hep-2 một dải tế bào nội mô người là nguồn nhân và sử dụng tế bào Hep-2 nhậy hơn so các xét nghiệm trước đây sử dụng tế bào gan và thận của bộ gặm nhấm. Xét nghiệm ANA bằng huỳnh quang miễn dịch gián tiếp cho hình ảnh nhuộm màu của nhân tế bào. Mầu nhuộm có thể lan tỏa hoặc đồng đều (kháng thể kháng histone), hình móng ngựa (hình ảnh không phải phổ biến thường do kháng thể protein vỏ nhân và kháng chuỗi kép DsDNA, dạng đốm (kháng thể kháng Sm, RNP, và các kháng nguyên khác), nhân, tâm động. Nhìn chung không có mối tương quan chặt chẽ giữa các hình thái bắt màu nhuộm với bệnh cảnh lâm sàng và bệnh. Ngoại trừ hình ảnh tâm động có thể đặc hiệu cho xơ cứng bì.

Bệnh nhân thường có kháng thể kháng lại nhiều thành phần của nhân, và các hình thái bắt màu của các tự kháng thể (ví dụ kháng histone) có thể cản trở việc phát hiện các kháng thể khác. Các loại kháng thể trong gia đình của ANA không nên loại trừ, thay thế hoặc được chỉ định một cách cụ thể nếu không có chỉ định gồm: SLE và các bệnh thấp khác, bệnh tự miễn đặc hiệu cơ quan, bệnh tăng sinh lympho và nhiễm trùng mạn tính. Một số ANA dương tính do thuốc nhưng ít phổ biến như trong hội chứng giống lupus [74], [68]. Độ nhạy của xét nghiệm ANA bằng huỳnh quang miễn dịch gián tiếp cho SLE là rất cao >95%.

Xét nghiệm kháng thể kháng nhân bằng phương pháp huỳnh quang miễn dịch gián tiếp là hữu ích và là xét nghiệm tiêu chuẩn để sàng lọc và khi có nghi ngờ SLE, lupus do thuốc, bệnh hỗn hợp mô liên kết và xơ cứng bì. ANA có vài trò tiên lượng nếu bệnh nhân có hội chứng raynaud đơn độc xác định nguy cơ mắc xơ cứng bì đến 95% [74], [68].

1.2.3.2. Kháng thể kháng chuỗi kép (Anti-DsDNA)

Kháng thể anti DsDNA nhận ra cặp base, bộ khung phosphat ribose của nó và cấu trúc xoắn kép. Phương pháp ELISA là phương pháp phổ biến dùng trong xét nghiệm phát hiện Tự kháng thể anti DsDNA và đã thay thể phương pháp miễn dịch phóng xa Farr (Farr radioimmunoassay) và phương pháp nhuộm huỳnh quang miễn dịch bằng trùng roi Crithidia luciliae.

Kháng thể anti DsDNA nên được xét nghiệm nếu nghi ngờ bệnh nhân SLE và khi ANA dương tính. Ích lợi xét nghiệm kháng thể anti DsDNA mang lại là cực kì thấp nếu như bệnh nhân xét nghiệm ANA âm tính bằng huỳnh quang miễn dịch gián tiếp trên tế bào Hep -2. Theo dõi hiệu giá kháng thể anti DsDNA có thể có vai trò theo dõi đợt cấp của SLE.

Độ đặc hiệu của kháng thể anti DsDNA cho SLE là 97% và có thể đạt đến 100%. Vì vậy nếu kháng thể anti DsDNA dương tính có vai trò quan trong cho chẩn đoán SLE. Kháng thể anti DsDNA xuất hiện khoảng 60-80% số bệnh nhân bị SLE [61].

1.2.3.3. Kháng thể kháng RNP-70 (Anti-RNP-70)

Kháng thể anti RNP-70 được xác định ban đầu là kháng nguyên ngoài nhân. Kháng thể anti RNP-70 nhận biết phức hợp protein và RNA nhân được gọi là U1. Phương pháp ELISA ngày càng thay thể một cách rộng rãi cho xét nghiệm bằng phương pháp miễn dịch khuếch tán để xác định kháng thể anti RNP 70. Bằng phương pháp huỳnh quang miễn dịch gián tiếp phát hiện ANA, kháng thể anti RNP-70 cho hình ảnh bắt màu nhuộm lốm đốm [58], [47], [59].

Kháng thể anti RNP-70 nên được xét nghiệm nếu tình trạng lâm sàng nghi ngờ SLE hoặc MCTD và khi ANA dương tính bằng xét nghiệm huỳnh quang miễn dịch gián tiếp [39].

Kháng thể anti RNP-70 xuất hiện khoảng 30-40% số bệnh nhân SLE. Bệnh MCTD thường có sự lưu hành của kháng thể anti RNP-70 khoảng 95- 100% [33] [70].

1.2.3.4. Kháng thể kháng ScL -70 (Anti-Scl-70)

Kháng thể anti Scl-70 cho hình ảnh nhuộm nucleptit trên huỳnh quang miễn dịch gián tiếp và cũng được xác định bằng xét nghiệm miễn dịch khuếch tán, immunoblotting và ELISA.

Kháng thể anti Scl-70 nên được chỉ định khi có nghi ngờ bệnh nhân biểu hiện lâm sàng của xơ cứng bì.

Phương pháp miễn dịch khuếch tán xác định kháng thể anti Scl -70 gặp 20-30% ở bệnh nhân xơ cứng bì và khoảng 40% bệnh nhân có sự hiện diện của kháng thể nếu làm bằng phương pháp immunoblotting hoặc ELISA. Độ đặc hiệu của kháng thể anti Scl-70 đạt gần 100% bằng phương pháp huỳnh quang miễn dịch gián tiếp và immunoblotting.

Vì vậy khi bệnh nhân có triệu chứng của xơ cứng bì mà xét nghiệm kháng thể anti Scl-70 dương tính thì cho phép chẩn đoán xác định xơ cứng bì. Độ đặc hiệu của phương pháp ELISA có thể thấp hơn các phương pháp trên [56]. Sự lưu hành kháng thể này có giá trị tiên lượng trong bệnh xơ cứng bì và thường là tiên lượng nặng, làm tăng nguy cơ tổn thương da lan tỏa và bệnh phổi kẽ [7], [49].

1.2.3.5. Kháng thể kháng Jo1 (Anti-Jo1)

Kháng thể anti Jo1 kháng lại enzyme tổng hợp Histidyl-tRNA, một enzyme của bào tương.

Phát hiện kháng thể anti Jo1 sử dụng phương pháp huỳnh quang miễn dịch và thường dương tính trên bệnh nhân viêm da cơ, viêm đa cơ [67]. Kháng thể này được sử dụng cho chẩn đoán khi nghi ngờ hội chứng kháng synthetase syndrome, chẩn đoán phân biệt viêm cơ, chẩn đoán phân biệt các dạng viêm phế nang xơ hóa.

Kháng thể anti Jo1 gặp trong bệnh nhân viêm da cơ tự miễn hoặc bệnh lý viêm da cơ trong bệnh cảnh bệnh hỗn hợp mô liên kết. Giá trị đặc hiệu chẩn đoán của kháng thể anti Jo1 đạt gần 100% xét nghiệm này thường được loại trừ trong dạng tổn thương viêm cơ vô căn [45]. Trong viêm cơ thanh thiếu niên, kháng thể anti Jo1 hiếm khi được tìm thấy.

Hầu hết các bệnh nhân viêm cơ có kháng thể anti Jo1 lưu hành được gọi là hội chứng kháng enzyme tổng hợp (anti-synthetase syndrome). Tỷ lệ lưu hành kháng thể anti Jo1 trong bệnh lý phối hợp viêm cơ và xơ hóa phế nang khoảng 60% [65].

Bệnh nhân viêm da cơ có kháng thể anti Jo1 thường biểu hiện tình trạng lâm sàng nặng hơn, tần suất tái phát nhiều hơn và tiên lượng xấu hơn. Bệnh phổi kẽ biểu hiện ở trên 70% bệnh nhân viêm da cơ có kháng thể anti Jo1 lưu hành. Nồng độ kháng thể anti Jo1 có thể dao động khi tình trạng bệnh hoạt động hoặc lui bệnh sau điều trị thành công hoặc quá trình thoái lui [58].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xét nghiệm miễn dịch trong một số bệnh hệ thống (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)