Tình hình xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển biến kinh tế, xã hội huyện tiên du, tỉnh bắc ninh từ năm 1999 đến năm 2013 (Trang 37 - 44)

Là mảnh đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng bậc nhất trong lịch sử nên ngay cả trong điều kiện có chiến tranh, truyền thống ấy vẫn được phát huy tốt. Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và các cấp chính quyền huyện Tiên Sơn vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hà Bắc, đề ra chủ trương, biện pháp tích cực nhằm phát triển văn hóa-giáo

dục. Nhờ có sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân, sự nghiệp văn hóa - giáo dục trên địa bàn Tiên Du đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào kết quả chung toàn huyện, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông được chú trọng đầu tư nâng cấp, đẩy mạnh cải cách giáo dục toàn diện. Phong trào thi đua Hai tốt trong các trường trên địa bàn Tiên Du diễn ra sôi nổi; chất

lượng giảng dạy và học tập không ngừng được nâng cao. Năm hoc 1976 - 1977, học sinh thi tốt nghiệp cấp II đạt 80%, cấp III đạt 74%. Năm học 1977 - 1978, các trường cấp I và cấp II sáp nhập thành trường phổ thông cấp I-II , kết quả công tác giáo dục năm học này đạt loại khá. Năm học 1978 - 1979 có 54% số cháu trong độ tuổi đến lớp mẫu giáo, học viên bổ túc tăng 15% so với năm học trước, học sinh các cấp tăng trên dưới 10%. Năm học 1979 - 1980, giáo dục mầm non thu hút được 69% số cháu đến lớp, có 3 xã Tân Chi, Tri Phương, Hoàn Sơn được công nhận phổ cập cấp I. Nhìn chung cả hệ phổ thông và bổ túc phát triển đều, điển hình như Liên Bão, Hoàn Sơn [34, tr. 222 - 223].

Bước vào năm học 1980 - 1981, huyện Tiên Sơn triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn Tiên Du được chấn chỉnh về kỉ cương, nền nếp về chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 1981, có 62% các cháu trong độ tuổi mẫu giáo, 65% các cháu độ tuổi nhà trẻ đến lớp; toàn huyện có 38.942 học sinh phổ thông, 2.000 lượt học sinh bổ túc văn hóa; thi hết lớp 7, số học sinh đỗ đạt 90,2%; thi hết lớp 10, số học sinh đỗ đạt 94% [34, tr. 241]. Trong các năm học tiếp theo, phong trào thi đua Hai tốt vẫn được duy trì, kết quả giáo dục được giữ vững và phát triển.

Tuy nhiên, do kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình hình dạy và học trong những năm này ở các trường phổ thông còn yếu, chất lượng chưa cao; tình trạng học sinh bỏ học, giáo viên xin thôi việc xảy ra ở một số trường.

Công tác y tế, vệ sinh phòng dịch bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân được duy trì thường xuyên. Cơ sở vật chất khám, chữa bệnh tiếp tục được tăng cường, chất lượng khám, điều trị được nâng cao, mạng lưới y tế xã ổn định. Hằng

năm, huyện kết hợp với các bệnh viện tiêm phòng cho nhân dân. Công tác vận động, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch và đặt vòng tránh thai hằng năm được ngành Y tế thực hiện tốt, góp phần giảm tỉ lệ gia tăng dân số.

Việc giải quyết các chế độ chính sách đối với các đối tượng chính sách, những người có công với cách mạng được tiến hành nghiêm túc và kịp thời. Chính sách hậu phương quân đội được đặc biệt quan tâm, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương.

Công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đầu 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, Huyện ủy xác định nhiệm vụ xây dựng kinh tế là quan trọng, đồng thời chú trọng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đoàn viên thanh niên tự giác và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyển quân năm 1979 đạt 104% kế hoạch, nhiều xã đã làm tốt như Việt Đoàn, Phật Tích, Lạc Vệ, Cảnh Hưng, Đại Đồng, Tri Phương. Lực lượng dân quân, tự vệ ở các địa phương đảm bảo số lượng từ 10% đến 12%. Các cơ quan công sở, trường học đều có đội tự vệ chiến đấu cơ động. Huyên đã thành lập một tiểu đội quân dự bị; các đội dân quân, tự vệ được tổ chức biên chế lồng ghép theo đơn vị HTX nông nghiệp.

Các hoạt động thông tin tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao được đẩy mạnh. Nhiều cơ sở đã xây dựng được quy ước, thực hiện công khai trong quản lí kinh tế, thực hiện dân chủ trong xây dựng kế hoạch, trong phân phối... Phong trào thực hiện nếp sống mới, tiết kiệm của Hội Phụ lão; làm thủy lợi, cải tạo đất của Đoàn Thanh niên; phong trào Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tất cả tình hình trên cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND,UBND, nhân dân các xã trên địa bàn Tiên Du đã nỗ lực phấn đấu, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, phát huy truyền thống quê hương, khai thác tốt tiềm năng về lao động, đất đai, ngành nghề của địa phương. Trong 10 năm (1976 - 1985), nhân dân Tiên Du đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã

hội, góp phần làm chuyển biến bộ mặt huyện Tiên Sơn, tạo ra những điều kiện căn bản cho việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng thắng lợi.

Trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, công tác văn hóa, giáo dục gặp khá nhiều khó khăn, phức tạp, có lúc tưởng như dừng lại và đi xuống. Được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành trong khối Văn hóa - Xã hội, công tác văn hóa, giáo dục từng bước vượt qua khó khăn, dần dần lấy lại được nhịp độ phát triển. Trong các trường học, phong trào thi đua Hai tốt tiếp tục được duy trì; ý thức giáo dục toàn diện trong các cấp học được coi trọng. Năm 1986, các nhà trẻ mẫu giáo thu hút 50% số cháu trong độ tuổi. So với năm 1985, học viên bổ túc văn hóa tăng 17%; các xã Phật Tích, Liên Bão có phong trào bổ túc văn hóa sôi nổi. Năm học 1986 - 1987, học sinh tốt nghiệp cấp II đạt 79%. Bước sang năm học 1987 - 1988, chất lượng dạy và học giảm sút, học sinh thi tốt nghiệp cấp II và phổ thông trung học chỉ đạt 58%. Tình trạng học sinh bỏ học vẫn xảy ra; riêng trong năm học 1988-1989, học sinh cấp II bỏ học tới 12,9%... Năm học 1989 - 1990, ngành Giáo dục đẩy mạnh phong trào thi đua Hai tốt, động viên tạo điều kiện để học sinh đến trường, nên tình trạng học sinh bỏ học giảm đáng kể. Kết thúc năm học, học sinh cấp I đỗ tốt nghiệp 84%, cấp II đỗ 98%, cấp III đỗ 84%, thực hiện xóa mù chữ vượt kế hoạch 16% [34, tr. 262-263]; ngành Giáo dục Tiên Sơn được xếp loại tiên tiến của tỉnh Hà Bắc.

Từ năm 1991, hoạt động giáo dục và đào tạo các xã trên địa bàn Tiên Du tiến bộ không ngừng qua từng năm học. Chất lượng giáo dục toàn diện các trường trên địa bàn Tiên Du nâng lên rõ rệt, góp phần vào kết quả toàn huyện Tiên Sơn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học và xóa mù chữ. Trong năm học 1992 - 1993, Tiên Du không còn học sinh xếp loại yếu kém về đạo đức, văn hóa yếu kém giảm mạnh ở các cấp; thi học sinh giỏi toàn tỉnh đạt 3 giải nhất, 4 giải nhì, 10 giải 3, xếp thứ 5 toàn tỉnh. Với kết quả đó, huyện Tiên Sơn liên tục giữ vững danh hiệu Đơn vị Tiên tiến xuất sắc của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Bắc.

Trong những năm 1996 - 1999, ngành Giáo dục - Đào tạo Tiên Sơn tiếp tục phát triển và có những chuyển biến mới tích cực. Quy mô các ngành học được mở

ngũ cán bộ giáo viên các cấp được đảm bảo về số lượng và từng bước nâng lên về chất lượng; cơ sở vật chất được tăng cường, chất lượng dạy và học được nâng cao. Đó là cơ sở và động lực quan trọng để giáo dục-đào tạo Tiên Du phát triển mạnh mẽ khi tái lập, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH của huyện.

Trong hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Y tế huyện Tiên Sơn đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đứng vững và phát triển. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân được đặc biệt coi trọng. Huyện đã đầu tư nhiều công sức duy trì phong trào vệ sinh phòng bệnh, xây dựng 3 công trình vệ sinh, tổ chức tiêm chủng mở rộng phòng các loại bệnh dịch cho trẻ em, phụ nữ mang thai. Từ năm 1986, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố; cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch phát triển rộng khắp và đạt kết quả tốt, giảm tỉ lệ tăng dân số từ 1,68% năm 1985, xuống còn 1,62% năm 1986; đến 1988 còn 1,53% và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Năm 1989, Bộ Y tế công nhận Tiên Sơn là đơn vị hoàn thành cuộc vận động xây dựng 3 công trình vệ sinh. Do làm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên tổ chức kết hợp giữa Bệnh viện huyện với các Trạm xá khám chữa bệnh cho nhân dân nên tỉ lệ bệnh nhân và số người phải đi khám bệnh, tỉ lệ tử vong vì bệnh tật giảm đáng kể qua các năm. Đặc biệt, ngành Y tế đã triển khai chương trình chống bệnh phong đạt kết quả cao, huyện đã mời đội ngũ y, bác sĩ của Bộ Y tế về giúp khám và chữa bệnh cho nhân dân 8 xã, được nhân dân khen ngợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự chỉ đạo của Huyện ủy, Phòng Thương binh - Xã hội huyện Tiên Sơn đã phối hợp với các ban ngành có liên quan kịp thời giải quyết các chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước cho các đối tượng chính sách; đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Xã Hạp Lĩnh hoàn thành tặng sổ tình nghĩa cho 100% gia đình chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường cho vay giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt.

Công tác văn hóa, thông tin và thể thao được đẩy mạnh. Các đội văn nghệ quần chúng, các đội tuyên truyền cổ động cơ sở được duy trì và hoạt động tích cực. Phong trào TDTT, nhất là các môn bóng chuyền, bóng đá, vật, cầu lông... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, công sở. Phong trào xây dựng làng

văn hóa với những quy ước có nội dung văn hóa mới, hiện đại được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Các hoạt động lễ hội truyền thống, truyền thanh, phim ảnh, sách báo phát triển phong phú. Ngành Văn hóa tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan thu quét các văn hóa phẩm đồi trụy, phản động.

Công tác quốc phòng, an ninh được coi trọng. Hằng năm, lực lượng quân sự từ huyện đến cơ sở đều rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án tác chiến phòng thủ, tổ chức huấn luyện, diễn tập đạt kết quả tốt; hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân theo chỉ tiêu kế hoạch. Lực lượng công an viên, bảo vệ và công an huyện luôn bám sát địa bàn trọng điểm, tích cực truy quét tội phạm hình sự, các hoạt động gây rối trật tự. Cùng với phong trào thi đua học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng công an, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Hoạt động của các tổ an ninh nhân dân, của lực lượng thanh niên xung kích đi vào nền nếp, có chất lượng.

Tiểu kết chương 1

Lịch sử Tiên Du trải dài theo tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, nhưng lịch sử Tiên Du có những đặc điểm riêng của mình.

Vùng đất Tiên Du có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi nên từ rất sớm đã trở thành nơi tụ cư của người Việt cổ. Con người nơi đây đã sớm biết khai phá những cánh đồng màu mỡ để phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với các nghề thủ công, buôn bán; biến vùng đất này trở thành một miền quê tương đối trù phú. Tiên Du từ rất sớm đã được biết đến bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, bởi nét đẹp văn hóa của con người.

Phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, nhân dân Tiên Du sát cánh cùng nhân dân Từ Sơn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân Tiên Du cần cù, sáng tạo lao động sản xuất phát triển kinh tế-xã hội, gặt hái được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, góp phần đáng kể vào sự chuyển biến kinh tế-xã hội của huyện Tiên Sơn . Sau hơn 10 năm (1986 - 1999), cùng với Từ Sơn, nhân dân Tiên Du thực

thoát ra khỏi khủng hoảng, ổn định và phát triển. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục tiến bộ không ngừng; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt; tình hình xã hội đã có chuyển biến tích cực; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đó là tiền đề hết sức quan trọng để Tiên Du vững tin vào mình tiếp tục tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH.

Chương 2

CHUYỂN BIẾN KINH TẾ HUYỆN TIÊN DU TỈNH BẮC NINH TỪ NĂM 1999 ĐẾN NĂM 2013

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển biến kinh tế, xã hội huyện tiên du, tỉnh bắc ninh từ năm 1999 đến năm 2013 (Trang 37 - 44)