Phân biệt câu phức phụ thuộc với câu đơn và câu phức đẳng lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) câu phức trong tuyển tập nam cao (Trang 44 - 49)

Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN

2.2. Câu phức phụ thuộc trong Tuyển tập Nam Cao

2.2.2. Phân biệt câu phức phụ thuộc với câu đơn và câu phức đẳng lập

Do câu phức phụ thuộc vừa có nét gần gũi với câu đơn, vừa có nét gần gũi với câu phức đẳng lập nên khi xác định câu phức phụ thuộc, chúng ta cần phân biệt với hai kiểu câu nói trên.

1) Phân biệt câu phức phụ thuộc với câu đơn

Thực tế cho thấy, câu phức phụ thuộc thường bị nhầm lẫn với hai dạng câu đơn sau:

a) Câu đơn có vị ngữ là động từ cầu khiến (cấm, mời, khuyên, kéo, rủ, yêu cầu…) mà sau đó là hai bổ ngữ.

Dưới đây là một số câu đơn dẫn trong Tuyển tập Nam Cao dễ bị nhầm lẫn với câu phức

(14) Rồi Đức chạy ra kéo tôi đi. (Cái mặt không chơi được)

(15) Nhung qua lại để nhờ Đức giảng cho cái tính khó hay giúp cho một vài ý để làm một bài luận văn. (Cái mặt không chơi được)

(16) Ông chủ tịch ấy hai ba lượt yêu cầu nhà tôi dạy bình dân học vụ. (Đôi mắt)

(17) Hoàng mời tôi đến chơi nhà mấy người bạn cũ … (Đôi mắt)

(18) Một anh bạn khuyên tôi đừng đả động đến một người nào. (Những truyện không muốn viết)

Trong câu (14), sau động từ kéo có hai bổ ngữ tôi đi. Vậy câu (14) chỉ là câu đơn nhưng dễ nhầm lẫn là câu phức có cụm chủ vị làm bổ ngữ (sự nhầm lẫn bổ ngữ của động từ kéo là cụm chủ vị tôi đi).

Ở câu (15), sau động từ cầu khiến nhờ cũng có hai bổ ngữ: Đức (chỉ đối thể cầu khiến) và giảng (chỉ nội dung cầu khiến) nhưng hai từ là bổ ngữ này có thể bị nhầm lẫn là có quan hệ chủ vị với nhau. Sự nhầm lẫn này chính là sự nhầm lẫn câu đơn thành câu phức (có cụm chủ vị bổ ngữ).

Ở câu (16), sau động từ - vị ngữ yêu cầu (thuộc động từ cầu khiến) cũng có hai bổ ngữ: bổ ngữ chỉ đối thể cầu khiến (tôi) và bổ ngữ chỉ nội dung cầu khiến (dạy). Hai từ là bổ ngữ này cũng dễ bị nhầm lẫn là hai từ có quan hệ chủ vị với nhau. Sự nhầm lẫn này thực chất cũng là sự nhầm lẫn câu đơn với câu phức.

Những câu (17), (18) cũng chỉ là câu đơn có vị ngữ là động từ cầu khiến (mời, khuyên). Nhưng những câu này cũng dễ bị nhầm lẫn thành câu phức có cụm chủ vị là bổ ngữ.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn câu đơn với câu phức như chỉ ra trên đây là vì từ tiếng Việt không biến hình (nên bổ ngữ không có sự khác biệt về hình thức với chủ ngữ).

b) Câu đơn có chủ ngữ hay bổ ngữ là cụm danh từ

Trong tiếng Việt, cụm danh từ có những nét gần gũi về hình thức với cụm chủ vị. Vì vậy, người phân tích dễ nhầm lẫn hai kiểu đơn vị này. Sự nhầm lẫn cụm danh từ với cụm chủ vị cũng dễ dẫn đến sự nhầm lẫn câu đơn với câu phức.

Dưới đây là một số ví dụ trong Tuyển tập Nam Cao về những câu đơn có chủ ngữ hay bổ ngữ là cụm danh từ dễ gây sự nhầm lẫn với câu phức.

- Câu đơn có chủ ngữ là cụm danh từ

(19) Những nữ sinh nhí nhảnh không còn hợp với tuổi tôi và nghề nghiệp của tôi. (Cái mặt không chơi được)

(20) Những cô bán hàng dành cho khách mua hàng. (Cái mặt không chơi được) Trong những câu (19), (20), chủ ngữ đều là cụm danh từ nhưng có thể bị nhầm lẫn là cụm chủ vị. Sự nhầm lẫn đó chính là sự nhầm lẫn câu đơn thành câu phức.

- Câu đơn có bổ ngữ là cụm danh từ Ví dụ:

(21) Tôi để ý đến những cô gái làm khuy nút. (Cái mặt không chơi được) (22) Họ là những người trẻ tuổi thích làm sang. (Nhỏ nhen)

(23) Giang là một học sinh nghèo đến nỗi không đủ tiền để đến trường. (Nhỏ nhen)

(24) Ngạn đã chán với tình yêu của hạng người cứ luôn triết lí với tình yêu lắm rồi. (Nhìn người ta sung sướng)

(25) Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay chỉ biết làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. (Đời thừa)

Trong câu (21), bổ ngữ của động để ý là một cụm danh từ (những cô gái làm khuy nút). Cụm danh từ là bổ ngữ này dễ bị nhầm lẫn là cụm chủ vị và sự nhầm lẫn đó dẫn đến nhầm lẫn câu đơn với câu phức.

Trong câu (22), bổ ngữ của động cũng chỉ là một cụm danh từ , do đó, câu (22) chỉ là một câu đơn chứ không phải là câu phức.

Ở câu (23), bổ ngữ sau cũng có cấu tạo là cụm danh từ và câu (23) cũng chỉ là câu đơn (nhưng dễ bị nhầm lẫn là câu phức có cụm chủ vị là bổ ngữ.

Ở câu (24), sau quan hệ từ của là một cụm danh từ làm định ngữ. Cụm danh từ này có nét gần gũi với cụm chủ vị về hình thức nên dễ bị nhầm lẫn là cụm chủ vị và sự nhầm lẫn đó sẽ dẫn đến nhầm lẫn câu đơn với câu phức.

Ở câu (25), bổ ngữ của cần đến cũng chỉ là một cụm danh từ nên câu (25) cũng chỉ là câu đơn chứ không phải câu phức.

Để phân biệt câu đơn, câu phức trong các trường hợp như đã chỉ ra trên đây, ngoài sự cảm nhận chủ quan, điều quan trọng là cần dựa vào các thủ pháp hình thức và sự phân tích ngữ nghĩa. Các thủ pháp phân biệt câu đơn với câu phức phụ thuộc đã được trình bày cụ thể trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Mạnh Tiến [37; 422-448], vì vậy, sẽ không được trình bày ở đây.

2. Phân biệt câu phức phụ thuộc với câu phức đẳng lập

Khảo sát các kiểu câu phức phụ thuộc trong Tuyển tập Nam Cao, chúng tôi gặp một loạt câu có nét trung gian giữa câu phức phụ thuộc và câu phức đẳng lập. Thuộc về số này là những câu sau:

a) Những câu phức trong đó các cụm chủ vị có quan hệ nhân quả

Ví dụ:

(26) Du đắc chí lắm vì tưởng câu chuyện của mình rất có duyên. (Nhỏ nhen) (27) Giang cười chỉ vì chàng nghĩ đến chuyện riêng của chàng. (Nhỏ nhen) (28) Lũ trẻ không cười nữa vì cái mặt của Câm hầm hầm, trông dữ lắm. (Chuyện người hàng xóm)

b) Những câu phức trong đó các cụm chủ vị có quan hệ điều kiện kết quả

(29) Nếu trăng là một người đàn bà thì người đàn bà ấy thật hoàn hảo. (Giăng sáng)

(30) Nếu Nhu không cho thì chúng ăn cướp của Nhu. (Ở hiền) (31) Giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi. (Chí Phèo)

(32) Giá bác ở đây lâu thì nhiều lúc bác cũng cười đến chết. (Đôi mắt)

c) Những câu phức trong đó các cụm chủ vị có quan hệ nhượng bộ

Ví dụ:

(33) Dẫu rằng mụ Tam không ưng bán chịu thì hắn cũng đã mua chịu được ba bữa. (Trẻ con không ăn thịt chó)

(34) Ba hôm sau, tôi đi Cấp mặc dù, cuốn tiểu thuyết chưa xong một nửa. (Đui mù)

Đối với ba kiểu câu trên đây (câu nhân quả, câu điểu kiện - kết quả, câu nhượng bộ), hiện nay, ý kiến của các tác giả về tính chất của mối quan hệ cú pháp giữa các cụm chủ vị chưa có sự thống nhất. Theo cuốn Ngữ pháp tiếng Việt

của Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Mạnh Tiến, hiện nay có ba loại ý kiến về cách phân tích kiểu câu này:

- Coi đây là những kiểu câu mà giữa hai cụm chủ vị có qua hệ chính phụ. - Coi đây là những kiểu câu mà giữa hai cụm chủ vị có quan hệ phụ thuộc qua lại.

- Coi đây là những kiểu câu mà giữa hai cụm chủ vị có quan hệ đẳng lập. [37;457].

Không có điều kiện đi sâu vào vấn đề bản chất của mối quan hệ cú pháp giữa các cụm chủ vị trong những kiểu câu trên đây, trong luận văn này, chúng tôi tán thành cách phân tích thứ nhất (Theo đó, coi quan hệ giữa các cụm chủ vị trong các kiểu câu trên đây là quan hệ chính phụ). Như vây, những kiểu câu trên sẽ được xếp vào câu phức phụ thuộc (cụ thể là câu phức phụ thuộc với các cụm chủ vị làm trạng ngữ).

Trên cơ sở xác định phạm vi, ranh giới của câu phức phụ thuộc như trên, dưới đây, chúng tôi sẽ tiến hành miêu tả từng kiểu câu phức phụ thuộc theo kết quả phân loại thể hiện ở Bảng 2.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) câu phức trong tuyển tập nam cao (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)