Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
3.2. Đặc điểm chung về ngữ nghĩa của câu phức trong Tuyển tập Nam Cao
3.2.1. Câu phức với số lượng sự tình được biểu thị
1. Sự tình như là nội dung biểu thị của cụm chủ vị
Trong ngôn ngữ học, thuật ngữ sự tình thường được hiểu là một sự việc diễn ra (hay tồn tại) trong thực tế. Sự việc (sự tình) đó bao gồm hoạt động (hay đặc điểm) tạo nên lõi sự tình và các thực thể tham gia vào hoạt động (hay mang đặc điểm) với tư cách là chủ thể hoặc đối thể. Ngoài ra, liên quan đến sự tình còn có các yếu tố giữ vai trò bối cảnh (thời gian, không gian) hoặc các yếu tố thúc đẩy, cản trở sự tình (nguyên nhân, mục đích, phương tiện...). Một sự tình thường được ngôn ngữ biểu thị bằng một cụm chủ vị trong đó vị ngữ (là thực từ đồng thời là hạt nhân ngữ nghĩa của cụm) biểu thị lõi sự tình, chủ ngữ biểu thị chủ thể, còn bổ ngữ và trạng ngữ (nếu có) biểu thị đối thể và tình huống (hoàn cảnh) của sự tình. Chẳng hạn: câu (1) “Chí Phèo lăn lộn dưới đất.” biểu thị một sự tình gồm lõi sự tình được biểu thị bởi động từ - vị ngữ (lăn lộn), chủ thể (được biểu thị bởi chủ ngữ Chí Phèo) và hoàn cảnh (được biểu thị bởi trạng ngữ dưới đất).
2. Số lượng, sự tình được biểu thị trong câu phức
Tư liệu thống kê trong Tuyển tập Nam Cao cho thấy số lượng sự tình được biểu thị tương ứng với số lượng cụm chủ vị trong câu phức có thể dao động từ 2 đến 13 sự tình cụ thể:
a. Câu phức với hai sự tình
Ví dụ:
(2) Cứ tình hình ấy thì ta nói quách: Thị Nở không có chồng. (Chí Phèo) (3) Anh ấy bảo: anh ấy sợ Tri lắm. (Cái mặt không chơi được)
(4) Ở Hà Nội, Trinh bán hàng cho một hiệu thuốc tây, Ngạn làm cho một công ty bảo hiểm. (Nhìn người ta sung sướng).
(5) Chúng nhìn thẳng, chúng nhìn nghiêng. (Giăng sáng)
Nở không có chồng.
Trong các câu (3), (4), (5) cũng đều có hai cụm chủ vị biểu thị hai sự tình khác nhau.
b. Câu phức với ba sự tình
Ví dụ:
(6) Hắn thấy người nôn nao, chân tay bủn rủn. (Chí Phèo)
(7) Sáng hôm sau, tôi đang rửa mặt thì Kha xách cái lồng sáo của Kha sang, Kha cười toe toét để làm lành. (Truyện tình).
(8) Điền càng nghĩ càng thấy rằng hắn là người khổ, vợ hắn là người tệ bạc. (Nước mắt).
(9) Những đàn bà họ làm dáng cả với những người mà họ biết chẳng đời nào họ yêu. (Truyện người hàng xóm).
Trong câu (6) có ba cụm chủ vị ứng với ba sự tình: Hắn thấy, người nôn nao, chân tay bủn rủn.
Trong câu (7) có ba cụm chủ vị biểu thị ba sự tình là: tôi đang rửa mặt, Kha xách cái lồng sáo của Kha sang, Kha cười toe toét...
Ở các câu (8),(9) cũng có ba cụm chủ vị biểu thị ba sự tình khác nhau.
c) Câu phức với bốn sự tình
(10) Thấy điệu bộ hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng kết cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. (Chí Phèo)
(11) Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen đen mà rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trong gớm chết. (Chí Phèo)
(12) Ông phó đi đánh bạc đêm về cũng tạt vào, anh trương, tuần đi tuần cũng tạt vào, anh hàng xóm cũng mò sang, thậm chí, đến cái thằng hương điền cũng mon men vào gạ gẫm. (Chí Phèo).
Trong câu (10) có bốn cụm chủ vị tương ứng với bốn sự tình được biểu thị: bà cả đùn bà ha, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư và chẳng bà nào dám nói với hắn...
Trong câu (11) có bốn cụm chủ vị miêu tả về ngoại hình của Chí Phèo:
Cái đầu thì trọc lốc, cái răng thì cạo trắng hởn, cái mặt thì đen đen mà rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm...
Ở câu (12) có bốn cụm chủ vị biểu thị bốn sự tình (nói về cái hoạt động xấu xa của các nhân vật: ông Phó, anh Trương tuần, anh hàng xóm, thằng hương điền).
d) Câu phức với năm sự tình
(13) Nhưng nếu cụ lại cứ tưởng cụ là to, khinh y là một anh giáo quèn trường tư thì y sẽ khinh khỉnh lại ngay mà liệu cách tỏ cho cụ biết tuy y nghèo rớt mồng tơi nhưng chẳng thèm quỵ lụy thằng nào... (Sống mòn).
Trong câu (13), có năm cụm chủ vị biểu thị năm sự tình: cụ lại cứ tưởng, cụ là to, y sẽ khinh khỉnh lại ngay, cụ biết, y nghèo...
đ) Câu phức với sáu sự tình
Ví dụ:
(14) Biết bao lần giữa một bữa ăn vui, hình ảnh một bà cụ già nuốt nước bọt thầm hay một đứa em lấm lét nhìn trộm nồi cơm để ước lượng, xem nó có còn hi vọng gì được thêm một lượt xới nữa chăng đột ngột hiện ra, khiến y đang ăn ngon lành bỗng ngẩn mặt thẫn thờ... (Sống mòn)
Trong câu (14) có thể đêm được sáu cụm chủ vị biểu thị sáu sự tình có mối quan hệ phụ thuộc vào nhau trong đó, cụm chủ vị chính có vị ngữ là động từ
khiến biểu thị sự tình nhân quả.
e) Câu phức với bẩy sự tình
Ví dụ:
(15) Và bây giờ người ta thấy vợ hắn rất chính chuyên mà lại trung thành, thị chăm chỉ làm ăn để nuôi hắn; những ông trưởng, ông phó tự nhiên cũng nghĩ bụng rằng: người ta có chồng rồi mà còn chàng màng thì phải tội; ai cũng tử tế cả chỉ trừ anh Binh, bởi vì Binh Chức bây giờ lại rất mực ngang ngược (Chí Phèo).
Đây chưa phải là câu phức dài nhất trong “Tuyển tập Nam Cao” dù có đến bẩy cụm chủ vị biểu thị bẩy sự tình có mối quan hệ đan xen phức tạp với nhau. g) Câu phức với 13 sự tình
Ví dụ:
(16) Họ là những người nhẫn nại đến cực độ, luôn nhận mình là con sâu cái kiến, ai muốn giẫm lên cũng được; những kẻ bị bóc lột, đè nén, đánh chửi đã quá quen rồi nên hầu như không còn biết phẫn uất là gì; họ có thể cho kẻ khác tát một cái để được lợi một vài hào, nhưng lại rất có thể vứt ra đôi ba trăm để được người ta gọi là ông phó; họ tiếc không dám giết một con gà cho bố mẹ ăn nhưng nếu bố mẹ chết đi lại có thể giết mấy con bò để làm ma thật lớn, những người rất ngờ nghệch nhưng lại rất đa nghi; chẳng khó gì mà có thể khiến họ tin rằng một con cá chép vừa hóa thành một ông lão tóc bạc phơ để nói thành lời báo tin đói kém, mất mùa, nhưng đố ai phân trần được cho họ hiểu rằng không phải trồng đậu ngăn được bệnh đậu mùa mà bệnh đậu mùa sinh ra chỉ do một loại vi rút chứ chẳng có các cô, bà nào đi rải hoa quả. (Truyện người hàng xóm) Câu (16) trên đây có lẽ là câu dài nhất trong “Tuyển tập Nam Cao” với 13 cụm chủ vị ứng với 13 sự tình được biểu thị.
Như vậy, số lượng sự tình, được biểu thị trong câu phức có thể rất lớn và điều đó là một bằng chứng về tính phức tạp về ngữ nghĩa của câu phức trong
Tuyển tập Nam Cao.