Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.3. Câu phức đẳng lập
2.3.1. Đặc điểm chung của câu phức đẳng lập
Câu phức đẳng lập là câu phức gồm từ hai cụm chủ vị chính (cụm chủ vị nòng cốt) trở lên. Các cụm chủ vị chính có quan hệ bình đẳng với nhau, tức là không có cụm nào làm thành phần câu, chúng không phụ thuộc vào nhau về cú pháp.
Câu phức đẳng lập trong Tuyển tập Nam Cao có những đặc điểm chung sau:
1) Về số lượng
Câu phức đẳng lập trong “Tuyển tập Nam Cao” gồm 225 câu, chiếm 29,41 %. Về số lượng, sở dĩ câu phức đẳng lập ít hơn câu phức phụ thuộc khá nhiều là vì có những nguyên khác nhau. Một trong những nguyên nhân đó có thể là do tính độc lập của các cụm chủ vị tạo thành vế câu: Do có tính độc lập khá cao, trong nhiều trường hợp, người viết chọn giải pháp tách thành câu đơn thay cho giải pháp dùng câu phức đẳng lập.
2) Về tính chất của mối quan hệ cú pháp giữa các cụm chủ vị
Giữa các cụm chủ vị nòng cốt tạo thành câu phức đẳng lập có mối quan hệ bình đẳng, tức là không cụm nào phụ thuộc về cú pháp vào cụm nào. Do đặc điểm này mà trong nhiều trường hợp, việc lược bỏ một cụm không ảnh hưởng đến sự tồn tại của cụm kia, nhất là về ngữ pháp.
3) Về trật tự giữa các cụm chủ vị
Phù hợp với trật tự trong các tổ hợp đẳng lập, trật tự giữa các cụm chủ vị trong câu phức đẳng lập tương đối tự do về cú pháp. Sở dĩ nói tương đối vì không phải trong mọi trường hợp, có thể dễ dàng thay đổi trật tự giữa các cụm chủ vị. Sự hạn chế khả năng thay đổi trật tự giữa các cụm chủ vị trong câu phức đẳng lập có những nguyên nhân thuộc về mặt logic - ngữ nghĩa (chứ không phải cú pháp).
4) Về phương tiện biểu thị quan hệ giữa các cụm chủ vị (các vế câu)
Các phương tiện chủ yếu được sử dụng là ngữ điệu ngừng (thể hiện trên chữ viết là dấu phẩy, dấu chấm phẩy), quan hệ từ (và, hay, rồi), phó từ (lại).
2.3.2. Các kiểu câu phức đẳng lập trong Tuyển tập Nam Cao
Theo tính chất của mối quan hệ giữa các cụm chủ vị (các vế câu), câu phức đẳng lập trong Tuyển tập Nam Cao có thể được chia thành các kiểu chính sau:
1) Câu phức liệt kê
Ở kiểu này, số lượng cụm chủ vị có thể là hai hoặc lớn hơn hai, trật tự giữa các cụm tương đối tự do, phương tiện nối kết giữa các vế thường là ngữ điệu (dấu phẩy) hoặc quan hệ từ và.
Ví dụ:
(128) Thúc hắn thì hắn chửi, cắm vườn hắn thì hắn chém, sinh chuyện với hắn thì chính lí trưởng làng có lỗi. (Chí Phèo)
(129) Thị cười, thị thấy không buồn ngủ và thị cứ lăn vào. (Chí Phèo) (130) Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người. (Chí Phèo) (131) Y đánh bạc, y uống rượu, y ăn cắp tiền của vợ. (Nhìn người ta sung sướng).
(132) Cái ổ rơm nóng, mẻ ngô rang thơm ngạt, tiếng trẻ con cười giòn.
(Làm tổ).
(133) Bà cào, bà cấu, bà tát, mồm thì gào lên như chính bà bị đánh. (Nửa đêm).
(134) Y xấu, y nghèo, y ngờ nghệch vụng về. (Sống mòn).
Trong những câu phức liệt kê trên đây, số lượng cụm chủ vị phần lớn là trên hai cụm, trật tự giữa các cụm cũng tương đối tự do mà bằng chứng là có thể đổi chỗ giữa chúng mà không dẫn đến sự thay đổi hay phá vỡ cấu trúc cú pháp cơ bản của câu.
Bên cạnh những câu phức liệt kê điển hình như trên đây, còn có thể gặp những câu phức liệt kê mà về ngữ nghĩa, rất khó chuyển đổi trật tự giữa các cụm chủ vị (các vế). Dưới đây là một ví dụ về dạng câu phức như vậy.
(135) Mắt tôi nhìn xuống mũi, mũi tôi nhìn xuống miệng và miệng tôi thì bĩu ra. (Những truyện không muốn viết).
Trong câu trên đây, vì lí do ngữ nghĩa rất khó thay đổi trật tự giữa các vế (mặc dù về ngữ pháp, các cụm chủ vị trong câu trên đây có quan hệ đẳng lập và biểu thị các sự việc mang ý nghĩa thiên về liệt kê).
2) Câu phức nối tiếp
Kiểu câu phức này biểu thị các sự việc nối tiếp nhau theo thời gian. Phương tiện biểu thị mối quan hệ giữa các sự việc là ngữ điệu và quan hệ từ rồi hoặc phó từ lại.
Ví dụ:
(136) Anh do dự rất lâu, rồi anh quả quyết, anh xuống bếp. (Nhỏ nhen). (137) Ninh gọi Đạt về, lau nước mắt cho nó rồi chị em ăn sáng. (Từ ngày mẹ chết).
(138) Hắn lẩm bẩm thành lời rồi hắn lại toan xộc vào nhà. (Sống mòn). Trong những câu (136), (137), (138), mối quan hệ nối tiếp giữa các sự việc nêu trong cụm chủ vị được biểu thị bởi quan hệ từ rồi.
Có những trường hợp trong quan hệ từ rồi không xuất hiện nhưng ý nghĩa nối tiếp vẫn được bộc lộ. Thuộc những trường hợp này là:
- Khi cụm chủ vị đứng sau có chứa đại từ thay thế cho từ nêu ở cụm chủ vị đứng trước.
Ví dụ:
(139) Hiền sợ lắm, nó lúng túng gỡ chăn. (Truyện người hàng xóm). (140) Đôi mắt thì long sòng sọc, chúng toan nhảy vọt ra. (Những truyện không muốn viết).
- Khi cụm chủ vị đứng sau có danh từ chỉ bộ phận bất khả li của chỉnh thể nêu ở cụm chủ vị đứng trước.
(141) Bà ngồi xuống cửa, mặt hầm hầm như giận dữ. (Từ ngày mẹ chết). (142) Dì ngoẹo đầu đi, mặt đỏ bừng... (Dì Thảo).
- Khi cụm chủ vị đứng sau biểu thị sự việc mà về logic thời gian chỉ có thể xảy ra sau sự việc thứ nhất.
Ví dụ:
(143) Người Mán bẫy được gấu một lần, người Mán cho chúng tôi ăn thịt gấu. (Từ ngược về xuôi).
Trong câu (143), sự việc "ăn thịt gấu" nêu ở cụm chủ vị đứng sau chỉ có thể xảy ra sau sự việc "bẫy được gấu" nêu ở cụm chủ vị đứng trước.
3) Câu phức đối xứng
Kiểu câu phức này thường gồm hai vế (hai cụm chủ vị) đối xứng nhau về ý nghĩa và hình thức.
Ví dụ:
(144) Người nhìn ra sân, người nhìn vào bát. (Đón khách). (145) Cơm trắng, cá ngon. (Đón khách).
(146) Mẹ chồng nghiến rứt con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng. (Nước mắt).
4) Câu phức đối lập (tương phản)
Kiểu câu phức này cũng thường gồm hai vế trong đó vế sau thường được dẫn nối bởi các quan hệ từ nhưng, song chỉ sự việc đối lập (tương phản) với sự việc nêu ở vế trước.
Ví dụ:
(147) Tôi cũng cười nhưng có lẽ cái cười chẳng được tươi cho lắm. (Đôi mắt). (148) Con em chúng nó mù, nhưng hắn không mù. (Đôi móng giò).
(149) Y cũng vào phòng viết, ngồi như thường lệ nhưng y không viết được.
(Bài học quét nhà).
5) Câu phức lựa chọn
Trong Tuyển tập Nam Cao, kiểu câu phức này rất ít gặp. Trường hợp duy nhất mà chúng tôi gặp là câu hỏi lựa chọn với hai cụm chủ vị đã nêu ở đầu
Chương 2 (Mình đọc hay tôi đọc?).
2.4. Tiểu kết
Trong Chương 2, luận văn đã xem xét đặc điểm ngữ pháp của câu phức trong Tuyển tập Nam Cao. Qua kết quả thống kê, phân loại và miêu tả ở chương này, có thể thấy câu phức trong Tuyển tập Nam Cao không chỉ phong phú về số lượng mà còn rất đa dạng về cấu tạo. Trong hai kiểu câu phức chính xét về mặt cấu tạo (câu phức phụ thuộc và câu phức đẳng lập), câu phức phụ thuộc có số lượng áp đảo (với 70,59%). Không chỉ chiếm số lượng lớn, câu phức phụ thuộc trong Tuyển tập Nam Cao còn rất đa dạng về kiểu cấu tạo (với sáu kiểu nhỏ). Trong sáu kiểu câu phức phụ thuộc có ba kiểu có số lượng lớn nhất là câu phức có cụm chủ vị làm bổ ngữ (37,96 %), câu phức có cụm chủ vị làm trạng ngữ (chiếm 26,48%) và câu phức có cụm chủ vị làm định ngữ (chiếm 15,37 %). Sự phổ biến của ba kiểu câu phức phụ thuộc trên đây phản ánh thuộc tính kết trị phong phú của vị từ và danh từ cũng như sự phong phú, phức tạp của tư duy với vai trò là công cụ phản ánh đầy đủ, trung thực hiện thực khách quan bằng ngôn ngữ.
Kết quả thống kê, miêu tả câu phức trong Tuyển tập Nam Cao cũng cho thấy câu phức có vai trò quan trọng trong hệ thống ngữ pháp, trong việc phản ánh hiện thực đời sống vốn rất đa dạng và phức tạp mà nếu chỉ dùng câu đơn (câu có một cụm chủ vị) sẽ không thể phản ánh đầy đủ, trung thực.
Chương 3
CÂU PHỨC TRONG TUYỂN TẬP NAM CAO
XÉT VỀ MẶT NGỮ NGHĨA
3.1. Dẫn nhập
Vấn đề ngữ nghĩa của câu là một vấn đề rất phức tạp. Vấn đề tổ chức ngữ nghĩa của câu phức lại là vấn đề phức tạp hơn. Sở dĩ như vậy là vì câu phức biểu thị không phải là một mà một vài sự tình mà mỗi sự tình tương ứng với một sự tình nêu trong câu đơn.
Trước một vấn đề phức tạp như vậy, tác giả luận văn không có điều kiện, khả năng giải quyết một cách đầy đủ, thấu đáo. Mục tiêu mà luận văn đặt ra ở chương này chỉ là xem xét, miêu tả một cách khái quát một số đặc điểm ngữ nghĩa của câu phức trong Tuyển tập Nam Cao. Những vấn đề chính mà luận văn sẽ đề cập ở chương này là:
1) Đặc điểm chung về ngữ nghĩa của câu phức (trên cứ liệu Tuyển tập Nam Cao)
2) Đặc điểm về ngữ nghĩa của câu phức phụ thuộc (trên cứ liệu Tuyển tập Nam Cao).
3) Đặc điểm ngữ nghĩa của câu phức đẳng lập (trên cứ liệu Tuyển tập Nam Cao).
Khi xem xét những vấn đề trên đây, về mặt lí thuyết, chúng tôi chủ yếu dựa vào quan niệm về ngữ nghĩa (nghĩa biểu hiện) thể hiện trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Mạnh Tiến [LT, 484 - 494].