Hiệu quả sinh thái của chương trình được thể hiện ở chỗ: Từ khi có chương trình khoanh nuôi bảo vệ rừng thì xã Hạnh lâm có 6000 ha rừng được bảo vệ và phát triển từ đó đảm bảo cung cấp nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, tưới tiêu cho hệ thống nông nghiệp, ngoài ra rừng còn làm cho môi trường khu vực trở lên trong sạch hơn, cảnh quan khu vực có rừng là nơi thu hút mọi người đến thăm quan, thưởng ngoạn. Để thấy rõ được hiệu quả sinh thái, cần tìm hiểu về xu hướng diễn thế của rừng.
* Dự báo xu hướng diễn thế của rừng sau giai đoạn phục hồi
Đa số các trạng thái rừng khi đưa vào khoanh nuôi của khu vực nghiên cứu đều ở giai đoạn bắt đầu phục hồi (IC, IIA), trong thời gian phục hồi là 11 năm (1999 – 2010) thì hiện nay rừng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu ở trên đề tài đưa ra dự báo xu hướng phục hồi rừng như sau:
+ Về phân bố: Ở kết quả nghiên cứu về phân bố số cây theo đường kính (N-D1.3) và (N-HVN) đều phù hợp nhất với phân bố weibull trong đó đa số các OTC có đỉnh lệch trái. Vì vậy, dự báo trong giai đoạn tiếp theo của quá trình phục hồi thì phân bố này sẽ chuyển dịch dần từ đỉnh lệnh trái sang phân bố đều.
+ Về tổ thành: Từ kết quả nghiên cứu về cấu trúc tổ thành giữa tầng cây cao và tầng cây tái sinh cho thấy giữa tầng cây tái sinh và tầng cây cao đã có sự khác biệt về công thức tổ thành trong đó đa số các loài cây tiên phong ưa sáng mạnh của tầng cây cao đã ít thấy trong công thức tổ thành của tầng tái sinh mà thay vào đó là sự xuất hiện của những loài cây như Sấu, Vàng anh, Dẻ gai ấn độ, Sồi phảng, Kháo nước… đây là những loài gỗ lớn, có tuổi nhỏ chịu bóng tốt và thường là những cây chiếm tầng tán hoặc vượt tán của rừng. Vì vậy, đề tài đưa ra dự báo trong giai đoạn phục hồi tiếp theo lớp cây tái sinh
này phát triển sẽ thay thế tầng cây cao hiện tại và những loài tiên phong ưa sáng mạnh trong tầng cây cao hiện tại sẽ dần bị lớp cây tái sinh này phát triển lấn át dần dần không đủ ánh sáng và sẽ chết dần đi thay vào đó là tầng cây cao mới là những cây gỗ lớn.
+ Về tầng thứ: Hiện tại rừng mới chỉ hình thành 3 tầng rừng, nhưng 3 tầng này chưa thực sự rõ ràng mà biến đổi liên tục. Dự báo trong thời gian phục hồi tới thì rừng sẽ hình thành 4 tầng: tầng vượt tán, tầng tán, tầng dưới tán, tầng cây bụi thảm tười và các tầng này sẽ trở nên rõ ràng hơn.
+ Về đất: Trong giai đoạn phục hồi tiếp theo thì thảm thực vật rừng phát triển mạnh, các loài sinh vật đất, vi sinh vật đất sẽ gia tăng. Vì vậy, dự báo đất rừng khu vực nghiên cứu trong giai đoạn phục hồi thiếp theo thì các chỉ tiêu như hàm lượng mùn, đạm tổng số, lân tổng số, ka li tổng số sẽ biến đổi theo hướng tăng.