Các nhân tố bên trong ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 33)

9. Kết cấu của luận văn

1.2. Các nhân tố tác động đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại

1.2.1. Các nhân tố bên trong ngân hàng

1.2.1.1. Quy mô ngân hàng

Hầu hết trong các nghiên cứu về khả năng sinh lời, quy mô ngân hàng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Tổng tài sản của các ngân hàng thường được sử dụng để đại diện cho quy mô ngân hàng. Theo nhà nghiên cứu Javaid và cộng sự (2011), tổng tài sản quá lớn nên được đo bởi logarit tổng tài sản để đồng nhất với tỷ lệ khác và phù hợp với biến phụ thuộc trong mô hình.

Lý thuyết kinh tế cho rằng các ngân hàng lớn có nhiều khả năng để đạt được quy mô kinh tế và hạ thấp chi phí hoạt động, do đó làm tăng lợi nhuận của ngân hàng (Ameur và Mhiri, 2013). Gul, Irshad, và Zaman (2011) thấy rằng các ngân hàng nhỏ tạo ra lợi nhuận nhỏ hơn, trong khi các ngân hàng lớn có lợi nhuận nhiều hơn. Do đó, các ngân hàng sẽ chỉ tiếp tục hoạt động nếu như lợi nhuận tăng từ đó cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt mới duy trì ngân hàng phát triển. Theo Smirlock (1985) cho rằng ngân hàng có quy mô lớn hơn so với các ngân hàng khác

thường có khả năng cho vay nhiều hơn và đa dạng hóa các sản phẩm cho vay hơn từ đó có thể giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế do lợi thế từ quy mô hơn nên có thể tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn và tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn. Vì thế, quy mô là ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Khrawish, H. A (2011), Nguyễn Việt Hùng (2008), TS. Thân Thị Thu Thủy và ThS. Nguyễn Thị Hồng Chuyên (2014) cũng có kết quả nghiên cứu tương tự.

Tuy nhiên, các ngân hàng rất lớn thường gặp hiệu quả quy mô phi kinh tế xảy ra và có thể ảnh hưởng ngược chiều đến lợi nhuận ngân hàng (Syafri, 2012). Quy mô ngân hàng có thể ảnh hưởng ngược chiều khi một ngân hàng trở nên vô cùng lớn do chi phí đại diện, quan liêu và các chi phí quản lý (Stiroh và Rumble, 2006; Athanasoglou, Brissimis và Delis, 2008). Khi một ngân hàng có quy mô quá lớn sẽ phát sinh ra rất nhiều chi phí như chi phí quản lý để có thể kiểm soát hoạt động, bộ máy quản lý không hợp lý nảy sinh xung đột giữa các bên điều hành, quản trị tạo ra chi phí đại diện và nếu không quản lý chặt chẽ dễ dẫn tới việc lợi ích nhóm, bòn rút lợi ích của ngân hàng. Như thế, một ngân hàng quá lớn gây ra hiệu quả hoạt động kinh doanh không tốt phù hợp với lý thuyết hiệu quả giảm dần theo quy mô.

Ngoài ra, theo Micco và cộng sự (2007) lại cho thấy một kết quả khác khi mối tương quan giữa quy mô ngân hàng và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng không có ý nghĩa thống kê. Các nhà nghiên cứu Shih, Zhang và Liu (2007) cũng nhận thấy rằng ở Trung Quốc có kết quả tương tự.

1.2.1.2. Cấu trúc tài sản

Được tính bằng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản. Lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng tăng khi danh mục tài sản gồm các khoản cho vay tăng so với các tài sản an toàn hơn khác.

Vong và Chan (2009) cho rằng tiền gửi và cho vay được coi là quan trọng nhất bảng cân đối kế toán bởi vì hai chỉ số này đại diện cho một dấu hiệu của hoạt động truyền thống của ngân hàng. Các khoản cho vay là nguồn thu nhập chính và dự

kiến sẽ có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của ngân hàng. Tương tự, Gul và ctg (2011) cũng nêu ra với những điều kiện khác không đổi, các khoản tiền gửi chuyển đổi thành các khoản vay nhiều hơn, ngân hàng hưởng thu nhập từ lãi cao hơn và thu được lợi nhuận cao hơn. Mặc dù các khoản cho vay của ngân hàng là nguồn chính của doanh thu và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận tích cực, tuy nhiên, nếu một ngân hàng có một tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản cao hơn dẫn đến tăng nguy cơ và chi phí hoạt động như các chi phí thẩm định, chi phí theo dõi khoản vay, sau đó có thể làm giảm lợi nhuận. Phát hiện từ nghiên cứu trên thế giới đưa ra kết luận cụ thể không giống nhau.

Trong khi các nghiên cứu của Abreu và Mendes (2000) kết quả cung cấp một mối quan hệ cùng chiều giữa tỷ lệ cho vay và khả năng sinh lời, các nghiên cứu của Bashir và Hassan (2003) và Staikouras và Wood (2003) cho thấy một tỷ lệ cho vay cao hơn thực sự tác động ngược chiều tới khả năng sinh lời. Nghiên cứu hướng thứ hai thông báo rằng các ngân hàng với nhiều tài sản không cho vay được nhiều lợi nhuận hơn những ngân hàng phụ thuộc nặng vào các khoản vay.

Một số nghiên cứu sâu hơn đã kết luận tác động của các khoản cho vay đến khả năng sinh lời của ngân hàng phụ thuộc vào quy mô và thành phần của danh mục cho vay (Bashir (2000); Fries và cộng sự (2002)). Thông thường, các khoản cho vay tạo ra thu nhập cao cho ngân hàng thông qua tiền lãi thu được theo Rhoades và Rutz, (1982). Vì vậy, một danh mục cho vay lớn thì lợi nhuận ngân hàng càng được cải thiện. Tuy nhiên, các khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn là một nguồn thiệt hại tài chính nặng cho các ngân hàng và đã thực sự làm giảm lợi nhuận của ngân hàng rất nhiều (Olajide, 2006), do đó một danh mục dư nợ lớn cũng có thể dẫn đến giảm lợi nhuận ngân hàng nếu danh mục này có nhiều khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, để kết luận rằng quy mô dư nợ của một ngân hàng ảnh hưởng đến lợi nhuận của nó hoặc là cùng chiều hay ngược chiều, tùy thuộc vào thành phần của các khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn.

1.2.1.3. Rủi ro tín dụng

Tín dụng là hoạt động chủ yếu của NHTM. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ ngân hàng và đem lại phần lớn lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng lại là hoạt động có nhiều rủi ro nhất và phức tạp nhất, hoạt động tín dụng liên quan chặt chẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi rủi ro trong các lĩnh vực này đều tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động tín dụng của NHTM. Trong hoạt động tín dụng, NHTM luôn đặt ra mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời tối thiểu hóa rủi ro. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi NHTM phải có những giải pháp thích hợp để quản lý và phòng ngừa rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng được tính dựa trên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Theo Stephen và cộng sự (2014) khi nghiên cứu về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, tác giả cho rằng rủi ro tín dụng là yếu tố chính ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng thương mại. Hầu hết các nghiên cứu khác đều chỉ ra rủi ro tín dụng ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Miller và Noulas (1997), Duca và MCLaughlin (1990) đã tìm ra mối quan hệ ngược chiều giữa rủi ro tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng: khi rủi ro tín dụng liên quan đến các khoản vay càng lớn sẽ là một vấn đề khó khăn trong việc tối đa hóa lợi nhuận của một ngân hàng khi danh mục cho vay của ngân hàng trở nên rủi ro hơn, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, từ đó làm tăng chi phí hoạt động và giảm TSSL của ngân hàng.

1.2.1.4. Rủi ro thanh khoản

Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (1997), rủi ro thanh khoản phát sinh từ một ngân hàng không có khả năng để đáp ứng trả nợ vay khi tới hạn hoặc không có thể tăng lượng vốn huy động trong tài sản. Thanh khoản kém là nguyên nhân khiến hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng xấu và có khả năng ngân hàng sụp đổ.

Tỷ lê tiền gửi ngân hàng so với tài sản càng lớn nghĩa là ngân hàng càng có nhiều vốn để tài trợ cho các hoạt động đầu tư và cho vay. chính những hoạt động này đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại lợi nhuận ngân hàng.

Theo Vong và Chan (2009), tỷ lệ tiền gửi khách hàng trên tổng nợ phải trả được dùng để đo lường hiệu quả của cấu trúc tài trợ đến khả năng sinh lời. Tiền gửi của khách hàng được cho là nguồn tài trợ ổn định và rẻ hơn so với các nguồn tài trợ khác. Họ tin rằng tiền gửi của khách hàng tác động cùng chiều miễn là có một nhu cầu đầy đủ cho các khoản vay trên thị trường. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu vay vốn không đủ,tiền gửi nhiều hơn trong thực tế có thể làm suy giảm thu nhập, do đó tiền gửi là kinh phí tốn kém trong điều kiện phải mở rộng mạng lưới của ngân hàng để huy động vốn.

Bên cạnh những giả thuyết tác động cùng chiều đến khả năng sinh lời còn có những tác động ngược chiều, Heggestad (1977) tin rằng các ngân hàng có tỷ lệ cao về thời gian và tiền gửi tiết kiệm phát sinh chi phí tài trợ cao và do đó có lợi nhuận ít hơn. Phát hiện này của ông chỉ ra rằng tỷ lệ thời gian và tiền gửi tiết kiệm đã có một tác động ngược chiều đáng kể vào lợi nhuận ngân hàng thương mại. Điều này ủng hộ tuyên bố rằng các ngân hàng đã huy động được rất nhiều tiền gửi tiết kiệm cam kết thời gian dài thì sẽ thu được về một lợi nhuận thấp hơn.

1.2.1.5. Chi phí hoạt động:

Thực tế cho thấy, các ngân hàng có chi phí hoạt động càng cao thì lợi nhuận thu được càng thấp. Một ngân hàng muốn gia tăng lợi nhuận cần cố gắng giảm đến mức thấp nhất chi phí hoạt động.

Vấn đề quản trị chi phí là một công việc quan trọng, thể hiện tài năng của đội ngũ quản trị, tầm nhìn của ngân hàng. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chi phí hoạt động của ngân hàng cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng. Chi phí hoạt động (hay chi phí ngoài trả lãi) của ngân hàng bao gồm chi nộp thuế, các khoản phí; chi lương, phụ cấp, trợ cấp cho nhân viên; chi về tài sản; chi hoạt động quản lý công vụ; chi nộp bảo hiểm tiền gửi khách hàng; chi dự phòng

(không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và giảm giá chứng khoán). Tỷ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, thể hiện chất lượng quản lý của ngân hàng. Guru và các cộng sự (2002), Bourke (1989), Sufian (2011), Syfari (2012) đã chỉ ra rằng nếu ngân hàng biết cắt giảm chi phí, sử dụng chi phí quản lý hiệu quả thì sẽ là một nhân tố quan trọng mang lại lợi nhuận cao hơn cho ngân hàng, hàm ý một mối tương quan âm giữa chi phí hoạt động và khả năng sinh lời của ngân hàng.

Ngược lại, Molyneux và Thornton (1992) lại tìm ra bằng chứng cho thấy chi phí có tác động cùng chiều đến tỷ suất sinh lời của ngân hàng từ 18 nước châu Âu trong vòng 4 năm từ 1986 đến 1989, khi điều kiện kinh doanh cạnh tranh về nhân lực, tăng chi phí lương, thưởng cho những nhân viên hoạt động hiệu quả trong điều kiện các yếu tố khác không đổi sẽ thúc đẩy nhân viên hoạt động và gia tăng tỷ suất sinh lời của ngân hàng. Kết quả trên đã ủng hộ học thuyết về tiền lương: lương tăng thì năng suất lao động cũng tăng.

1.2.1.6. Đa dạng hóa lợi nhuận ngân hàng:

Khi các dịch vụ ngân hàng được đa dạng hóa, ngân hàng có thể sinh ra nhiều nguồn thu nhập hơn, vì có thể giảm bớt sự phụ thuộc của nó vào thu nhập từ lãi, thu nhập mà dễ dàng chịu ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế vĩ mô. Các ngân hàng nên cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ mới để nâng cao lợi nhuận. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần chú trọng đến việc phát triển công nghệ để tăng thêm tính tiện ích cho các sản phẩm của mình cũng như góp phần cải thiện năng suất lao động cho ngân hàng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ngân hàng theo đuổi chiến lược đa dạng hóa dịch vụ thì lợi nhuận ngân hàng tăng thêm. Smith & cộng sự (2003) chỉ ra khi ngân hàng tăng các hoạt động tạo ra thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần ổn định lợi nhuận ngân hàng. Chiorazzo & cộng sự (2008) phân tích các ngân hàng đa dạng dịch vụ ngoài lãi sẽ làm tăng lợi nhuận. Kết quả này được ủng hộ bởi nhiều nghiên cứu sử dụng dữ

liệu ở các nước khác nhau (Baele & cộng sự, 2007; Carlson, 2004; Elsas & cộng sự, 2010; Gurbuz & cộng sự, 2013; Landskroner & cộng sự, 2005).

Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu thực nghiệm bác bỏ lợi ích về mặt lợi nhuận khi các ngân hàng đa dạng hóa dịch vụ (DeYoung & Roland, 2001; Stiroh, 2004a, 2006a; stiroh & Rumble, 2006). Cụ thể, DeYoung & Roland (2001) phân tích các ngân hàng có khả năng mất khách hàng khi tham gia các hoạt động tạo ra nguồn thu từ phí nhiều hơn hoạt động cho vay. Mặc dù độ nhạy giữa lãi suất và suy thoái kinh tế là lớn, thu nhập từ hoạt động truyền thống vẫn ổn định theo thời gian vì cả người đi vay là khách hàng và người cho vay là ngân hàng đều tốn kém chi phí chuyển đổi và chi phí thông tin khi chuyển qua vay tại ngân hàng khác. Do đó, khách hàng ít thay đổi quan hệ tín dụng với ngân hàng. Trong một nghiên cứu khác, Stiroh (2004a) cho thấy mối tương quan giữa tăng trưởng thu nhập từ lãi và làm giảm thu nhập từ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nghiên cứu này còn cho thấy thu nhập ngoài lãi tác động ngược chiều với lợi nhuận ngân hàng.

1.2.2 Các nhân tố bên ngoài ngân hàng 1.2.2.1 Lạm phát 1.2.2.1 Lạm phát

Lạm phát thể hiện sự thay đổi mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Lạm phát là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến chi phí và thu nhập của ngân hàng (Muhammad et al., 2013). Tỷ lệ lạm phát hàng năm đo lường tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tất cả hàng hóa và dịch vụ.

Perry (1992) gợi ý rằng tác động của lạm phát đối khả năng sinh lời của ngân hàng là cùng chiều nếu tỷ lệ lạm phát được dự đoán đúng. Điều này khiến các ngân hàng có cơ hội để điều chỉnh tỷ lệ lãi suất cho phù hợp và do đó kiếm được lợi nhuận cao hơn. Theo nhà nghiên cứu Chua (2013), các nhà quản lý ngân hàng đã dự đoán lạm phát, có biện pháp phòng ngừa để khắc phục những tổn thất do lạm phát gây ra và sẽ điều chỉnh lãi suất cho phù hợp để doanh thu tăng nhiều hơn so với chi phí của nó.

Lạm phát và khả năng sinh lời của ngân hàng có thể xảy ra mối quan hệ ngược chiều khi lạm phát xảy ra trong nền kinh tế không đúng như dự đoán dẫn đến các ngân hàng không kịp thời để điều chỉnh lãi suất phù hợp. Điều này có thể gây ra những tổn thất khi ngân hàng không thể để điều chỉnh thu nhập lãi để bù đắp các chi phí phát sinh do lạm phát. Do đó, lạm phát có thể làm tăng chi phí hoạt động do đó làm giảm lợi nhuận của ngân hàng (Khrawish, 2011 và Boyd, Levine, và Smith, 2000). Những nhà nghiên cứu Sufian và Chong (2008), Sufian và Habibullah (2009), Kanwal và Nadeem (2013) đã xác nhận mối quan hệ ngược chiều giữa lạm phát và lợi nhuận ngân hàng và chỉ ra rằng khi lạm phát không thể dự báo trước, chi phí phát sinh sẽ tăng nhanh so với tốc độ tăng doanh thu kiếm được từ đó dẫn đến lợi nhuận thấp hơn. Ngược lại, các nghiên cứu của Naceur (2003) cho thấy mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động kinh doanh và lạm phát trong ngành ngân hàng Tunisia không có ý nghĩa, cho biết ngân hàng không thể kiếm được lợi nhuận trong môi trường lạm phát.

1.2.2.2. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế hàng năm

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế hàng năm (RGDP) là công cụ đo lường tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và nó được điều chỉnh theo lạm phát. Tăng trưởng kinh tế phản ánh sự thay đổi về lượng của nền kinh tế - điều kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 33)