Tổng quan về khả năng sinh lời của NHTM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 29)

9. Kết cấu của luận văn

1.1 Tổng quan về khả năng sinh lời của NHTM

1.1.1 Khái niệm

Theo Peter S.Rose (2002) thì về bản chất ngân hàng thương mại cũng có thể coi như một tập đoàn kinh doanh và hoạt động với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận với mức độ rủi ro cho phép. Trong đó khả năng sinh lời là mục tiêu được các ngân hàng quan tâm hơn cả vì thu nhập cao sẽ giúp các ngân hàng có thể bảo toàn vốn, tăng khả năng mở rộng thị phần và thu hút vốn đầu tư.

Khả năng sinh lời (profitability) là thước đo hiệu quả bằng tiền, là điều kiện cần nhưng chưa đủ để duy trì cân bằng tài chính. Việc đánh giá khả năng sinh lời phải dựa trên việc đánh giá mức độ rủi ro. Khái niệm khả năng sinh lời được áp dụng trong mọi hoạt động kinh tế sử dụng các phương tiện vật chất, con người và tài chính, thể hiện bằng kết quả trên phương tiện. Khả năng sinh lời có thể áp dụng cho một hoặc một tập hợp tài sản. Ở cấp độ doanh nghiệp, khả năng sinh lời là kết quả của việc sử dụng tập hợp các tài sản vật chất và tài sản tài chính, tức là vốn kinh tế mà doanh nghiệp nắm giữ. Ở cấp độ ngân hàng, khả năng sinh lời là kết quả của việc sử dụng tập hợp các tài sản vật chất và tài sản tài chính, tức là vốn kinh tế mà ngân hàng nắm giữ. Đó là khả năng ngân hàng có thể tạo ra lợi nhuận từ tất cả các hoạt động kinh doanh, có tính đến mức độ rủi ro.

Khả năng sinh lời được đo lường bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau như tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE),… Để nâng cao khả năng sinh lời, các ngân hàng phải tạo ra nguồn thu nhập ngày càng tăng, tiết kiệm chi phí hoạt động tới mức hợp lý, đồng thời phải hạn chế được rủi ro, thất thoát thông qua các chính sách, biện pháp quản lý hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho mỗi ngân hàng cũng như toàn hệ thống ngân hàng.

1.1.2 Ý nghĩa:

Đối với ngân hàng

Tăng khả năng sinh lời là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà quản lý kinh doanh. NHTM hay bất cứ một doanh nghiệp khác đều hoạt động với mục tiêu là tối đa hóa khả năng sinh lời và tăng trưởng. Đối với ngân hàng, khả năng sinh lời có ý nghĩa rất lớn, gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh, chỉ ra hướng phát triển của các ngân hàng. Bên cạnh đó, khả năng sinh lời là cơ sở để ngân hàng ra các quyết định kinh doanh.

Một ngân hàng có khả năng sinh lời cao sẽ tạo điều kiện nguồn vốn đa dạng và dồi dào, làm cơ sở cho việc tạo ra các tài sản có sinh lời. Bên cạnh đó nâng cao khả năng sinh lời là điều kiện để các NHTM bảo toàn vốn, là điều kiện để các NHTM mở rộng thị trường cho vay, đầu tư vào việc đổi mới công nghệ thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, giữa khả năng sinh lời và rủi ro có mối quan hệ đánh đổi, khả năng sinh lời càng cao thì rủi ro càng cao. Vì vậy, các nhà quản trị ngân hàng phải luôn phải cân bằng sự đánh đổi giữa rủi ro và khả năng sinh lời khi phân tích các tỷ số đo lường khả năng sinh lời đạt được và rủi ro phải chấp nhận của các NHTM.

Đối với nền kinh tế

Ngân hàng là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế, khả năng sinh lời của ngân hàng là động lực, là đòn bẩy kinh tế của xã hội. Do vậy, nếu ngân hàng hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tài chính ổn định và luôn tăng trưởng, có khả năng sinh lời cao sẽ là yếu tố làm cho khu vực tài chính được lành mạnh hóa, góp phần ổn định tiền tệ, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế.

Trong môi trường cạnh tranh quốc tế, nâng cao khả năng sinh lời của mỗi ngân hàng là cách tốt nhất để giúp cho hệ thống ngân hàng phát triển một cách bền vững, từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển, tăng uy tín quốc gia.

1.1.3 Đo lường khả năng sinh lời của NHTM

Các chỉ số tính toán khả năng sinh lời được thiết kế nhằm đo lường khả năng sinh lời theo nhiều góc độ khác nhau tùy theo mục tiêu của nhà phân tích. Đứng ở gốc độ cổ đông hoặc nhà đầu tư người ta thường quan tâm đến lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó đứng ở gốc độ là chủ nợ hoặc ngân hàng người ta thường quan tâm đến lợi nhuận trước thuế. Khả năng sinh lời của ngân hàng thường được đo lường bằng các chỉ tiêu sau đây:

1.1.3.1 Tỷ lệ thu nhập trên tổng tài sản (Return on asset - ROA)

ROA là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công tác quản lý của ngân hàng, cho thấy khả năng trong quá trình chuyển tài sản của ngân hàng chuyển thành thu nhập ròng (Trần Huy Hoàng, 2011).

ROA cho thấy lợi nhuận thu được trên mỗi đồng tài sản và phản ánh khả năng quản lý hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong việc sử dụng các nguồn lực của ngân hàng hiệu quả để tạo ra lợi nhuận. Như vậy, một tỷ lệ ROA cao có nghĩa là khả năng chuyển đổi tài sản của ngân hàng vào thu nhập lớn với một hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt hơn. Tỷ lệ ROA cao là một chỉ báo rõ ràng về hiệu suất hoặc lợi nhuận tốt của một tổ chức ngân hàng (Bentum, 2012).

Rivard và Thomas (1997) đã sử dụng một mẫu của 218 NHTM cho rằng ROA là tỷ số tốt nhất đo lường hiệu quả hoạt động ngân hàng vì ROA không chỉ là chỉ số đánh giá khả năng của quản lý hoạt động ngân hàng nhằm tạo ra lợi nhuận trên danh mục đầu tư của các tài sản mà còn không bị bóp méo bởi vốn chủ sở hữu cao do đòn bẫy tài chính tạo nên.

1.1.3.2 Tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu (Return on equity - ROE)

Tỷ lệ thu nhập trên vốn chủ sở hữu đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường (Sehrish Gul, Faiza Irshad và Khalid Zaman 2011).

Chỉ số này là thước đo chính xác để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy tạo ra bao nhiêu đồng lời. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là tỷ lệ thu nhập ròng trên tổng vốn chủ sở hữu (Fraker, 2006).

Trong các nghiên cứu của Ali, Zakaria và Husni (2011); Atif, Shafique và Razi (2012); Abuzar (2013); ROE được sử dụng làm biến phụ thuộc để phân tích các nhân tố tác động đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Tương tự ROA, ROE phụ thuộc và các yếu tố như quy mô ngân hàng, năng suất lao động, GDP, lạm phát, tỷ giá hối đoái,…Tuy nhiên, khả năng giải thích của các mô hình sử dụng ROE là biến phụ thuộc không cao bằng các mô hình với biến phụ thuộc là ROA. Tỷ lệ ROE cao chưa thể khẳng định hiệu quả kinh doanh tốt của ngân hàng và tỷ lệ ROE thấp cũng chưa thể khẳng định ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả., điều này còn phụ thuộc vào quy mô và mức độ rủi ro của ngân hàng.

1.1.3.3 Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (Net interest margin - NIM)

Hệ số lãi ròng biên tế được các chủ Ngân hàng quan tâm theo dõi vì nó giúp cho Ngân hàng dự báo trước khả năng sinh lãi của Ngân hàng thông qua việc kiểm soát chặt chẽ tài sản sinh lời và việc tìm kiếm những nguồn vốn có chi phí thấp (PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, 2011).

NIM phản ánh các chi phí hoạt động tín dụng trung gian và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng. Tỷ lệ NIM cao cho thấy lợi nhuận ngân hàng cao và hoạt động ngân hàng duy trì ổn định hơn (Khrawish, 2011). Tuy nhiên, một ngành ngân hàng cạnh tranh cần thúc đẩy hiệu quả kinh tế bằng cách giảm chi phí vốn cho hoạt động kinh doanh sản xuất và đầu tư. NIM cao khiến các định chế tài chính khi hạ lãi suất huy động sẽ khó huy động tiền gửi tiết kiệm vào các ngân hàng và kết quả khiến lãi suất cho vay cao làm giảm đầu tư cơ hội cho cả ngân hàng và khách hàng vay (Fungáčová và Poghosyan, 2011). Do đó, NIM cũng được xem là yếu tố đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, cũng như một chỉ số thể hiện khả năng cạnh tranh trong ngành.

1.2. Các nhân tố tác động đến khả năng sinh lời của ngân hàng thương mại mại

Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của NHTM được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm các yếu tố bên trong, chịu ảnh hưởng bởi các quyết định mang tính chủ quan của ban lãnh đạo ngân hàng, bao gồm: quy mô ngân hàng, cấu trúc tài sản, chất lượng tài sản, rủi ro thanh khoản, hiệu quả hoạt động, sư đa dạng hóa thu nhập. Nhóm yếu tố thứ hai bao gồm các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Đó là các yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của ngân hàng, tượng trưng cho các sự kiện diễn ra bên ngoài ngân hàng. Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại liên quan đến môi trường pháp lý và kinh tế bao gồm các yếu tố như lãi suất, lạm phát, suy thoái kinh tế, bùng nổ, quy định, tăng trưởng thị trường và cơ cấu thị trường (Staikouras & Wood, 2011).

1.2.1. Các nhân tố bên trong ngân hàng 1.2.1.1. Quy mô ngân hàng 1.2.1.1. Quy mô ngân hàng

Hầu hết trong các nghiên cứu về khả năng sinh lời, quy mô ngân hàng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Tổng tài sản của các ngân hàng thường được sử dụng để đại diện cho quy mô ngân hàng. Theo nhà nghiên cứu Javaid và cộng sự (2011), tổng tài sản quá lớn nên được đo bởi logarit tổng tài sản để đồng nhất với tỷ lệ khác và phù hợp với biến phụ thuộc trong mô hình.

Lý thuyết kinh tế cho rằng các ngân hàng lớn có nhiều khả năng để đạt được quy mô kinh tế và hạ thấp chi phí hoạt động, do đó làm tăng lợi nhuận của ngân hàng (Ameur và Mhiri, 2013). Gul, Irshad, và Zaman (2011) thấy rằng các ngân hàng nhỏ tạo ra lợi nhuận nhỏ hơn, trong khi các ngân hàng lớn có lợi nhuận nhiều hơn. Do đó, các ngân hàng sẽ chỉ tiếp tục hoạt động nếu như lợi nhuận tăng từ đó cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt mới duy trì ngân hàng phát triển. Theo Smirlock (1985) cho rằng ngân hàng có quy mô lớn hơn so với các ngân hàng khác

thường có khả năng cho vay nhiều hơn và đa dạng hóa các sản phẩm cho vay hơn từ đó có thể giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Các ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng đối với nền kinh tế do lợi thế từ quy mô hơn nên có thể tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn và tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn. Vì thế, quy mô là ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Khrawish, H. A (2011), Nguyễn Việt Hùng (2008), TS. Thân Thị Thu Thủy và ThS. Nguyễn Thị Hồng Chuyên (2014) cũng có kết quả nghiên cứu tương tự.

Tuy nhiên, các ngân hàng rất lớn thường gặp hiệu quả quy mô phi kinh tế xảy ra và có thể ảnh hưởng ngược chiều đến lợi nhuận ngân hàng (Syafri, 2012). Quy mô ngân hàng có thể ảnh hưởng ngược chiều khi một ngân hàng trở nên vô cùng lớn do chi phí đại diện, quan liêu và các chi phí quản lý (Stiroh và Rumble, 2006; Athanasoglou, Brissimis và Delis, 2008). Khi một ngân hàng có quy mô quá lớn sẽ phát sinh ra rất nhiều chi phí như chi phí quản lý để có thể kiểm soát hoạt động, bộ máy quản lý không hợp lý nảy sinh xung đột giữa các bên điều hành, quản trị tạo ra chi phí đại diện và nếu không quản lý chặt chẽ dễ dẫn tới việc lợi ích nhóm, bòn rút lợi ích của ngân hàng. Như thế, một ngân hàng quá lớn gây ra hiệu quả hoạt động kinh doanh không tốt phù hợp với lý thuyết hiệu quả giảm dần theo quy mô.

Ngoài ra, theo Micco và cộng sự (2007) lại cho thấy một kết quả khác khi mối tương quan giữa quy mô ngân hàng và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng không có ý nghĩa thống kê. Các nhà nghiên cứu Shih, Zhang và Liu (2007) cũng nhận thấy rằng ở Trung Quốc có kết quả tương tự.

1.2.1.2. Cấu trúc tài sản

Được tính bằng tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tài sản. Lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng tăng khi danh mục tài sản gồm các khoản cho vay tăng so với các tài sản an toàn hơn khác.

Vong và Chan (2009) cho rằng tiền gửi và cho vay được coi là quan trọng nhất bảng cân đối kế toán bởi vì hai chỉ số này đại diện cho một dấu hiệu của hoạt động truyền thống của ngân hàng. Các khoản cho vay là nguồn thu nhập chính và dự

kiến sẽ có tác động cùng chiều đến lợi nhuận của ngân hàng. Tương tự, Gul và ctg (2011) cũng nêu ra với những điều kiện khác không đổi, các khoản tiền gửi chuyển đổi thành các khoản vay nhiều hơn, ngân hàng hưởng thu nhập từ lãi cao hơn và thu được lợi nhuận cao hơn. Mặc dù các khoản cho vay của ngân hàng là nguồn chính của doanh thu và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận tích cực, tuy nhiên, nếu một ngân hàng có một tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản cao hơn dẫn đến tăng nguy cơ và chi phí hoạt động như các chi phí thẩm định, chi phí theo dõi khoản vay, sau đó có thể làm giảm lợi nhuận. Phát hiện từ nghiên cứu trên thế giới đưa ra kết luận cụ thể không giống nhau.

Trong khi các nghiên cứu của Abreu và Mendes (2000) kết quả cung cấp một mối quan hệ cùng chiều giữa tỷ lệ cho vay và khả năng sinh lời, các nghiên cứu của Bashir và Hassan (2003) và Staikouras và Wood (2003) cho thấy một tỷ lệ cho vay cao hơn thực sự tác động ngược chiều tới khả năng sinh lời. Nghiên cứu hướng thứ hai thông báo rằng các ngân hàng với nhiều tài sản không cho vay được nhiều lợi nhuận hơn những ngân hàng phụ thuộc nặng vào các khoản vay.

Một số nghiên cứu sâu hơn đã kết luận tác động của các khoản cho vay đến khả năng sinh lời của ngân hàng phụ thuộc vào quy mô và thành phần của danh mục cho vay (Bashir (2000); Fries và cộng sự (2002)). Thông thường, các khoản cho vay tạo ra thu nhập cao cho ngân hàng thông qua tiền lãi thu được theo Rhoades và Rutz, (1982). Vì vậy, một danh mục cho vay lớn thì lợi nhuận ngân hàng càng được cải thiện. Tuy nhiên, các khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn là một nguồn thiệt hại tài chính nặng cho các ngân hàng và đã thực sự làm giảm lợi nhuận của ngân hàng rất nhiều (Olajide, 2006), do đó một danh mục dư nợ lớn cũng có thể dẫn đến giảm lợi nhuận ngân hàng nếu danh mục này có nhiều khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, để kết luận rằng quy mô dư nợ của một ngân hàng ảnh hưởng đến lợi nhuận của nó hoặc là cùng chiều hay ngược chiều, tùy thuộc vào thành phần của các khoản tín dụng không đạt tiêu chuẩn.

1.2.1.3. Rủi ro tín dụng

Tín dụng là hoạt động chủ yếu của NHTM. Nguồn thu từ hoạt động tín dụng luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nghiệp vụ ngân hàng và đem lại phần lớn lợi nhuận cho ngân hàng. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng lại là hoạt động có nhiều rủi ro nhất và phức tạp nhất, hoạt động tín dụng liên quan chặt chẽ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi rủi ro trong các lĩnh vực này đều tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động tín dụng của NHTM. Trong hoạt động tín dụng, NHTM luôn đặt ra mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời tối thiểu hóa rủi ro. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi NHTM phải có những giải pháp thích hợp để quản lý và phòng ngừa rủi ro tín dụng. Rủi ro tín dụng được tính dựa trên tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Theo Stephen và cộng sự (2014) khi nghiên cứu về lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, tác giả cho rằng rủi ro tín dụng là yếu tố chính ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng thương mại. Hầu hết các nghiên cứu khác đều chỉ ra rủi ro tín

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 29)