Trong quá trình dạy học ở nước ta hiện nay, tự học của người học đang là vấn đề đặc biệt được quan tâm. Để học được suốt đời thì phải có khả năng tự học. Khả năng này cần rèn luyện ngay trong khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lý thuyết dạy học theo cơ chế “chuyển vào trong” thế giới nội tâm của người học kho tàng tri thức, tri thức trở thành tài sản riêng của người học là lý thuyết có ý nghĩa sâu sắc để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Muốn tri thức tự nhiên và xã hội trở thành tài sản riêng của người học thì người học dưới sự hướng dẫn, tổ chức, khơi gợi của người dạy họ phải thực sự có tự do nội tâm (hoạt động nhận thức tích cực, khả năng liên tưởng, tưởng tượng, sự phát triển cá tính) và niềm đam mê cao cả (động cơ học tập).
Vì vậy, quá trình dạy học phải bao hàm dạy tự học. Cho nên việc dạy học trước hết rèn luyện năng lực tự học SGK cho HS để từ đó giúp HS biết phương pháp tự học, tự học suốt đời trong xã hội học tập là một yêu cầu cực kỳ quan trọng và có tính tất yếu. Dạy HS có phương pháp tự học với hạt nhân của động cơ học tập mạnh mẽ, sâu sắc là con đường cơ bản giúp các em giải quyết tốt nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của mục tiêu đào tạo. Việc dạy tự học đương nhiên chỉ có thể thực hiện được trong một cách dạy học mà người học là chủ thể, tự họ hoạt động để đáp ứng nhu cầu của xã hội đã chuyển hóa thành nhu cầu của chính bản thân.
Có nhiều khái niệm khác nhau về tự học:
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn đào tạo, GS.Viện sỹ Nguyễn
Cảnh Toàn - một tấm gương lớn về tự học cho rằng: “Tự học là tự mình động
não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp...) và có khi cả cơ bắp (khi phải sử dụng công cụ), cùng các phẩm chất của mình, rồi cả động cơ tình cảm, cả nhân sinh quan, thế giới quan ... để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó trở thành sở hữu của mình”.
Còn theo cố GS. Nguyễn Văn Đạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có một
vài suy nghĩ chung về vấn đề tự học: “Tự học là công việc suốt cả cuộc đời mỗi
người, số thời gian dành cho việc học với sự giúp đỡ của người thầy là rất ít, chỉ chiếm khoảng ¼ của một đời người. Thời gian còn lại chủ yếu là dành cho việc tự học, cho lao động sáng tạo. Ngay cả trong giai đoạn đi học, việc tự học luôn luôn có vai trò quan trọng. Những người biết tự học, năng động, sáng tạo trong quá trình đi học là những người có triển vọng và tiến xa trong cuộc đời này”.
Tự học là con đường tạo ra tri thức bền vững cho mỗi con người trong quá trình học hỏi thường xuyên của cả cuộc đời. Quá trình tự học diễn ra đúng quy luật của hoạt động nhận thức. Kiến thức tự học là kết quả của sự hứng thú, của tìm tòi, của lựa chọn và của định hướng ứng dụng. Kiến thức tự
học bao giờ cũng vững chắc, bền lâu, thiết thực và nhiều sáng tạo. Tự học, xét cho kỹ, là một vấn đề then chốt của Giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng là vẫn có ý nghĩa văn hóa, khoa học, xã hội và chính trị sâu sắc. Đề cao tự học trong suốt bối cảnh hiện nay của đất nước và thế giới là một cách nhìn vừa thực tế, vừa có ý nghĩa chiến lược.
Như vậy có thể nói là con người ai cũng phải học, khi nói đến học thì điều đương nhiên là phải tự học, chính là cách học với sự tự giác, tính tích cực và độc lập cao của từng cá nhân. Chính hoạt động tự học tạo cơ hội cho người học phát huy được trí tuệ, tư duy, đồng thời giúp HS có lòng ham học. Kết quả tự học cao hay thấp còn phụ thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân, khả năng tự học tiềm ẩn trong mỗi con người.