Theo tác giả Thái Duy Tuyên: “tự học là hoạt động chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo... và kinh nghiệm lịch sử xã hội loài người nói chung của chính bản thân người học ”.
Có nhiều hình thức tự học khác nhau:
- Tự học dưới sự hướng dẫn của thầy như tự học của HS, sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh...
- Tự học không có hướng dẫn của thầy (liên quan đến những người đã trưởng thành, những nhà khoa học)
- Tự học trong cuộc sống (các nhà văn, các nhà kinh tế, các nhà chính trị xã hội...)
Như vậy, hình thức và đối tượng tự học hết sức phong phú và đa dạng, đối với mỗi con người trong suốt cuộc đời đều phải trải qua các dạng tự học trên.
Khái niệm hoạt động tự học là rất rộng, nó có thể diễn ra với người học có GV trực tiếp giảng dạy hoặc có sự điều khiển gián tiếp của GV thậm chí không có GV hướng dẫn.
* Tự học có hướng dẫn
Là hình thức tự học để chiếm lĩnh tri thức và hình thành kỹ năng tương ứng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV.
Có hai mức độ:
+ Người học có SGK và có thêm những ông thầy ở xa hướng dẫn nghĩa là vẫn có các quan hệ trao đổi thông tin giữa thầy và trò dưới dạng phản ánh thắc mắc làm bài, chấm bài,...
+ Người học có SGK và có thầy giáp mặt một số tiết học, tuần học, tháng học,... bằng những hình thức thông tin trực tiếp.
* Tự học hoàn toàn (học với sách, không có thầy bên cạnh)
Là hình thức tự học, tự mình hoạt động lĩnh hội tri thức khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành không có sự hướng dẫn trực tiếp của GV.
Người học tự phải biết lựa chọn tài liệu, tìm ra những điểm chính, điểm quan trọng trong các tài liệu đã học, đã nghe, phải biết cách ghi chép những điều cần thiết, biết viết tóm tắt và làm đề cương, biết cách tra cứu từ điển và sách tham khảo, biết cách làm việc trong thư viện.
Sách cũng do một hay nhiều ông thầy nào đó viết ra. Học với sách tức là học với ông thầy là tác giả của sách. Nhưng người học cũng cần phải động não mới biết rằng mình đang đọc sách gì, sách nào cần phải đọc, nếu cần thì cần phải tìm lại sách đó ở đâu, làm sao mà tìm được. Tìm được sách rồi phải lựa chọn những chương nào, trang nào trong đó để đọc, tức là phải biết chọn lọc những nội dung cần đọc và từ đó đề ra phương pháp đọc những nội dung đó. Trong lúc đọc lại thấy cần phải đọc thêm một sách khác nữa để bổ sung và khắc sâu kiến thức. Biết tìm sách mà đọc, biết độc lập làm việc với sách chính là biết “hỏi sách”, cần phải biết học cách “hỏi sách” vì đó là điều kiện không thể thiếu để tự học hoàn toàn, tự học suốt đời. Đây là một hoạt động đòi hỏi phải có tính độc lập, tự chủ, tự giác và kiên trì cao mới đạt được kết
quả. Do đó, tự học rất gắn bó với quá trình tự giáo dục để có được những nét tính cách trên.
Vì vậy, phải học một cách hệ thống với thầy, rồi với sách và ngày nay cách học đó phải dẫn tới việc thông minh, sáng tạo, học một biết mười vì khi nắm chắc các kiến thức cơ bản, có hệ thống rồi nhờ năng lực tự học sẽ tìm ra được nhiều kiến thức mới.
Nếu chia theo việc sử dụng các nguồn tài liệu thì có hai hình thức tự học: - Tự học theo quan điểm truyền thống: người học làm việc với sách, giấy bút, ... Khi có vấn đề thắc mắc cần hỏi thì tìm các chuyên gia.
- Tự học hiện đại: qua phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ hiện đại: đọc sách điện tử, tra cứu tài liệu trên các trang web, Internet,...