1.6.3.1. Thực trạng sử dụng CNTT trong dạy học
Thường xuyên dùng máy tính vào ứng dụng dạy học các bộ môn, có nhiều bài áp dụng CNTT hay, sáng tạo nhưng không đồng đều ở các GV.
1.6.3.2. Thực trạng việc bồi dưỡng năng lực tự học của HS trong dạy học
+ Về tình hình dạy của GV:
Phương pháp dạy học chủ yếu là thầy giảng trò nghe và ghi chép, GV giảng dạy theo từng bài, đúng theo phân phối chương trình do nhà trường duyệt sau khi đã được tổ bộ môn phân phối lại dựa vào phân phối chương trình chuẩn của Bộ giáo dục ban hành cho phù hợp với điều kiện và tình hình chung của nhà trường và địa phương. Trong mỗi tiết học, GV cố gắng trình bày tất cả các kiến thức trong SGK, giảng giải cho HS hiểu, sau đó nhấn mạnh công thức, chỉ ra những phần cần ghi nhớ (học thuộc) theo hình thức thông, nhắc nhở. Tuy nhiên, cũng có một số GV trong một số giờ dạy đã phát huy được tính tích cực của HS bằng cách tổ chức hoạt động nhóm, cho HS thiết kế thí nghiệm, nêu các câu hỏi cho HS trả lời và việc này được thể hiện rõ nét nhất trong những tiết dự giờ thao giảng. Và có một thực tế là không nhiều GV thực hiện tốt việc cho HS tiếp cận tri thức được học theo tiến trình khoa học xây dựng kiến thức mới, câu hỏi đưa ra chưa có sự đầu tư, chỉ đòi hỏi HS sử dụng tài liệu thông thường để trả lời, chưa có tác dụng phát huy tính tích cực ở HS. Các hình thức dạy học tích cực chưa được GV vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo như tổ chức hoạt động nhóm, dạy học dự án, dạy học theo chủ đề,...
Việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học diễn ra thường xuyên hơn trong mỗi tiết học và khai thác có tính hiệu quả hơn về mặt tổ chức nhận thức cho HS so với trước đây. Nhìn chung, các giờ đã có thí nghiệm để tiến hành, nhưng chủ yếu là làm thí nghiệm biểu diễn của GV, việc tổ chức cho các nhóm HS làm thí nghiệm chỉ diễn ra vào các giờ thực hành.
GV thường cho HS vận dụng kiến thức vào các bài tập trừu tượng, rất ít bài tập mang tính thực tế, đặc biệt là bài tập thí nghiệm không có. Trong đó GV cố gắng cho HS làm quen với các dạng bài tập để HS có thể làm được các bài tập tương tự.
Việc kiểm tra đánh giá chỉ xuất hiện từ phía GV thông qua các bài trắc nghiệm, tự luận, kiểm tra miệng (kiểm tra bài cũ), tức là mới chú trọng đến đánh giá kết quả học tập, chưa chú ý đánh giá quá trình, mới chỉ có GV đánh giá, chưa có HS tham gia tự đánh giá và đánh giá HS khác.
Phần lớn GV cho rằng: Tự học ở nhà là hoạt động bắt buộc và chủ yếu là của HS, nhằm mục đích khắc sâu kiến thức bài học trên lớp và rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Các câu hỏi và bài tập trong SGK là những yêu cầu tối thiểu mà HS phải thực hiện. Vai trò của GV là kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành hoạt động của HS. Như vậy số GV này coi nội dung hoạt động tự học ở nhà của HS chỉ gồm các câu hỏi và bài tập trong SGK. Một số GV đặc biệt GV mới vào nghề, do khối lượng kiến thức trong một bài học của SGK hiện hành là khá lớn, chỉ chú trọng đến phần bài giảng trên lớp và dành thời gian cho những kiến thức trọng tâm, quan trọng của bài học, nên đã chuyển một phần hoạt động bài trên lớp thành hoạt động ở nhà của HS. Các GV này cũng thường xuyên yêu cầu HS giải nhiều bài toán nâng cao, phức tạp.
Khi hỏi các thầy cô giáo về vấn đề tự học thì đa số các thầy cô quan niệm rằng: việc tự học của HS là đọc SGK cả bài cũ và bài mới, xem thêm tài liệu tham khảo, học thuộc bài vừa học. Vì vậy để hướng dẫn HS tự học thì các thầy cô cho rằng: học thuộc lòng bài vừa học, làm đủ bài tập được giao, đọc
trước bài mới và đọc thêm các tài liệu sách báo liên quan, khai thác thông tin trên Internet. Để đánh giá khả năng tự học của HS thì các GV cho rằng: Đặt câu hỏi mở rộng liên quan đến bài học và kiểm tra bài cũ, kiểm tra bài tập đã giao. Để thúc đẩy HS tự học thì các GV cho rằng cần tăng cường cho HS thảo luận, cho đề kiểm tra có phần mở rộng, tăng cường cho bài tập và kiểm tra thường xuyên. Biện pháp tổ chức hoạt động tự học ở nhà cho HS chủ yếu là: hướng dẫn HS tự tóm tắt kiến thức, cách giải bài tập, tổ chức HS thảo luận các vấn đề tự học, tự nghiên cứu, biện pháp tổ chức hoạt động tự học trên lớp cho HS thường là: thông báo kế hoạch bài học, thông báo đề cương ý nghĩa bài học nhưng chủ yếu là tổ chức dạy học theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS, dạy học theo nhóm. Để HS tự học tốt thì các thầy cô cho rằng: cần đổi mới cách thi cử, tạo điều kiện cho HS có điều kiện tự học ở nhà, GV phải hướng dẫn HS cách học.
+ Về tình hình học của HS:
- Đa số HS nhận thức được mục đích học tập là để có kiến thức, để thi đỗ đại học tạo điều kiện để tìm được một việc làm sau này. HS đi học thêm rất nhiều, dẫn đến thời gian tự học của HS ở nhà rất ít, thường chỉ từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày.
- Về quan niệm của HS đối với công tác tự học trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường, đa số các ý kiến cho rằng tự học là chỉ học thuộc bài vừa học, làm các bài tập mà GV yêu cầu, một số ít thì đọc trước bài mới ở nhà. Tài liệu tự học chủ yếu của các em là vở ghi bài giảng, SGK, sách bài tập; không nhiều HS khai thác thông tin trên mạng Internet, đọc sách báo, tài liệu liên quan đến bài học. về kiến thức thu được từ việc tự học thì các em cho rằng nó tương đương với kiến thức thu được trên lớp và ảnh hưởng đến 50% kết quả học tập. Đa số HS cho rằng việc tự học là bình thường, một số thích và rất thích tự học, số còn lại cho rằng tự học là bị bắt buộc.
- Về điều kiện tự học của HS: đa số các em cho rằng bố mẹ tạo điều kiện tốt cho các em học tập: về mặt thời gian học, sách vở tài liệu liên quan đầy đủ. - Về phương pháp tự học của HS: Đa số HS cho rằng cách tự học tốt nhất là vừa đọc vừa viết, làm bài tập, một số chọn đọc sách. Khi đọc sách, có khi thường gặp khó khăn mất nhiều thời gian và khó hiểu. Hình thức tự học mà các em thích nhất là học một mình hoặc học với bạn thân. Khi gặp vãn đề khó khăn thì phần lớn HS hỏi bạn bè, số ít thì hỏi thầy cô, một số khác thì tự tìm cách giải quyết, số ít HS bỏ qua. Đánh giá tác động của GV đối với việc tự học của HS thì đa số các em cho rằng: GV chỉ giao các bài tập và kiểm tra thường xuyên các em, khi gặp các vấn đề khó thì các em được các thầy cô trả lời cặn kẽ cho tới khi hiểu, nhìn chung các GV đã có hướng dẫn HS tự học. Nhiều HS cho rằng còn lúng túng trong việc xác định phương pháp tự học hiệu quả. Trong khi đó, một số GV chưa chú trọng nhiều đến hướng dẫn HS phương pháp tự học trong quá trình dạy học như giới thiệu, cung cấp tài liệu tham khảo, hướng dẫn HS cách đọc tài liệu, cách thu thập và xử lý thông tin.
Có ý kiến cho rằng phương pháp giảng dạy của một số GV chưa tốt đã ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn học của HS. Phương pháp giảng dạy của thầy chủ yếu là thuyết trình, ít dành thời gian tổ chức cho HS thảo luận nên không tạo điều kiện để HS rèn luyện khả năng diễn đạt cũng như được thể hiện hiểu biết của mình thông qua tự học, tự nghiên cứu,...
Khi hỏi về cách kiểm tra đánh giá hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chưa khuyến khích, thúc đẩy cũng như yêu cầu HS tự học nhiều.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều HS chưa nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của tự học, chưa có quan niệm đúng đắn về trách nhiệm của bản thân mình với gia đình và xã hội nên còn mải vui chơi, chơi game, điện tử, đua đòi,... nên thiếu thời gian và sức lực dành cho việc tự học.