a, Tăng cường nguồn nhân lực cho bộ phận kiểm tra thuế
Để hoạt động kiểm tra thuế đạt được mục tiêu và nhiệm vụ, thì đội ngũ CBT phải có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cao, có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, để phân loại chính xác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực hiện có cần có một bộ tiêu chuẩn về năng lực của cán bộ kiểm tra thuế. Bộ tiêu chuẩn về năng lực của CBT sẽ giúp CQT quản lý nguồn nhân lực hiệu quả hơn từ khâu tuyển dụng, đào tạo phân bổ công việc, bồi dưỡng, đánh giá kết quả, .... Nội dung tiêu chuẩn về năng lực nên bao gồm ba nhóm: Kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và các yêu cầu khác
- Nhóm tiêu chuẩn kiến thức chuyên môn bao gồm: kiến thức về thuế và QLT; Kiến thức pháp luật có liên quan (luật kinh tế, luật tài chính, luật hành chính,
dân sự, luật đất đai, . .); Kiến thức về kinh tế (kế toán, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, ..).
- Nhóm tiêu chuẩn kỹ năng nghiệp vụ bao gồm:
+ Kỹ năng chung: Thu thập, xử lý thông tin; Kỹ năng phân tích tài chính, phân tích rủi ro; Lập báo cáo tài chính và kế toán thuế; Áp dụng linh hoạt quy định pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan; Kỹ năng CNTT, ngoại ngữ, ....
+ Kỹ năng quản lý, tổ chức: Xây dựng và hoạch định chiến lược; Kỹ năng quản ký và lãnh đạo, ....
- Nhóm các yêu cầu khác bao gồm: Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; Kinh nghiệp công tác; Tác phong trong công việc, ..
Bổ sung nguồn nhân lực cho công tác kiểm tra thuế để đảm bảo công tác QLT theo chức năng và hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Công tác này không chỉ yêu cầu kỹ năng nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp cao, mà còn yêu cầu kinh nghiệp làm việc thực tế, do đó khi bổ sung nguồn nhân lực nên điều chuyển những cán bộ đã có kinh nghiệm từ bộ phận chức năng khác sang, không nên bố trí ngay nhân sự mới tuyển dụng vào.
b, Đẩy mạnh tổ chức đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức
Yếu tố con người có vai trò vô cùng quan trọng do hoạt động này yêu cầu kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp rất cao. Trong chương 2 của khóa luận này đã chỉ ra một bộ phận CBT chi cục thuế huyện Đại Từ còn thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ và một số ít chưa đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, việc đẩy mạnh tổ chức đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ CBT ở chi cục thuế huyện Đại Từ là nhiệm vụ cấp bách vì mục tiêu lâu dài.
Để đảm bảo yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế, cần liên tục cải thiện chất lượng CBT, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, tác
phong nghề nghiệp, phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp của CBT. Chi cục thuế huyện Đại Từ đã quan tâm thực hiện công tác phát triển nguồn nhân lực ngành Thuế, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục và đẩy mạnh công tác này thông qua các giải pháp sau:
- Công tác tuyển dụng CBT cần được cải tiến: công khai chỉ tiêu tuyển dụng, quy định về chuyên ngành tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu để tuyển dụng được nhân sự có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra thuế.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo của CBT. Ở địa bàn huyện Đại Từ, có hai lĩnh vực đặc biệt có số lượng DN nhiều là lĩnh vực xây dựng lắp đặt và lĩnh vực bất động sản, do đó cần chú trọng kỹ năng kiểm tra trong hai lĩnh vực này.
- Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn cán bộ cụ thể theo từng cấp độ cán bộ (cán bộ tập sự, cán bộ cơ bản, cán bộ chủ chốt, lãnh đạo, ...) để căn cứ vào đó đánh giá, phân loại và bồi dưỡng. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành của cán bộ để đánh giá hiệu suất và chất lượng hoàn thành của cán bộ, từ đó thúc đẩy, tạo động lực cho cán bộ phát triển và hoàn thiện trong công việc. Công tác khen thưởng cần kịp thời đối với những cán bộ xuất sắc, tránh tình trạng chỉ khen thưởng tập trung vào cán bộ quản lý, lãnh đạo.
- Tăng cường hoạt động hỗ trợ trực tiếp, chuyên biệt do các CBT chủ chốt, có nhiều kinh nghiệm tiến hành nhằm hỗ trợ cho CBT tập sự và CBT cơ bản có thiếu sót về năng lực thực tế nhanh chóng đảm nhiệm các nghiệp vụ thực tế trên địa bàn.
- Đẩy mạnh các hình thức cử CBT tham dự các hội thảo, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và tài liệu. Được trải nghiệm và tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm và sáng kiến được chia sẻ từ các chuyên gia dựa trên các tình huống thực tế giúp tăng cường năng lực cán bộ ở các cấp độ khác nhau, đảm bảo khả năng đồng đều, thống nhất. Hình thức này cần được diễn ra liên tục, kịp thời.
- Thường xuyên điều chỉnh thái độ công việc, tác phong việc làm của CBT khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra để ngăn chặn các tiêu cực, nâng cao đạo đức nghề nghiệp CBT.
c, Tăng cường luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác
NNT có ý định thực hiện hành vi vi phạm, gian lận pháp luật thuế thường có xu hướng thông đồng, lôi kéo CBT về phía mình để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Do đó có thể nói, môi trường công tác này là môi trường cám dỗ vật chất. Cán bộ kiểm tra thuế khi công tác trong thời gian dài ở một ví trí và một nhóm đối tượng sẽ nảy sinh các mối quan hệ xã hội dẫn đến khả năng dễ làm sai quy định pháp luật nói chung và quy định pháp luật về thuế nói chung. Giải pháp để ngăn chặn hành vi này là thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác. Giải pháp này giúp cho các lãnh đạo bộ phận, CBT có cơ hội trải nghiệm, phát triển và tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực QLT khác, giúp phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu. Chi cục thuế huyện Đại Từ nên thực hiện nghiêm túc việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác để đảm bảo một cán bộ không làm việc với một nhóm đối tượng NNT trong thời gian quá dài. Hoạt động luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác có tính bắt buộc, có thể quy định về tính tạm thời (ngắn hạn) hoặc tính đột xuất tùy từng trường hợp cụ thể. Việc luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo điều kiện hoàn cảnh khách quan của từng cán bộ, phù hợp với năng lực chuyên môn, không cản trở hay gây xáo trộn thực hiện các nhiệm vụ.