5. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu và khung phân tích
Vì mấu chốt của công tác kiểm tra thuế TNDN là tìm ra những rủi ro tiềm ẩn (đặc biệt là các rủi ro tiềm ẩn trong việc kê khai doanh thu và chi phí khi xác định thuế TNDN), phát hiện ra các sai phạm và xử lý sai phạm. Vì vậy tác giả xin đưa ra các phương pháp nghiên cứu nhằm phát hiện ra những vấn đề rủi ro như sau:
2.2.1.1. Phương pháp tiếp cận đánh giá rủi ro
Để tăng cường công tác kiểm tra thuế TNDN, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm cũng như nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế thì phương pháp quản lý rủi ro là một phương pháp quan trọng và cần được tiến hành triệt để.
Hiện nay, hàng năm Tổng cục thuế lựa chọn tối thiểu 20% số doanh nghiệp đang hoạt động để kiểm tra hồ sơ khai thuế. Trong đó 15% doanh
nghiệp được lựa chọn bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro người nộp thuế (TPR) và 5% doanh nghiệp được các Cục thuế lựa chọn thông qua dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế, kê khai sai số thuế phải nộp.
- Đối với việc sử dụng phần mềm TPR, cán bộ kiểm tra sử dụng công nghệ thông tin để kiểm tra và gán điểm cho từng tiêu chí rủi ro, trên cơ sở đó sắp xếp người nộp thuế theo mức độ rủi ro tổng thể của toàn bộ tiêu chí theo thứ tự từ cao xuống thấp giúp cho việc phân loại người nộp thuế được thuận lợi và chính xác hơn.
- Đối với quản lý bằng phương pháp thủ công thì việc lựa chọn các doanh nghiệp có rủi ro về thuế được đánh giá dựa trên kinh nghiệm của cán bộ kiểm tra để lựa chọn ra danh sách các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và các doanh nghiệp này phải nằm ngoài danh sách các doanh nghiệp đã được lựa chọn bằng việc sử dụng phần mềm TPR.
Các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao về thuế cần phải được tiến hành kiểm soát một cách chặt chẽ và thường xuyên hơn các doanh nghiệp có mức độ rủi ro về thuế thấp hơn.
2.2.1.2. Phương pháp tiếp cận đối chiếu so sánh
Phương pháp đối chiếu so sánh là một phương pháp được sử dụng một cách thường xuyên và xuyên suốt trong công tác kiểm tra thuế TNDN. Ở phương pháp này, cán bộ kiểm tra thuế đối chiếu thông tin liên quan đến NNT từ các nguồn thông tin khác nhau, giữa các hồ sơ của NNT với nhau và giữa các chỉ tiêu trong cùng một hồ sơ thuế với nhau.
- Đối chiếu giữa các thông tin kê khai thuế của NNT với CQT và thông tin của NNT với các cơ quan khác. Qua việc đối chiếu này để đánh giá mức độ trung thực và đồng nhất của việc kê khai thuế của NNT.
- Đối chiếu giữa các hồ sơ khai thuế TNDN của NNT nộp cho CQT để phát hiện các vấn đề rủi ro tiềm ẩn. Như đối chiếu giữa doanh thu kê khai trên hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN với doanh thu trên hồ sơ khai thuế GTGT
của cả năm, qua đó cũng có thể phát hiện các trường hợp kê khai thiếu doanh thu tính thuế GTGT hoặc kê khai thiếu doanh thu tính thuế TNDN; …
- Đối chiếu các chỉ tiêu trong cùng hồ sơ khai thuế TNDN với nhau. Ví dụ: trên bảng cân đối số phát sinh của người nộp thuế, đối chiếu giữa phát sinh bên có của tài khoản 156 - Hàng hóa với phát sinh bên nợ của tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán (đối với doanh nghiệp kinh doanh thuần về lĩnh vực thương mại); đối chiếu giữa số phát sinh bên có của tài khoản 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với bên có của tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán (đối với doanh nghiệp hoạt động thuần về lĩnh vực xây dựng); đối chiếu giữa số phát sinh bên có của tài khoản 155 - Thành phẩm với phát sinh bên nợ của tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán (đối với doanh nghiệp kinh doanh thuần về lĩnh vực sản xuất). Với những trường hợp có chênh lệch thì cán bộ kiểm tra cần làm rõ vì có thể có rủi ro tiềm tàng.
2.2.1.3. Phương pháp tiếp cận đối chiếu chéo
Đối chiếu chéo là phương pháp đối chiếu thông tin về số thuế kê khai của NNT giữa cơ quan quản lý thuế bên người bán với cơ quan quản lý thuế bên người mua với nhau nhằm tìm ra sự sai lệch trong công tác kê khai thuế của NNT. Một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay là phương pháp xác minh hóa đơn. Nhờ phương pháp này mà không ít các hành vi sai phạm về thuế TNDN đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
2.2.1.4. Tiếp cận kiểm tra ngược chiều
Phương pháp kiểm tra người chiều là phương pháp được sử dụng phổ biến khi tiến hành kiểm tra thuế tại trụ sở NNT. Theo đó cán bộ kiểm tra thuế căn cứ vào báo cáo tài chính, hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN phát hiện ra các vấn đề nghi vấn rồi đi sâu vào kiểm tra sổ chi tiết các tài khoản và các chứng từ gốc.
2.2.1.5. Khung nghiên cứu giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã phân tích, với các phương pháp tiếp cận đã lựa chọn; Đồng thời dựa trên một số các nhân tố chính ảnh hưởng đến công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tác giả xây dựng khung nghiên cứu giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc - Khung nghiên cứu được mô tả như sau:
Sơ đồ 2.4. Khung nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác kiểm tra thuế TNDN đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Cục thuế
tỉnh Vĩnh Phúc
Nguồn: Mô tả của tác giả