1.1.2.1. Đọc hiểu
Đọc hiểu văn bản là nội dung nghiên cứu đã thu hút tâm sức của rất nhiều nhà khoa học giáo dục trên thế giới trong khoảng 50 năm trở lại đây… đặc biệt là ở Mĩ và các nước phương Tây. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về đọc hiểu và đọc hiểu văn bản. Tiêu biểu có thể kể đến như:
Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA - The program for International Student Assessement) quan niệm: “Đọc hiểu là sự hiểu biết, sử
dụng, phản hồi và chiếm lĩnh các văn bản viết nhằm đạt được những mục đích, phát triển tri thức và tiềm năng cũng như tham gia vào đời sống xã hội của mỗi cá nhân”. Theo PISA, định nghĩa về đọc và đọc hiểu có sự thay đổi
theo thời gian và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. “Khái niệm đọc và đặc
biệt là học suốt đời đòi hỏi phải mở rộng cách hiểu về việc đọc hiểu”. Quan
niệm này của PISA hoàn toàn phù hợp với quan niệm của UNESCO về năng lực đọc hiểu: “Đó là khả năng nhận biết, thấu hiểu, giải thích, sáng tạo, trao
đổi, tính toán và sử dụng những tài liệu viết hoặc in ấn kết hợp với những bối cảnh khác nhau. “Literacy” đòi hỏi sự học hỏi liên tục cho phép một cá nhân đạt được mục đích của mình, phát triển kiến thức, tiềm năng và tham gia một cách đầy đủ trong xã hội rộng lớn”. Có thể nói quan niệm và yêu cầu của
PISA về đọc hiểu không dựa theo một CTGDPT của một quốc gia cụ thể nào. Nhưng việc nhiều nước tham gia PISA, trong đó có Việt Nam, chứng tỏ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, các nước đang xích lại gần nhau, thống nhất một quan niệm chung về vai trò của văn bản thông tin trong học tập và trong đời sống của mỗi người. [41, tr. 92 – 93].
Bàn về đọc hiểu, giáo sư Nguyễn Thanh Hùng cho rằng “đọc - hiểu là
một khái niệm khoa học chỉ ra mức độ cao nhất của hoạt động học; đọc – hiểu đồng thời cũng chỉ ra năng lực văn của người đọc… Hiểu là phát hiện và nắm vững mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, đối tượng nào đó và ý nghĩa mối quan hệ đó. Hiểu là bao quát hết nội dung và có thể vận dụng vào đời sống. Hiểu tức là phải trả lời câu hỏi Cái gì? Như thế nào? Vì sao? Làm như thế nào? Đó là biết và làm trong đọc hiểu… Hiểu là quá trình nhận thức văn bản toàn vẹn” [24, tr. 23].
1.1.2.2. Dạy đọc hiểu trong môn Ngữ văn
Bắt đầu từ năm 2000, dưới chỉ đạo của Bộ, chương trình, sách giáo khoa có sự thay đổi mà đặc biệt là khi thay đổi cách thức ra đề thi môn Ngữ văn thì vấn đề dạy đọc hiểu trong môn Ngữ văn bắt đầu được coi trọng.
Tuy nhiên, thời gian đầu, các tài liệu tham khảo dành cho GV và HS đều có “nội dung viết vẫn là phân tích, thẩm bình văn bản của cá nhân tác giả
hoặc bám theo câu hỏi sách giáo khoa để hướng dẫn trả lời… xét về mặt định hướng phương pháp dạy học, các tài liệu ấy chưa cho giáo viên và học sinh thấy rõ đường đi nước bước của việc dạy đọc hiểu, đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động cụ thể để khuyến khích và kiểm soát sự hiểu của học sinh trong quá trình đọc văn bản” [24, tr. 16].
Hiện nay, vấn đề dạy đọc hiểu Ngữ văn trong CTGDPT mới là nội dung được chú trọng, gắn liền với việc hình thành kĩ năng đọc và phát triển năng lực đọc hiểu cho HS.
Kĩ năng đọc được hiểu theo nghĩa rộng với nhiều yêu cầu và mức độ khác nhau, nhưng thường gom vào hai yêu cầu lớn là đọc thông và đọc hiểu. Đọc thông là đọc đúng, tròn âm, rõ chữ, dừng ngắt đúng chỗ, không ê a ngắc ngứ. Đọc hiểu thể hiện khả năng hiểu được và ngộ ra trong khi đọc văn bản hiểu được văn bản và ngộ ra được, hiểu được chính mình (người đọc). Đọc hiểu ở mức độ thấp là đọc để nắm thông tin, hiểu tác giả, hiểu văn bản nói gì, ở yêu cầu cao hơn là đọc thẩm mĩ (tiếp nhận, cảm thụ, thưởng thức) văn bản, nhất là văn bản văn học. [41, tr. 21 - 22]. Chính vì vậy, trong dạy học văn bản, người ta chú ý cả hai kiểu đọc: đọc hướng tới khách thể (văn bản) và đọc hướng tới chủ thể (người đọc)… Hai kiểu đọc này luôn gắn bó với nhau, đều quan trọng và đều là mục tiêu của dạy học Ngữ văn. Tuy nhiên, tùy vào lứa tuổi HS để gia giảm các yêu cầu của mỗi cách đọc. Có thể nói, đọc hiểu cần được coi là một năng lực cốt lõi, thiết yếu ai cũng cần có, còn đọc thẩm mĩ là năng lực chuyên môn, thậm chí là năng lực đặc biệt (năng khiếu) [41, tr. 22]
“Năng lực đọc hiểu là sự tương tác tích cực với văn bản bằng các hoạt
động nhận thức và siêu nhận thức, tạo nên những hiểu biết, phản hồi, sử dụng đối với văn bản trong bối cảnh cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đọc và tự phát triển tiềm năng của bản thân” [20].
Như vậy, có thể khẳng định: Đọc hiểu văn bản là thao tác có vai trò quan trọng khi người đọc làm việc với văn bản. Đọc hiểu và dạy đọc hiểu là khâu then chốt trong giáo dục nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng. Muốn nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn, muốn tăng cường tính ứng dụng của bộ môn trong cuộc sống, trang bị cho HS những nền tảng cơ bản và quan trọng để thành công trong các lĩnh vực học tập khác của hệ thống giáo dục, cần đảm bảo năng lực đọc hiểu cho HS.