hiện nay.
Nói như GS Trần Đình Sử: Thực tế, môn văn trong nhà trường là môn đọc văn. Dạy văn là dạy cho HS năng lực đọc, kỹ năng đọc để HS có thể đọc hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại. Từ đọc hiểu văn mà tiếp nhận các giá trị
văn học, thể nghiệm các tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng ngôn từ, hình thành cách đọc riêng có cá tính. Đó là con đường duy nhất để bồi dưỡng cho HS năng lực của chủ thể tiếp nhận thẩm mỹ. Do đó hiểu bản chất môn văn là môn dạy đọc văn vừa thể hiện cách hiểu thực sự bản chất của văn học, vừa hiểu đúng thực chất việc dạy văn là dạy năng lực, phát triển năng lực là chủ thể của HS.
Điều này càng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong thời đại ngày nay, khi sự giao lưu văn hóa quốc tế được gia tăng, khi điều kiện tiếp xúc các nguồn văn bản được mở rộng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó trình độ văn hóa được đánh giá bằng năng lực nắm bắt, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin từ các văn bản khác nhau. Con người trong thời đại mới, để có thể thích ứng tốt với môi trường phải là những người có năng lực đọc và nắm bắt thông tin, xử lý thông tin nhanh nhạy. Đó cũng chính là mục tiêu của giáo dục trong việc đào tạo ra những thế hệ tương lai.
Ngày nay, cơ hội để HS hình thành và phát triển năng lực đọc hiểu rất phong phú và đa dạng, vì hàng ngày cả trong môi trường lớp học và môi trường xã hội, HS được tiếp xúc với nhiều loại văn bản khác nhau. Tùy theo tiêu chí phân loại, văn bản sẽ được sắp xếp theo những hệ thống khác nhau, ví dụ như văn bản in và văn bản điện tử, văn bản liên tục và văn bản không liên tục (văn bản gồm chữ và các số, chữ và biểu đồ, bảng biểu, v.v), văn bản hư cấu và văn bản phi hư cấu, văn bản văn chương và văn bản thông tin. Do đó, điều cần thiết là phải trang bị cho HS có được kĩ năng đọc hiểu, không đơn thuần chỉ là đọc hết thông tin, đọc diễn cảm mà phải nắm bắt được tinh thần của tác phẩm, hiểu rõ được nội dung then chốt thể hiện tư tưởng của tác giả.
Trong chương trình Ngữ văn của chúng ta hiện nay, HS chủ yếu chỉ được tìm hiểu hệ thống văn bản văn chương. Còn một hệ thống văn bản khác có nội dung liên quan trực tiếp đến thế giới hiện thực, không sử dụng những yếu tố hư cấu, tưởng tượng, thực hiện chức năng chủ yếu là cung cấp thông
tin thì lại chưa được quan tâm giảng dạy đúng mức, tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống xã hội. Đó là một vấn đề bất cập. Nhà trường phổ thông của chúng ta không chỉ dành quá ít thời gian cho việc rèn luyện năng lực đọc hiểu loại văn bản này mà ngay cả những kiểu văn bản cụ thể thuộc loại này cũng chiếm một số lượng rất khiêm tốn trong toàn bộ chương trình Ngữ văn.
Khắc phục những hạn chế đó, trong CTGDPT năm 2018, văn bản được chọn làm ngữ liệu đọc bao gồm văn bản văn học (chủ yếu là truyện, thơ, kịch, kí), văn bản nghị luận (nghị luận xã hội, nghị luận văn học), văn bản thông tin (văn bản thuyết minh, văn bản nhật dụng). Trong đó mặc dù kĩ năng đọc văn bản văn học được đặc biệt chú trọng nhưng vẫn cần đảm bảo cân đối giữa việc dạy đọc văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Thêm vào đó, GV được lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc đánh giá kết quả học tập định kì không dựa vào các ngữ liệu đã học trong một cuốn sách giáo khoa Ngữ văn cụ thể mà lấy yêu cầu cần đạt nêu trong văn bản chương trình môn học làm căn cứ để biên soạn đề kiểm tra, đánh giá. Những thay đổi này là cơ sở để dạy học Ngữ văn được phát triển theo hướng “mở”, phát huy được năng
lực sáng tạo không chỉ của GV mà của cả HS. Và sử dụng infographic được xem là một hướng đi mới, đáp ứng được xu hướng đổi mới đó.