Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền

Một phần của tài liệu 847 pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại tại việt nam hiện nay (Trang 49 - 53)

2.4.2.1. Quyền của bên nhận quyền

Ngoài việc quy định nghĩa vụ mà bên nhượng quyền phải thực hiện thì để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận quyền trong quan hệ NQTM, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về quyền của bên nhận quyền thương mại, cụ thể tại Điều 288 Luật LTM năm 2005 ghi nhận như sau:

Một là, yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ

thuật có liên quan đến hệ thống NQTM. Khi tham gia vào hệ thống nhượng quyền,

bên nhận quyền có quyền yêu cầu bên nhượng quyền hỗ trợ, cung cấp, hướng dẫn để có thể tiến hành các bước kinh doanh. Việc nắm rõ quy định, quy chuẩn chung do bên nhượng quyền đặt ra giúp hạn chế được tối đa rủi ro khi bên nhận quyền hoạt động. Nhìn chung thì quy định này của pháp luật là hoàn toàn hợp lý khi hướng đến lợi ích của cả hai bên chủ thể, việc đảm bảo kinh doanh tốt cho bên nhận quyền cũng góp phần phát triển chung cho cả toàn hệ thống NQTM. Thực tế trên

hợp đồng NQTM số 01-10/2020/HDNQ/FDI-BSN001 (phụ lục II), tại điểm 1.1 Khoản 1 Điều 9 hợp đồng quy định: bên B có quyền “yêu cầu bên A cung cấp đầy đủ các thông tin, trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống để có thể tiến hành thiết lập cơ sở kinh doanh”.

Hai là, yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương

nhân nhận quyền khác trong hệ thống NQTM. Nghĩa vụ của bên nhượng quyền

cũng chính là quyền của bên nhận quyền, tại hợp đồng NQTM số 01- 10/2020/HĐNQ/FDI-BSN001 (phụ lục II), điểm 1.2 Khoản 1 Điều 9 quy định bên B có quyền: “Yêu cầu bên A đối xử bình đẳng như các bên nhận quyền khác trong Hệ thống”

Hai quyền cơ bản này giúp bên nhận quyền thuận tiện hơn trong những bước đầu kinh doanh; việc khai thác tên thương mại, bí quyết kinh doanh từ bên nhượng quyền góp phần đem lại hiệu quả trong quá trình vận hành và hòa nhập vào hệ thống nhượng quyền đối với bên nhận quyền.

2.4.2.2. Nghĩa vụ của bên nhận quyền

Khi tham gia quan hệ nhượng quyền, pháp luật cũng đặt ra cho bên nhận quyền những yêu cầu nhất định. Nghĩa vụ mà bên nhận quyền đối với bên nhượng quyền và bên thứ ba chính là những điều kiện mà bên nhận quyền phải đáp ứng khi tham gia vào hệ thống NQTM, nghĩa vụ đó được pháp luật điều chỉnh cụ thể tại Điều 289 LTM năm 2005:

Một là, trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng

NQTM; Trong thực tế hợp đồng NQTM số 01-10/2020/HĐNQ/FDI-BSN001 (phụ

lục I), tại điểm 2.3 Khoản 2 Điều 9 thì bên B có nghĩa vụ: “Thanh toán phí nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo Hợp đồng quy định.”

Hai là, đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

Ba là, chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền. Quy định này đảm bảo tính đồng bộ của hệ

thống NQTM, xuất phát từ mục tiêu xây dựng một chuỗi hệ thống nhượng quyền mang tính đồng bộ thống nhất của hoạt động NQTM. Có thể nói rằng tính đồng bộ chính là nét đặc trưng cơ bản và quan trọng của một hệ thống nhượng quyền. Sự sáng tạo từ phía nhận quyền hoặc không được bên nhượng quyền cho phép đều sẽ phá hủy tính hệ thống của mạng lưới cung ứng sản phẩm được tạo ra từ quan hệ NQTM. Có thể nói rằng quy định này yêu cầu bên nhận quyền tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt từ phía nhượng quyền đưa ra để đảm bảo tính đồng bộ cho toàn hệ thống NQTM. Trong ví dụ về hợp đồng NQTM số 01-10/2020/HĐNQ/FDI- BSN001 (phụ lục II), tại điểm 2.5 Khoản 2 Điều 9 đã quy định về nghĩa vụ của bên nhận quyền là hộ kinh doanh do ông Nguyễn Minh Tuấn đứng tên như sau: bên B có nghĩa vụ “chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên A; tuân thủ các yêu cầu thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn hệ thống”

Bốn là, giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau

khi hợp đồng NQTM kết thúc hoặc chấm dứt. Nghĩa vụ này đã đặc biệt đảm bảo

quyền lợi cho bên nhượng quyền. Việc kinh doanh dưới hình thức NQTM chính là sự chuyển giao các “quyền thương mại”, trong đó có những yếu tố sống còn của doanh nghiệp, như bí quyết kinh doanh, công thức chế biến... Đây có thể gọi là những yếu tố quan trọng bậc nhất để đưa thương hiệu của bên nhượng quyền lên vị trí hiện tại. Việc quy định bên nhận quyền phải giữ bí mật và bí quyết kinh doanh khi được nhượng quyền và cả sau khi hợp đồng NQTM kết thúc đã nhằm hạn chế rủi ro và bảo vệ quyền lợi cho bên nhượng quyền, tránh trường hợp bên nhận quyền dùng chính công nghệ và bí quyết kinh doanh mà trước đó được chuyển giao để cạnh tranh với chính “cha đẻ’ của nó hay tiết lộ cho một bên thứ ba nào khác nhằm mục đích trục lợi. Trên thực tế đã có nhiều tranh chấp liên quan đến bí mật kinh doanh, nhiều trường hợp bên nhận quyền sau khi kết thúc hợp đồng đã bán thông tin của phía nhượng quyền cho công ty đối thủ điều ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên nhượng quyền, chính vì vậy quy định pháp luật đặt ra nhằm ngăn chặn những hành vi đó là hoàn toàn hợp lý. Trong thực tế, ở hợp đồng NQTM số 01-10/2020/HDNQ/FDI-BSN001 (phụ lục II), tại điểm 2.6 Khoản 1 Điều 9 thì bên

nhận quyền có nghĩa vụ: “giữ bí mật kinh về các thông tin liên quan đến kinh doanh ngay cả sau khi hợp đồng kết thúc hoặc chấm dứt.”

Năm là, ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ

thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng NQTM. Quyền

được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác... là những quyền thuộc sở hữu của bên nhượng quyền. Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, bên nhượng quyền có nghĩa vụ chuyển giao những quyền này cho phía nhận quyền. Tuy nhiên đây là chuyển giao có điều kiện, bên nhận quyền phải chịu sự quản lý, giám sát từ phía nhượng quyền trong một khoản thời gian hiệu lực hợp đồng. Khi hợp đồng kết thúc, việc bên nhận quyền ngưng việc sử dụng các “quyền thương mại” là điều hiển nhiên. Quy định này hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên nhượng quyền đối với quyền thương mại thuộc sở hữu của mình, ngăn ngừa việc bên nhận quyền sử dụng trái phép những quyền thương mại được chuyển giao trước đó gây ảnh hưởng đến uy tín, tên tuổi của bên nhượng quyền, hoặc gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm do bên nhượng quyền cung cấp, ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các chủ thể có liên quan này.

Sáu là, điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại; Nghĩa vụ điều hành việc kinh doanh tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của sách hướng dẫn hoặc những quy định cụ thể do bên nhượng quyền đưa ra, luôn tuân thủ đối với mọi khía cạnh của hệ thống, tuyệt đối không tự sáng tạo hay làm trái, làm khác với những quy định ban đầu mà không thông qua với bên nhượng quyền. Quy định pháp luật chỉ đưa ra những điều kiện chung, trong thực tế ký kết hợp đồng NQTM, các bên có thể tự thỏa thuận cụ thể hơn các điều khoản chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bên.

Bảy là, không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp

thuận của bên nhượng quyền. Sự nhượng quyền lại mà không có sự đồng ý từ phía

nhượng quyền rất dễ gây ra nhiều thiệt hại về cả lợi ích kinh tế lẫn uy tín của bên nhượng quyền, thậm chí nghiêm trọng còn có thể gây nên hiện tượng đổ vỡ cả một

chuỗi hệ thống nếu không kiểm soát được tình hình, tránh hiện tượng các chủ thể nhận quyền tiếp tục ồ ạt nhượng quyền. Chính vì vậy mà việc chuyển giao lại cho bên thứ ba cần được xem xét kỹ lưỡng, đánh giá trên nhiều phương diện và đặc biệt là phải có sự đồng ý từ bên nhượng quyền, bởi những nguy cơ rủi ro nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề sống còn của thương hiệu. Chính bởi vậy quy định của pháp luật đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Đây cũng chính là một điều khoản quan trọng không thể thiếu trong hợp đồng khi các bên thỏa thuận, ví dụ thực tiễn hợp đồng NQTM số 01-10/2020/HĐNQ/FDI-BSN001 (phụ lục II), tại điểm 2.7 Khoản 2 Điều 9, bên B có nghĩa vụ: “Không được nhượng lại các quyền và nghĩa vụ liên quan được quy định trong hợp đồng này cũng như tiết lộ các thông tin bảo mật cho

bên thứ ba khác khi không có sự chấp thuận cho bên A bằng văn bản”. Như vậy

nếu bên phía ông Nguyễn Minh Tuấn muốn tiếp tục nhượng quyền cho bên thứ ba thì cần phải được Công ty cổ phần Floordi đồng ý bằng văn bản.

Trên đây là những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng NQTM dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành quy định, tuy nhiên trên thực tế, tùy vào từng lĩnh vực nhượng quyền, đặc điểm của các bên ký kết hợp đồng mà các bên thỏa thuận để bổ sung thêm những điều khoản khác phù hợp.

Một phần của tài liệu 847 pháp luật về hợp đồng nhượng quyền thương mại tại việt nam hiện nay (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(77 trang)
w