Phát triển đội ngũ nhân lực luôn là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng quản lý tín dụng. Để đảm bảo có một đội ngũ cán bộ quản lý và nhân sự mạnh, đòi hỏi chi nhánh phải:
- Công tác tuyển dụng: cần có kế hoạch tuyển dụng đáp ứng đúng nhu cầu nhân lực đang thiếu tại chi nhánh. Lựa chọn những ứng viên đã qua đào tạo chuyên ngành.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống: do cơ chế, chính sách, các quy định của Nhà nước thay đổi thường xuyên nên các NHTM cần cập nhật thường xuyên, của cán bộ đi tập huấn khi có quy định mới, nhằm bắt kịp xu thế phát triển trong lĩnh vực Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
- Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, báo cáo chuyên môn nhằm giải đáp các vấn đề vướng mắc trong nghiệp vụ.
- Tuyên truyền tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với toàn thể CBTD. Nghiêm khắc kỷ luật các cán bộ có hành vi vi phạm quy định, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vô trách nhiệm trong công việc. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật trong công việc của cán bộ.
Khi có đội ngũ nhân lực đủ mạnh về số lượng và chất lượng thì vấn đề bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp sẽ giúp các cán bộ ngân hàng phát huy được hết năng lực của cá nhân để phục vụ công việc. Bên cạnh đó là các kỹ năng mềm, đặc biệt là ý thức và kỹ năng phối hợp, àm việc nhóm cần được chú trọng và nâng cao. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh Huyện Lâm Thao Phú Thọ , bộ máy quản lý tín dụng bao gồm 3 nhóm chính trực tiếp tham gia vào quy trình quản lý tín dụng: Giám đốc chi nhánh, các phòng ban nghiệp vụ tín dụng, Kiểm tra và giám sát tín dụng độc lập. Ba nhóm này chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện các chính sách, quy trình và các quyết định về quản lý tín dụng trong ngân hàng. Để hạn chế tối đa các yếu tố chủ quan và các hiện tượng tiêu cực, đảm bảo bộ máy quản lý tín dụng hoạt động hiệu lực hiệu quả, ngân hàng cần có sự đổi mới quy trình thẩm định, xét duyệt cho vay, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát giữa các bộ phận trong quản lý tín dụng.
Theo quy trình tín dụng, hồ sơ cho vay trước khi trình lãnh đạo ký duyệt cần được kiểm tra, thẩm định toàn diện, chính xác, và đòi hỏi tính khách quan trong xét duyệt hồ sơ. Toàn bộ quá trình phân tích năng lực tài chính – kinh doanh của doanh nghiệp, tính khả thi của dự án, đánh giá giá trị của tài sản thế chấp, phương án thu hồi nợ…nếu chỉ để cho một cán bộ tín dụng đảm nhận tất cả các khâu như hiện nay thì sẽ khó tránh khỏi sai sót và thiếu sự khách quan trong đánh giá và xét duyệt hồ sơ cho vay. Vì vậy bộ phận tín dụng nên chia thành 2 tổ:
- Tổ quản lý khách hàng doanh nghiệp: chuyên phụ trách tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, phân loại hồ sơ; theo dõi kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình hình sản xuất kinh doanh,… và báo cáo lại cho lãnh đạo và tổ thẩm định để theo dõi và chỉ đạo.
- Tổ thẩm định: có nhiệm vụ phân tích, đánh giá tài sản thế chấp, năng lực tài chính, đánh giá tính khả thi của dự án vay vốn, phối hợp với bộ phận quản lý khách hàng doanh nghiệp để đưa ra các phương án xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến vốn vay.
Hiện nay, tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - chi nhánh Huyện Lâm Thao Phú Thọ không có phòng kiểm tra kiểm toán nội bộ nên chỉ bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác kiểm tra và giám sát tín dụng. Việc bố trí số lượng 01 cán bộ như vậy, lại làm công tác kiêm nhiệm sẽ khó đảm bảo quản lý tốt nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát. Bên cạnh đó, hoạt động mang tính kiêm nhiệm, không phải độc lập sẽ không mang tính khách quan khi thực hiện việc kiểm soát trong quy trình quản lý tín dụng. Như vậy, để nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý tín dụng, một trong những yêu cầu cơ bản và vô cùng quan trọng là phải nâng cao tính độc lập trong công tác thẩm định, tính khách quan trong công tác kiểm tra kiểm soát, bên cạnh đó vẫn cần phải đảm bảo tính hiệu quả, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà làm mất nhiều thời gian, công sức đi lại của cả cán bộ tín dụng và của khách hàng, gây phản ứng tiêu cực đối với khách hàng, giảm chất lượng phục vụ của ngân hàng. Muốn vậy, cần có sự phân cấp, phân quyền rõ ràng, có quy định cụ thể về nhiệm vụ phối hợp giữa các bộ phận trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý tín dụng.