Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh thái nguyên (Trang 31 - 36)

5. Bố cục của luận văn

1.1. Cơ sở lý luận về tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

1.1.3. Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế

1.1.3.1.Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế thông qua tổng cầu

Đầu tư tác động lên tăng trưởng kinh tế ở 2 mặt: tổng cung và tổng cầu. Trong hàm tổng cầu thì đầu tư là một thành phần của tổng cầu có dạng:

Y=C + I + G + X - M (1)

Trong đó: Y là sản lượng hay thu nhập quốc dân; C là tiêu dùng dân cư;

I là đầu tư;

G là chi tiêu của nhà nước;

X là xuất khẩu và M là nhập khẩu ;

Từ đẳng thức (1) ta thấy rằng khi đầu tư I tăng lên thì trực tiếp làm cho thu nhập quốc dân Y tăng lên.

Theo lý thuyết Keynes thì khi đầu tư tăng lên một đơn vị thì làm cho Y tăng hơn một đơn vị.

Thật vậy, khi thay thế C = a+b.Y và M = u+v.Y là hàm tiêu dùng và hàm nhập khẩu biểu diễn theo Y thì đẳng thức (1) có dạng:

Y= a + b.Y + I + G + X -u-v.Y Chuyển vế, ta có:

Y= (a + I + G + X -u)/(1-b+v) (2)

Vì b là hệ số thiên hướng tiêu dùng biên bao gồm tiêu dùng trong nước và tiêu dùng nhập khẩu, v là hệ số thiên hướng tiêu dùng nhập khẩu. Do đó (b-v) sẽ lớn hơn 0 và (1-b+v) sẽ nhỏ hơn 1, tức là 1/(1-b+v) sẽ lớn hơn 1.

Từ đẳng thức (2) cho thấy là: với các điều kiện khác không đổi thì khi đầu tư I gia tăng một đơn vị thì thu nhập (Y) sẽ gia tăng hơn một đơn vị, ảnh hưởng này gọi là ảnh hưởng hệ số nhân.

Trong thực tế thì mức độ của ảnh hưởng trên còn tùy thuộc vào năng lực của nền kinh tế. Nếu năng lực cung mà hạn chế thì việc gia tăng tổng cầu,

dù bất kỳ lý do nào, chủ yếu chỉ làm tăng giá cả mà thôi, còn sản lượng thực tế thì không tăng lên bao nhiêu.

Ngược lại, nếu năng lực cung mà dồi dào thì việc gia tăng tổng cầu thật sự làm tăng sản lượng như lý thuyết Keynes đã đưa ra ở trên. Năng lực cung của nền kinh tế biểu hiện ở độ dốc của đường cung.

1.1.3.2. Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế thông qua tổng cung

Ảnh hưởng khác của đầu tư lên tăng trưởng kinh tế thông qua tổng cung thể hiện ở chỗ: vốn là một yếu tố đầu vào cơ bản của quá trình sản xuất. Vốn được kết hợp với lao động và tài nguyên thông qua quá trình sản xuất sẽ tạo ra của cải vật chất trong xã hội. Vốn không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế với tư cách là đầu vào của sản xuất (đóng góp về mặt lượng) mà còn đống góp một cách gián tiếp thông qua việc thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật do đầu tư mới mang lại, do lợi thế kinh tế nhờ quy mô lớn, tức một số ngành việc đầu tư mở rộng quy mô sẽ làm giảm chi phí sản xuất do chuyên môn hóa... đây là những đóng góp về chất của đầu tư, tức là hiệu quả của nền kinh tế đã được nâng cao.

Trong mô hình tân cổ điển, các nhà kinh tế học bác bỏ quan điểm cổ điển cho rằng sản xuất trong một tình trạng nhất định đòi hỏi những tỷ lệ nhất định về lao động và vốn, họ cho rằng vốn có thể thay thế được nhân công, trong quá trình sản xuất có thể có nhiều cách khác nhau trong việc kết hợp các yếu tố đầu vào. Các nhà kinh tế học tân cổ điển cũng đưa ra khái niệm tăng trưởng theo chiều sâu nghĩa là gia tăng vốn trên một đơn vị lao động trong sản xuất, còn sự gia tăng vốn tương ứng với sự gia tăng về lao động được gọi là tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng.

Hơn nữa, các nhà kinh tế học tân cổ điển còn cho rằng tiến bộ kỹ thuật là yếu tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Và họ cố gắng giải thích nguồn gốc của sự tăng trưởng thông qua hàm sản xuất. Hàm số này nêu lên

mối quan hệ giữa sự tăng lên của đầu ra với sự tăng lên của các yếu tố đầu vào như: Vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên và khoa học công nghệ.

Một dạng của kiểu phân tích này là hàm sản xuất Cobb-Douglas: Y = T.Kα.Lβ.Rγ

Trong đó:

Y: sản lượng đầu ra (ví dụ GDP) K: vốn sản xuất

L: lực lượng lao động R: tài nguyên thiên nhiên T: khoa học công nghệ

α, β, γ: các lũy thừa phản ánh tỷ lệ cận biên của các yếu tố đầu vào. Đầu tư vừa tác động đến tốc độ tăng trưởng vừa tác động đến chất lượng tăng trưởng. Tăng quy mô vốn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư hợp lý là những nhân tố rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất nhân tố tổng hợp, tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… Do đó, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Sự thay đổi tổng cung được phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, thay đổi quy mô vốn đầu tư cũng là nguyên nhân làm thay đổi tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư có ảnh hưởng quan trọng không chỉ đến tốc độ tăng trưởng cao hay thấp mà còn đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Trên góc độ phân tích đa nhân tố, vai trò của đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế thường được phân tích theo biểu thức sau:

g = Di + Dl + TFP

Trong đó:

g: tốc độ tăng trưởng GDP

Dl: phần đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP

TFP: phần đóng góp của tổng các yếu tố năng suất vào tăng trưởng GDP Thông qua công thức này, chúng ta có thể đánh giá tác động của vốn đầu tư đến tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư tác động vào hệ số TFP - một thành phần trong công thức tính tốc độ tăng trưởng. TFP là quan hệ giữa đầu ra với tổng hợp các yếu tố đầu vào bao gồm cả các yếu tố không định lượng được như công nghệ, trình độ quản lý…TFP phản ánh hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng vào sản xuất. Ngoài ra TFP còn phản ánh hiệu quả do thay đổi công nghệ, trình độ tay nghề của công nhân, trình độ quản lý, thời tiết...

Nâng cao TFP tức là nâng cao hơn kết quả sản xuất với cùng đầu vào. Điều này là rất quan trọng đối với người lao động, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Đối với người lao động, nâng cao TFP sẽ góp phần nâng lương, nâng thưởng, điều kiện lao động được cải thiện, công việc ổn định hơn. Đối với doanh nghiệp thì có khả năng mở rộng tái sản xuất. Còn đối với nền kinh tế sẽ nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, nâng cao phúc lợi xã hội.

Bằng cách thay đổi cơ cấu vốn, thay đổi công nghệ… đầu tư đã tác động không nhỏ tới sự phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất...

1.1.3.3. Tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế thông qua Mô hình tăng trưởng Harrod-Domar

Mô hình tăng trưởng

Trong những năm 1940, nhà kinh tế học người Anh là Roy Harrod và Evsey Domar người Mỹ đã đưa ra những lý thuyết để giải thích mối quan hệ giữa tăng trưởng và thất nghiệp trong xã hội tư bản.

Gọi tổng sản lượng quốc gia là Y Quy mô tổng vốn đầu tư là K

Giả thiết tỷ lệ vốn trên sản lượng là k Tỷ lệ tiết kiệm quốc gia là s

Giả định tổng đầu tư (I) mới bằng tổng tiết kiệm (S) Ta có: I = S = s.Y

Để tăng trưởng kinh tế phải đầu tư mới I và lượng đầu tư mới này tạo nên sự thay đổi vốn dự trữ cho nên: I = ∆K, mà k = K / Y = ∆K / ∆Y

Nên ta có: k = I / ∆Y => k = s.Y / ∆Y => ∆Y / Y = s / k

Đây là công thức đơn giản của Harrod-Domar trong lý thuyết tăng trưởng kinh tế. Công thức trên cho thấy tỷ suất tăng trưởng của sản lượng quốc gia được xác định bởi tỷ lệ tiết kiệm và tỷ lệ vốn trên sản lượng. Nền kinh tế có khả năng tiết kiệm càng nhiều thì sự tăng trưởng của sản lượng càng lớn và ngược lại. Như vậy, theo Harrod-Domar thì yếu tố quyết định tăng trưởng là tiết kiệm và hiệu quả từ việc sử dụng vốn đầu tư.

Mặt khác mức tăng trưởng còn phụ thuộc vào hiệu quả năng lực của đầu tư, nó thể hiện bằng sản lượng tăng thêm từ một đơn vị đầu tư tăng thêm (còn gọi là hệ số ICOR). Hệ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio - tỷ số gia tăng của vốn so với sản lượng) là tỷ số giữa quy mô đầu tư tăng thêm với mức gia tăng sản lượng, hay là suất đầu tư cần thiết để tạo ra một đơn vị sản lượng tăng thêm.

Về phương pháp tính, hệ số ICOR được tính bằng cách lấy Vốn đầu tư tăng thêm chia cho GDP tăng thêm, hay bằng Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP chia cho Tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cách tính này cho thấy nếu ICOR không đổi thì mức tăng GDP hoàn toàn phụ thuộc vào vốn đầu tư. Theo một số nghiên cứu của các nhà kinh tế, muốn giữ tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định thì tỷ lệ đầu tư phải chiếm khoảng trên 25% so với GDP, tùy thuộc vào ICOR mỗi nước.

Hệ số ICOR cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong một số trường hợp nhất định, hệ số ICOR được xem là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả đầu tư. ICOR giảm chứng tỏ để tạo ra một đơn vị GDP tăng thêm, nền kinh tế chỉ phải bỏ ra một lượng vốn đầu tư ít hơn, nếu các điều kiện khác ít thay đổi. Tuy nhiên ICOR cũng phải là chỉ tiêu hoàn hảo bởi vì

hệ số ICOR mới chỉ phản ánh ảnh hưởng của yếu tố vốn đầu tư mà chưa tính đến ảnh hưởng của các yếu tố sản xuất khác trong việc tạo ra GDP tăng thêm. Mặt khác ICOR cũng bỏ qua sự tác động của các ngoại ứng như điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, cơ chế chính sách…

ICOR của mỗi nước phụ thuộc vào nhiều nhân tố, thay đổi theo trình độ phát triển kinh tế và cơ chế chính sách trong nước. Ở các nước phát triển, ICOR thường lớn, từ 6 - 10 do thừa vốn và thiếu lao động, vốn được sử dụng nhiều để thay thế cho lao động do sử dụng công nghệ hiện đại với giá cao. Ở các nước chậm phát triển, ICOR thường thấp từ 3 - 5 do thiếu vốn, thừa lao động nên có thể và cần phải sử dụng lao động để thay thế cho vốn, do sử dụng công nghệ kém hiện đại, giá rẻ.

Đối với những nền kinh tế đang ở giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa, một hệ số ICOR ở mức cao nhưng thấp hơn 10 phản ánh thực tế đã có sự tùy tiện trong khâu lựa chọn dự án và quyết định đầu tư, thiếu những tính toán cụ thể về khả năng sinh lời hoặc khả năng hoàn vốn của dự án, vấp phải các vấn đề về thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nguyên liệu đầu vào, giá cả, sức cạnh tranh… Khi phê duyệt còn nặng về quy mô hình thức, thiên về lợi ích trước mắt, chưa quan tâm thực sự đến hiệu quả và lợi ích lâu dài của các dự án đầu tư.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của đầu tư đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh thái nguyên (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)