Mục tiêu đẩy nhanh quá trình QLRR của ngành Hải quan trong quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK trong những năm tới là khuyến khích tuân thủ pháp luật hải quan và các pháp luật có liên quan; phù hợp với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; hướng tới các chuẩn mực của Hải quan thế giới về QLRR; phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước…
QLRR phải là yếu tố cấu thành của quản lý hải quan theo nguyên tắc tuân thủ. Nói cách khác, hải quan Việt Nam cần nhất quán chuyển từ nặng về kiểm soát kết quả sang kiểm soát quá trình, nặng về kiểm soát hàng hóa, sang quản lý hoạt động XNK, nặng về kiểm soát từng chuyến hàng sang hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật pháp hải quan. Trong phương thức quản lý mới, QLRR phải được áp dụng trong tất cả các khâu của quá trình quản lý hải quan, từ khâu theo dõi, kiểm tra mọi mặt hoạt động củ doanh nghiệp thông qua hoạt động thu thập thông tin lẫn kiểm tra quá trình di chuyển của hàng hóa để có căn cứ ứng xử phù hợp khi quyết định cho hàng hóa thông quan đến quản lý sau thông quan. Như vậy trọng tâm của triển khai QLRR trong thời gian tới không phải là công chức kiểm soát ở cửa khẩu mà là công chức thu thập thông tin và công chức phân tích, xử lý và cung cấp thông tin thuận tiện.
Trong thời gian tới Cục Hải Quan Hà Nội có các định hướng sau: - Hình thành nền tảng nhận thức thống nhất về công tác quản lý rủi ro
Quản lỷ rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan được nhận thức một cách đầy đủ, thống nhất, trên cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ của Hải quan thế giới và thực tiễn Việt Nam.
Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; thống nhất về nội dung, kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện công tác này.
Nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan được phố biến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và trong cộng đồng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phối hợp trong triển khai thực hiện.
- Tạo hành lang pháp lý và hệ thống quy trình nghiệp vụ áp dụng quản lý rủi ro hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai sâu rộng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Cục Hành lang pháp lý, hệ thống quy trình nghiệp vụ đang áp dụng về QLRR cơ bản được hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất từ văn bản Luật, Nghị định, Thông tư đến các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
Hình thành cơ chế theo dõi, phản hồi, đánh giá những bất cập về pháp luật, chính sách, quy trình, thủ tục là kẽ hở mà các đối tượng có thể lợi dụng trong cơ chế quản lý của ngành để kiến nghị, điều chỉnh bổ sung kịp thời.
- Tổ chức công tác thu thập, xử lý thông tin đảm bảo yêu cầu cập nhật, chia sẻ kịp thời, hiệu quả, chuyên nghiệp, chuyên sâu, góp phần tích cực cải cách, hiện đại hóa hải quan
Hệ thống thông tin, dữ liệu tích hợp tập trung được áp dụng triệt để, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trao đổi, chia sẻ thông tin với các Sở, ngành và Hệ thống thông tin hải quan một cửa quốc gia.
Hoạt động thu thập, xử lý thông tin được tổ chức, kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ; hình thành đơn vị đầu mối để điều phối thống nhất công tác này trong phạm vi toàn Cục.
- Triển khai áp dụng quản lý rủi ro toàn diện và có hệ thống trong các khâu hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Quản lý rủi ro được triển khai mở rộng, đáp ứng yêu cầu triển khai Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan và yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan.
Các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ QLRR từng bước được hoàn thiện, trên cơ sở nâng cao năng lực phân tích, đánh giá rủi ro, quản lý tuân thủ doanh nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong công tác quản lý hải quan.
- Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; ứng dụng các hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý rủi ro.
Hệ thống thông tin, dữ liệu tập trung được nâng cấp, ứng dụng đáp ứng đầy đủ thông tin phục vụ quản lý rủi ro;
Các phần mềm ứng dụng được phát triển, đảm bảo cung cấp đầy đủ chức năng phân tích, đánh giá rủi ro đáp ứng cho các yêu cầu nghiệp vụ hải quan;
Kết cấu hạ tầng mạng đảm bảo việc đồng bộ hóa dữ liệu và thông suốt hệ thống, đề xuất khắc phục cơ bản các lỗi hệ thống và tắc nghẽn đường truyền dữ liệu.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro ở cấp Cục và Chi cục Hải quan và đơn vị thu thập, xử lý thông tin, quản lý rủi ro ở các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn thuộc Cục (Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan) vừa đảm bảo tính hệ thống, vừa đảm bảo tính đặc thù, đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách hiện đại hóa hải quan.
Các đơn vị chuyên trách QLRR được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu về nghiệp vụ, đảm bảo về số lượng, chất lượng của CBCC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;
Chức năng, nhiệm vụ của hệ thống đơn vị chuyên trách QLRR được hoàn thiện theo hướng đảm nhận vai trò chủ trì thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin và phân tích, đánh giá rủi ro, tạo ra nền tảng thông tin để thống nhất, định hướng hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát theo rủi ro được xác định trong từng lĩnh vực hải quan;
Các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn (Đội Kiểm soát Hải quan, Chi cục Kiểm tra sau thông quan) xây dựng, củng cố bộ phận nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, quản lý rủi ro đảm bảo yêu cầu vừa tiếp nhận, chia sẻ thông tin với đơn vị chuyên trách thông tin nghiệp vụ và quản lý rủi ro vừa trực tiếp thực hiện áp dụng quản lý rủi ro phù hợp với nghiệp vụ đặc thù.
Đến năm 2025, toàn bộ số cán bộ, công chức sẽ được đào tạo kiến thức cơ bản về QLRR; trong đó, trên 70% cán bộ, công chức làm công tác chuyên trách quản lý rủi ro có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có khả năng chủ động và độc lập thực hiện được nhiệm vụ công tác được giao.