5. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Những lợi thế của huyện Thanh Thủy trong phát triển du lịch
Thanh Thủy là một huyện miền núi hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và bền vững ngành du lịch, là một trong 2 khu du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.
Du lịch, thương mại là lĩnh vực có nhiều lợi thế do huyện có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông (cả về đường bộ lẫn đường thuỷ) mở ra khả giao lưu văn hoá, kinh tế với các huyện của tỉnh Phú Thọ, với các tỉnh phía Tây Bắc và đặc biệt là với thủ đô Hà Nội. Khí hậu Thanh Thủy mang đậm đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa ảnh hưởng tích cực đến phát triển du lịch.
Thanh Thủy có tài nguyên nước rất dồi dào có dòng Sông Đà là một trong những con sông lớn của miền Bắc chạy dọc theo chiều dài của huyện, ngoài khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt còn là điều kiện thuận lợi để hình thành vùng chuyên canh nông nghiệp manh tính sản xuất hàng hóa lớn và phát triển du lịch trên sông. Đặc biệt có nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên quý hiếm đã được Liên hiệp khoa học địa chất Việt Nam công nhận. Thương hiệu nước khoáng nóng Thanh Thủy đã nổi tiếng trong những năm qua, thành phần nước nhiều khoáng chất, đặc biệt có hàm lượng radon cao, dùng nước khoáng nóng để tắm và uống có thể chữa một số bệnh và tăng cường sức khỏe.
Chính các điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho Thanh Thủy một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch sinh thái...
Bên cạnh đó, văn hóa lịch sử cách mạng, văn hóa tâm linh đặc trưng và giáp ranh Hà Nội là điều kiện hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh du lịch, thương mại. Thanh Thủy còn là nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam với 36 di tích lịch sử đã được xếp hạng trong đó có 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia: Đình Đào Xá; đền Tam Công xã Đào Xá; đình Hạ Bì Trung xã Xuân Lộc; tượng đài chiến thắng Tu Vũ; đền Lăng Sương xã Trung Nghĩa, cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc... tạo nên một không gian văn hóa vô cùng thiêng liêng có sức hấp dẫn mới, tăng sự thu hút khách và kéo dài thời gian lễ hội.
Ngoài ra, các lễ hội truyền thống độc đáo của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, được tổ chức thường xuyên hàng năm với nhiều nét đặc trưng riêng tạo nên sức cuốn hút đối với du khách như: Lễ hội rước kiệu - đền Lăng Sương, lễ hội rước Voi - đình Đào Xá, lễ hội Vật - đền Ngọc Sơn, lễ hội cướp Cây Bông - đình La Phù; lễ hội bơi trải - đền Tam Công, đình Hạ Bì Trung xã Xuân Lộc.
Văn nghệ dân gian huyện Thanh Thuỷ với một số thể loại tiêu biểu như: hát Xoan; hát Ghẹo; hát Chèo cổ; hát Văn Lạc Việt; diễn tấu Cồng chiêng; múa Xuân ngưu; múa rối, hát Ví, hát Giang của đồng bào Mường xã Yến Mao, Phượng Mao.
Tình hình chính trị tại huyện ổn định, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế phát triển đạt mức tăng trưởng khá; hệ thống cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; công tác xã hội hóa ngày càng được đẩy mạnh thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch.
Từ những lợi thế trên Thanh Thủy sẽ thuận lợi để phát triển du lịch, là một trọng 2 huyện du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ.