Thứ nhất, nhà nước cần đưa ra những chính sách khuyến khích việc xã hội hóa đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT của nước ta vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, nói là đào tạo nhân lực cao cấp, nhưng thực tế chúng ta mới đào tạo ở mức đại trà. Do đó cần tập trung vào việc "xã hội hóa" vấn đề đào tạo nhân lực CNTT, tập trung bù đắp sự thiếu hụt nhân lực dưới ĐH, và đổi mới về lâu dài tư duy đào tạo nhân lực cao cấp. Nhà nước cần ban hành các quy chuẩn về chất lượng các chương trình đào tạo và cơ chế đào tạo để đáp ứng tốt nhu cầu về đào tạo nhân lực cao cấp. Khi Nhà nước chuẩn hoá chương trình đào tạo chất lượng cao đối với lĩnh vực công thông thì nhân lực trẻ tại Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp cận được công nghệ và năng lực nhân lực CNTT tại Việt Nam sẽ có những thay đổi đột phá.
Thứ hai, cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ giữa cung (các trường đại học) và
cầu (các công ty), đào tạo theo "đơn đặt hàng". Hiện tại, nhu cầu nhân lực tại VN đang tăng trong mỗi lĩnh vực, vì lý do kinh tế đang phát triển và các công ty nước ngoài đang tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Trình độ, kỹ năng và chất lượng chưa đáp ứng được sự mong muốn của người thuê nhân công. Điều nay cũng dễ hiểu vì đã lâu nay, chúng ta chưa quan tâm đủ đến đào tạo nhân lực cho kinh tế thị trường.
Thứ ba, nhà nước cần có cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo nhân lực CNTT. Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng hệ thống chuẩn chất lượng đào tạo
CNTT. Ngành giáo dục vẫn chưa có được hệ thống văn bằng quốc gia, khiến công tác này thiếu sự chuẩn hóa và liên thông. Ðã đến lúc phải xây dựng những hệ thống chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo CNTT như cơ sở vật chất, giáo trình, trình độ giáo viên, môi trường thực hành và chất lượng nhân lực sau đào tạo, rồi kiến thức chuyên ngành, độ sẵn sàng, trình độ kỹ năng, sáng tạo... Bên cạnh đó, xã hội cũng cần thay đổi các quan niệm cũ về đào tạo trong lĩnh vực này.