TỔNG HỢP KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu 025 ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 83 - 84)

Bài khóa luận tập trung làm rõ tác động đòn bẩy tài chính đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng đã niêm yết tại Việt Nam. Các biến đại diện cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được sử dụng trong mô hình là ROA và ROE; các biến phản ánh đòn bẩy tài là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (FL), hệ số thanh toán hiện hành (CR), hệ số thanh toán nhanh (QR). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đưa vào mô hình các biến kiểm soát gồm quy mô doanh nghiệp (SIZE), biên lợi nhuận gộp (GM), tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản (LIQ), vòng quay tổng tài sản (TURN), chỉ số tài sản cố định trên tổng tài sản (TANG), tỷ lệ tăng trưởng GDP (GDP), tỷ lệ lạm phát (INF). Qua việc kiểm định hồi quy các mô hình pooled OLS, FEM, REM, GLS kết quả cuối cùng thu được như sau:

Đối với các biến kiểm soát cụ thể: Biến quy mô công ty (SIZE) không cho ý nghĩa với cả 2 mô hình với biến phụ thuộc là ROA và ROE. Điều này trái với một số nghiên cứu trước đó như của Zahoor (2015) khi nghiên cứu này cho rằng SIZE có quan hệ cùng chiều với ROA. 2 biến biên lợi nhuận gộp (GM) và vòng quay tổng tài sản (TURN) cho thấy kết quả tương quan cao và cùng chiều với cả biến ROA và ROE. Điều này tương đồng với các nghiên cứu trước đây như của Trần Thị Tuấn Anh và Đặng Thị Thu Thủy (2017), Valentin(2013). Theo đó nghiên cứu cho rằng, ở nhóm doanh nghiệp xây dựng, doanh thu thuần hay lợi nhuận gộp (đã khấu trừ giá vốn hàng bán) đều phản ánh sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ở biến tỷ lệ tài sản ngắn hạn trên tổng tài sản (LIQ), kết quả kiểm định không cho thấy mối quan hệ nào với các biến phụ thuộc. Điều này trái ngược với giả thuyết cũng như các nghiên cứu trước đó như của Alfredo Grau và Araceli Reig (2020). Với biến chỉ số tài sản cố định trên tổng tài sản (TANG), kết quả cho thấy mối quan hệ cùng chiều với biến ROE tại mô hình hồi quy GLS. Theo đó việc tăng lên của tài sản cố định sẽ đi kèm với sự gia tăng về lợi nhuận của doanh nghiệp trên tổng vốn chủ sở hữu, tuy nhiên lại không có ý nghĩa khi xét trên tổng tài sản, điều này sẽ có ý nghĩa trong việc sử dụng nợ của công ty khi các công ty này có thể sử dụng tài sản cố định với mục đích làm tài sản đảm bảo phục vụ cho nhu cầu vay mượn. Điều này đúng

so với những nghiên cứu trước đây như nghiên cứu của Ngô Văn Toàn và Hồ Thủy Tiên (2020). Với 2 biến kiểm soát vĩ mô tốc độ tăng trưởng GDP (GDP) và tỷ lệ lạm phát (INF), kết quả kiểm định mô hình đều cho thấy sự tác động đến cả 2 biến phụ thuộc ROA và ROE ở mức độ tin cậy cao, cụ thể GDP cho tác động cùng chiều và INF cho tác động ngược chiều. Điều này đúng với giả thuyết đã đề ra cũng như các nghiên cứu trước đây như Ilhan Dalci (2018) hay Phạm Ánh Tuyết (2017).

Ở nhóm biến độc lập: Với hệ số thanh toán hiện hành (CR), kết quả không cho thấy mối tương quan với biến ROE và ROA ở các mô hình hồi quy. Điều này khác với các bài viết trước đây như nghiên cứu của Chesang David (2017). Biến hệ số thanh toán nhanh (QR) cho mối quan hệ cùng chiều với biến ROA. Điều này đúng so với giả thuyết và các nghiên cứu trước đây như của Trần Thị Thanh Vân (2014). Theo đó, việc thanh toàn các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp bằng tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt hay các khoản phải thu ngắn hạn,... sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cụ thể là ở việc đẩy cao hệ số khả năng sinh lời trên tổng tài sản.

Cuối cùng, với biến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (FL), có thể thấy biến cho ý nghĩa với cả 2 biến ROE và ROA, cụ thể cho mối quan hệ cùng chiều với ROE với khoảng tin cậy 90%. Điều này đúng so với các nghiên cứu trước đó, như nghiên cứu của Abor (2005), Idah Zuhroh (2019), Faisal Mahmood và cộng sự (2019), nhưng ngược lại với một số các nghiên cứu khác như của Trần Thị Tuấn Anh và cộng sự (2017). Tuy nhiên, FL cũng cho thấy mối quan hệ ngược chiều với biến ROA với khoảng tin cậy 99%. Kết quả này giống với các nghiên cứu trước đây như của Ngô Văn Toàn và cộng sự (2020), Dwi Kartikasari và cộng sự (2016),. Kết luận cho thấy, khi doanh nghiệp ngành xây dựng tăng đòn bẩy tài chính sẽ giúp chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng cao, nhưng việc này sẽ làm giảm mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh khi việc vay nợ không đi đôi với sự gia tăng về lợi nhuận mà doanh nghiệp còn phải chịu thêm các khoản về chi phí lãi vay và sức ép từ việc thanh toán lãi, hay nói cách khác là tổng tài sản không đủ khả năng tạo ra mức sinh lời để lấp đi những chi phí do nợ vay khiến ROA giảm.

Một phần của tài liệu 025 ảnh hưởng của đòn bẩy tài chính tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 83 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(109 trang)
w