Việc đánh giá về những yếu tố kinh tế vĩ mô của một quốc gia luôn đóng vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư cũng như hiệu quả về hoạt động của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, điều này cũng đóng góp những ảnh hưởng lớn, đặc biệt là khi phân tích về các nhóm doanh nghiệp và cụ thể là nhóm ngành xây dựng.
Tăng trường GDP
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Kinh tế thế giới trải qua đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng GDP với 2,9%.
Hình 2. 1 Tốc độ tăng trưởng GDP từ năm 2011-2020 tại Việt Nam
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Nhóm nông, lâm, thủy sản, tăng trưởng từ nhóm sản xuất tôm, trồng cây lâu năm và một số sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng tốt giúp tốc độ tăng trưởng của nhóm này đạt 2.68% cao hơn so với 2019 khoảng 2,01%. Nhóm công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 3,98% với sự dẫn đầu bởi nhóm ngành công nghiệp chế biến.
Nhóm ngành bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng giảm ở mức 1,2% trong 2 quý đầu và phục hồi nhanh chóng trong 2 quý cuối năm lên tới 6,2%. Đặc biệt, việc xuất khẩu đạt mức cao trong bối cảnh đại dịch là một thành công lớn cho kinh tế nước nhà qua việc duy trì cán cân thương mại, xuất siêu tăng kỷ lục và đạt được những hiệu định thương mại tự do.
Theo dự báo của Vina Capital, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam có thể sẽ tăng từ 2,9% tại năm 2020 lên tới 6,5-7% trong năm 2021. Điều này được thúc đẩy từ việc gia tăng tiêu dùng trong nước cũng như gia tăng về sản xuất. Ngoài ra, tiêu dùng nội địa cũng được dự báo sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 9% và sản lượng sẽ tăng gấp đôi lên 12% trong năm 2021. Ngoài ra hoạt động sản xuất của Việt Nam được thúc đẩy bởi nhu cầu của Hoa Kỳ và EU đối với các sản phẩm như máy tính xách tay, đồ nội thất văn phòng và thiết bị thể dục tại nhà. Theo đó, doanh số bán lẻ và sản xuất của Việt Nam tại Mỹ đã tăng nhanh hàng tháng kể từ khi bùng phát đại dịch COVID lần thứ 2 vào tháng 7 và tháng 8 năm 2020, và có thể dễ dàng duy trì trong trong năm 2021.
Chỉ số lạm phát CPI
Năm 2020, lạm phát CPI của Việt Nam đạt đỉnh trên 6% so với cùng kỳ vào tháng 1, nhưng sau đó giảm xuống gần 0% vào tháng 12, dẫn đến tỷ lệ lạm phát trung bình vào khoảng 3%. Trong năm 2021, chỉ số lạm phát được dự báo sẽ tăng trở lại trong quý 2 và dao động khoảng 2-3% trong thời gian còn lại.
Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam bị thúc đẩy bởi dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Giá thịt lợn ở Việt Nam tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái (thịt lợn chiếm hơn 3% trong CPI của Việt Nam và thực phẩm chiếm ~ 35%). Dịch tả lợn Châu Phi đã hoàn toàn được kiểm soát vào giữa năm 2020 và đàn lợn của Việt Nam đã phục hồi kể từ thời điểm đó, vì vậy giá thịt lợn đã giảm 3% so với đầu năm của năm 2020.
Tỉ giá đồng Việt Nam
Thặng dư thương mại của Việt Nam tăng vọt từ 10,9 tỷ USD năm 2019 (4% GDP), lên hơn 19 tỷ USD vào năm 2020 (7% GDP), được thúc đẩy bởi xuất khẩu hàng hóa (Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 25% trong năm ngoái và xuất khẩu
hàng điện tử tăng 24%). Ngoài ra, dòng vốn FDI vẫn trên 8% GDP và lượng kiều hối từ Việt kiều có khả năng duy trì trên 6% GDP vào năm 2020. Tất cả điều này đều hỗ trợ giá trị của đồng Việt Nam và cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có được dự trữ ngoại hối đạt trị giá khoảng 20 tỷ USD vào năm 2020 - nâng tổng dự trữ ngoại hối của quốc gia lên gần 100 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất khẩu của 5 tháng hoặc 35% GDP. Do đó, tỷ giá USD/VND gần như không thay đổi vào năm 2020 và giảm trong biên độ hẹp khoảng 23.200 cả năm.
Đồng Việt Nam được dự kiến sẽ tăng giá nhẹ vào năm 2021, bởi vì tất cả những mặt tích cực của nền kinh tế có khả năng vẫn duy trì vào năm 2021.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Dòng vốn FDI giải ngân của Việt Nam chỉ giảm 2% vào năm 2020, xuống 20 tỷ USD, mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang lan rộng, và lượng đầu tư FDI mới theo kế hoạch chỉ giảm 7% (xuống 21 tỷ USD), sau khi đã tăng 7% trong năm 2019, tất cả điều này có nghĩa là dòng vốn FDI có khả năng vẫn ổn định trong năm 2021. Các công ty đa quốc gia tiếp tục đổ vốn FDI vào Việt Nam, nhằm đa dạng hóa sản xuất của họ khỏi Trung Quốc, bởi dịch COVID-19 đã cho các công ty thấy rằng họ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc làm cơ sở sản xuất và cũng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà cựu tổng thống Mỹ khởi xướng khó có thể biến mất dưới thời kỳ của tổng thống đương nhiệm.