Bám sát toàn quy trình tín dụng cho vay đã được đề ra, không được vận dụng hay bỏ sót một quy trình nào. Thường thì một chính sách, quy trình cho vay phải luôn thay đổi, cập nhật thông tin mới, đưa ra chính sách mới theo kịp với xu hướng phát triển kinh tế địa phương, kinh tế đất nước. Lãnh đạo ngân hàng nên quan tâm sâu sát với tình hình thực tế địa bàn mình quản lý để kịp thời đưa ra chính sách, kiến nghị với cấp trên cho phù hợp, giúp cho việc điều hành bộ máy của ngân hàng hoạt động tốt hơn.
Hơn thế nữa, một chính sách cho vay ngắn hạn hợp lý phải đáp ứng được các yêu cầu: lãi suất cạnh tranh đảm bảo lợi nhuận cho Ngân hàng, kỳ hạn nhiều thoả mãn được các yêu cầu của khách hàng, về tài sản đảm bảo: vừa đáp ứng được yêu cầu của Ngân hàng, đồng thời cũng đảm bảo an toàn đối với khoản cho vay của Ngân hàng. . .Để làm được điều đó, hiện nay NHNo&PTNT đã và đang thực hiện một số biện pháp sau:
- Phân loại khách hàng
Hiện nay, phương pháp chấm điểm tín dụng để phân loại khách hàng đang được áp dụng khá phổ biến tại các Ngân hàng ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Theo phương pháp này, doanh nghiệp xin vay vốn sẽ được đánh giá trên các mặt: khả năng tài chính, khả năng quản lý – điều hành kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngành nghề chính mà doanh nghiệp kinh doanh,. . .Tổng số điểm của khách hàng sẽ là tổng điểm của các chi tiêu trên với trọng số tương ứng. Trên cơ sở so sánh tổng điểm với tiêu chuẩn cụ thể, Ngân hàng có thể đưa ra nhận xét về doanh nghiệp theo các mức: A, B, C, D từ đó Ngân hàng có biện pháp xử lý phù hợp. Như vậy, sẽ nâng cao tính hiệu quả của công tác thẩm định tín dụng, tạo sự khách quan trong đánh giá khách hàng, đồng thời góp phần rút ngắn thời gian thẩm định của cán bộ tín dụng. Điểm mấu chốt của phương pháp này là phải xây dựng được hệ thống
chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp trên các mặt một cách chính xác, đồng thời phải xây dựng được vai trò của mỗi chỉ tiêu trong việc quyết định các chỉ tiêu khác cũng như quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một điều cần chú ý, đó là: Ngân hàng phải thường xuyên điều chỉnh trọng số của các chỉ tiêu cũng như việc thêm hay bớt các chỉ tiêu trong việc đánh giá sao cho phù hợp với tình hình của ngân hàng nói riêng cũng như tình hình kinh tế cả nước nói chung. Thực tế cho thấy, NHNo&PTNT chi nhánh tỉnh Phú Thọ nói riêng và các Ngân hàng khác thường chỉ quan tâm đến chỉ tiêu đánh giá tài sản đảm bảo và khả năng thanh toán hiện hành, trong khi đó lại quên rằng nguồn trả nợ lấy từ thu nhập do sử dụng khoản vay đem lại.
- Hạn mức cho vay
Ngân hàng sẽ tài trợ cho khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân theo hạn mức nhất định. Số lượng tài trợ có thể được chia nhỏ trong các khoảng thời gian khác nhau dưới các hình thức tiền tệ khác nhau, như vậy sẽ góp phần giảm bớt rủi ro cho Ngân hàng, nâng cao chất lượng cho vay của Ngân hàng.