5. Bố cục của luận văn
4.3.1. Nâng cao năng lực tài chính
4.3.1.1. Tăng vốn chủ sở hữu
Công ty cần sớm triển khai tăng vốn Điều lệ: Theo xu hướng thị trường, giá trị cổ phiếu của Công ty CP Viglacera Hạ Long (mã VHL) đã tăng từ mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu (ngày 01/08/2014) lên 27.000 đồng/cổ phiếu (ngày 09/12/2014). Bên cạnh đó, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty có nhiều cải thiện đột biến trong năm 2014 với mức lợi nhuận cả năm 2014 là 50 tỷ đồng. Do đó, Công ty nên thống nhất điều chỉnh phương án phát hành tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ lên 160 tỷ đến thời điểm quý IV-2014 và đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.
4.3.1.2. Giảm thiểu chi phí sản xuất - kinh doanh
- Tiếp tục thực hiện quyết liệt Chương trình hành động của VIGLACERA HẠ LONG về thực hành tiết kiệm, tiết giảm các chi phí; quản lý chặt chẽ từng lĩnh vực, từng khâu công nghệ và các công việc cụ thể để kịp thời khắc phục những bất hợp lý. Phát huy tối đa nguồn lực tại các chi nhánh trong toàn Công ty để tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm giá thành tại các chi nhánh 1,5%.
- Tiếp tục quan tâm đặc biệt công tác tiêu thụ sản phẩm; theo dõi sát diễn biến của thị trường, củng cố hệ thống tiêu thụ, mở rộng thị trường, duy trì các khách hàng truyền thống và làm tốt công tác tiếp thị với khách hàng tiềm năng, từng bước tăng thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm thị trường để xuất khẩu.
- Nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật, rà soát các chỉ tiêu tiêu hao, khoán giá thành, chi phí tiết kiệm bắt buộc; tăng cường công tác sáng kiến tiết kiệm, cải tiến, hợp lý hóa sản xuất. Đồng thời thành lập các Tổ chuyên nghiên cứu để thực hiện việc tiết kiệm ở các lĩnh vực như: tổ nghiên cứu tiết kiệm năng lượng điện, xăng dầu…
- Quan tâm kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa máy móc thiết bị và nhà xưởng; rà soát các hạng mục sữa chữa thiết bị, tài sản cố định thực sự cần thiết; quản lý chặt chẽ chi phí sữa chữa lớn, chi phí sữa chữa thường xuyên.
- Tăng cường công tác quản lý tài chính, quản lý chặt chẽ các chi phí, giá thành, chất lượng vật tư, hàng hóa, nguyên nhiên liệu đầu vào, hàng tồn kho tại các chi nhánh; duy trì kiểm tra, kiểm soát nội bộ, thường xuyên phân tích tình hình tài chính để làm rõ các nguyên nhân tăng, giảm chi phí. Tích cực làm việc với các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng khác để huy động đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các Dự án đầu tư.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy chế cho phù hợp để tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh thực hiện các quy định của VIGLACERA HẠ LONG, nhất là các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố thiết bị nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất.
4.3.1.3. Giảm thiểu chi phí quản lý
Như ta biết, chi phí quản lý doanh nghiệp là những khoản chi phí có liên quan chung đến toàn bộ hoạt động của cả doanh nghiệp mà không tách riêng được cho bất kỳ hoạt động nào. Chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm: chi phí nhân viên quản lý, chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác. Để có thể thực hiện được giảm thiểu các chi phí quản lý doanh nghiệp, công ty CP Viglacera nên:
Trước hết, Công ty phải lập định mức chi phí, cụ thể là định mức cho các khoản chi phí theo những tiêu chuẩn gắn với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở phân tích hoạt động của Công ty. Như vậy, Công ty phải nghiên cứu các dữ liệu trước đây, đưa ra một sự so sánh chuẩn cũng như căn cứ vào diễn biến giá cả trên thị trường và chiến lược phát triển của công ty.
Bước kế tiếp là thu thập thông tin về chi phí thực tế. Công việc này không chỉ là trách nhiệm của phòng kế toán, mà còn phảiđược sự tham gia của các phòng, ban khác để Công ty chủ động hơn trong việc xử lý thông tin chi phí. Các chi phí phải được phân bổ thành từng loại cụ thể. Ngoài ra, Công ty phải phân tích biến động giá cả trên thị trường theo định kỳ, dựa trên những thông tin chi phí thực tế và so sánh với định mức đã thiết lập để dễ dàng xác định sự khác biệt giữa chi phí thực tế với định mức, đồng thời khoanh vùng những nơi phát sinh chi phí biến động. Sau khi điều tra và biết được nguyên nhân biến động chi phí, Công ty sẽ xác định các chi phí và kiểm soát được của từng bộ phận nhân viên quản lý.
Cuối cùng, Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty phải thường xuyên đánh giá, phân tích các báo cáo chi phí cũng như có cách ứng xử thích hợp với nhân viên quản lý trong việc kiểm soát chi phí, đưa ra các chế độ thưởng phạt hợp lý.
4.3.1.4. Tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh
Quy mô vốn góp ban đầu của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên, số vốn này cần được tăng theo quy mô phát triển của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì đấy là yếu tố thuận lợi để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp. Nguồn lợi nhuận
để lại có tác động rất lớn đến nguồn vốn kinh doanh, tạo điều kiện cho Công ty thu được lợi nhuận cao hơn trong các năm tiếp theo. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ làm tăng doanh thu, lợi nhuận, từ đó tăng lượng lợi nhuận giữ lại vào vốn chủ sở hữu, mở rộng sản xuất kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty cần chú trọng đến một số công tác như:
Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Viglacera Hạ Long bằng việc nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm
Công ty xác định mục tiêu xuyên suốt đồng thời khẳng định sự phát triển bền vững của Công ty chính là chất lượng sản phẩm. Tăng cường kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, thực hiện đúng các thông số kỹ thuật công nghệ tại các công đoạn sản xuất.
Trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc sản phẩm có chất lượng tốt thì yếu tố giá thành hợp lý cũng tạo sức cạnh tranh tốt cho sản phẩm. Trong năm 2014 việc kiểm soát chi phí sản xuất kinh doanh đã có bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, việc kiểm soát thường xuyên, giảm thiểu các chi phí bất hợp lý, các hao hụt công đoạn là rất cần thiết. Bám sát các chỉ tiêu sản lượng sản xuất, các định mức tiêu hao để chấn chỉnh kịp thời các yếu tố gia tăng chi phí. Bên cạnh đó cần phát huy hiệu quả các dự án đầu tư bổ sung đảm bảo tiết kiệm tối đa chi phí.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng cường thu hồi nợ
Xây dựng lại hệ thống Đại lý trên toàn quốc trên cơ sở lựa chọn các Đại lý có năng lực. Xây dựng chính sách bán hàng ổn định, đẩy mạnh tiệu thụ các sản phẩm có giá trị cao, bảo hộ khu vực thị trường. Tăng cường phát triển thương hiệu Viglacera Hạ Long qua các kênh: Hội chợ, các phương tiện báo đài, mở thêm hệ thống Showroom tại các thành phố lớn trên cả nước. Tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm giảm áp lực bán hàng trong nước qua đó cân đối được nguồn ngoại tệ đáp ứng nhập khẩu nguyên liệu.
Lập kế hoạch và thực hiện giảm dư nợ phải thu hằng tháng đối với từng vùng miền. Duy trì việc bán hàng thu tiền trong tháng nâng cao vòng quay nợ phải thu.
Trong giai đoạn hiện nay, Công ty nên chuyển sang bán hàng trực tiếp hoặc giảm bớt kênh trung gian vì như vậy một mặt thông tin phản hồi từ khách hàng được chính xác hơn, giá bán sản phẩm đến người tiêu dùng hợp lý thúc đẩy quá trình tiêu thụ tốt hơn.
Tăng cường phát triển thương hiệu và hình ảnh của Công ty thông qua các hình thức:
Phát huy tối đa hoạt động của các showroom tại Hà Nội, miền Trung, miền Nam, đồng thời kết hợp với các Tổng đại lý xây dựng các showroom bán hàng tại các Thành phố lớn khác nhằm quảng bá thương hiệu của Công ty đến với khách hàng.
Tham gia các hội chợ chuyên ngành vật liệu xây dựng để tăng cường quảng bá hình ảnh và tìm kiếm thêm khách hàng mới cho Công ty.
Hiện nay Công ty đã có website riêng để quảng bá thương hiệu cho mình, tuy nhiên trang web này còn chưa cập nhật, thông tin chưa phong phú. Chính vì vậy trong thời gian tới Công ty cần có biện pháp cải thiện, xây dựng trang web mới, cập nhật, thu hút hơn nữa về hoạt động của Công ty, đặc biệt là các hình ảnh về sản phẩm của Công ty nhằm tạo ấn tượng tốt, thu hút khách hàng. Ngoài ra có thể mở rộng hình thức quảng cáo thông qua các kênh truyền hình, tạp chí,...
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đòi hỏi Công ty phải có những kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, xây dựng chiến lược sản phẩm, chiến lược cạnh tranh của Công ty...Đó là kết quả của việc tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp đối với sản phẩm, đối với con người trong Công ty.