Tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát chi chương trình mục tiêu quốc gia qua kho bạc nhà nước thái nguyên (Trang 38 - 44)

5. Kết cấu của đề tài

3.1.2. Tình hình thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn

Nguyên giai đoạn 2009 - 2013

Theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên về Kế hoạch các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 và các Nghị quyết về dự toán ngân sách địa phương hàng năm, trong đó có nội dung chi thực hiện các Chương trình mục tiêu. Từ năm 2009 - 2013, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 13 Chương trình MTQG, với tổng kinh phí được giao là 1.224.414 triệu đồng; 07 chương trình, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có cơ chế quản lý tương tự như đối với Chương trình MTQG, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW (sau đây gọi chung là các CTMT), với tổng kinh phí được giao là 663.858 triệu đồng. Qua quá trình triển khai thực hiện, công tác chỉ đạo, quản lý và sử dụng nguồn vốn các CTMT trên địa bàn tỉnh đã từng bước hoàn thiện và đạt được những kết quả

tích cực góp phần tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh. Có thể đánh giá trên một số mặt sau:

3.1.2.1. Kết quả đạt được

- Trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các CTMT:

Trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2006 - 2010 và kế hoạch của riêng năm 2013 trong khi chờ hướng dẫn của Chính phủ đối với giai đoạn mới. Tỉnh đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình phù hợp với quy định của Chính phủ và sự chỉ đạo của các bộ, ngành quản lý CTMT. Kiện toàn lại Ban chỉ đạo các CTMT của tỉnh; thành lập các Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án của từng chương trình. Xây dựng cơ chế chỉ đạo điều hành và phối hợp thực hiện giữa các ngành, các cấp và các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sớm ban hành những chính sách khuyến khích xã hội hóa các nguồn lực, do đó đã huy động được thêm nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án ngoài nguồn vốn của trung ương như: vốn đối ứng trên cơ sở nguồn vượt thu của ngân sách các cấp chính quyền địa phương; vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hỗ trợ; vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động… để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, phát huy được vai trò, cơ chế giám sát của cả hệ thống chính trị, nhất là sự giám sát có hiệu quả của Cấp ủy, Hội đồng Nhân dân các cấp và cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể ngày càng Hoàn thiện, chặt chẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực thanh, quyết toán vốn đầu tư và công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Qua đó, đã kịp thời xử lý những vướng mắc và chấn chỉnh những sai phạm trong quá trình tổ chức và triển khai thực hiện.

- Trong công tác lập, phân bổ dự toán kinh phí CTMT và chấp hành

Quá trình lập và giao dự toán nhìn chung đã kịp thời hơn và chấp hành đúng quy định về đối tượng, nội dung, tiêu chí phân bổ vốn. Cơ bản đã chấp hành nghiêm chế độ quản lý tài chính trong quản lý và thực hiện các CTMT. Công tác giải ngân nhìn chung đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án; tỷ lệ giải ngân hàng năm đều đạt trên 90%, nhiều chương trình đạt 100%.

- Về kết quả thực hiện mục tiêu của các CTMT:

Kết quả lớn nhất mà các CTMT mang lại là tạo được sự chuyển biến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các xã miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đã hoàn thành kế hoạch, trong đó có các chỉ tiêu lớn như: Chương trình Xóa đói, giảm nghèo đã giúp 58,7 ngàn hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) xuống dưới 10%; Chương trình Việc làm trong 2 năm giải quyết việc làm cho 30,7 ngàn người, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 3,3% năm 2010 xuống còn 3% năm 2012; Chương trình Y tế trong 2 năm đã xây dựng được 35 trạm y tế xã, hỗ trợ 46 trạm y tế xã để đạt chuẩn quốc gia, cải tạo nâng cấp một số bệnh viện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm nhanh và bền vững…; Chương trình Giáo dục đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, cơ sở vật chất trường học được tăng cường…; phủ sóng phát thanh, truyền hình trong toàn tỉnh…

Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội được tăng cường đầu tư. Đại bộ phận nông dân trên địa bàn các huyện miền núi được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật; được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển và bảo vệ rừng; được hỗ trợ về giống, phân bón, máy móc; giúp cho đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo có đất sản xuất, có nhà ở, ổn định cuộc sống…

Đồng thời, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các CTMT cũng giúp thay đổi nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư về vai trò, tầm quan trọng của các CTMT trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

của địa phương; góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống nhân dân…

3.1.2.2. Những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện các CTMT cũng bộc lộ nhiều hạn chế:

Công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành nhiều khi chưa đồng bộ, thống nhất. Việc phân công đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ, giao dự toán vốn CTMT, vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương để thực hiện các CTMT còn chưa cụ thể, rõ ràng, vai trò của đơn vị chủ trì thực hiện chưa được phát huy. Ví dụ: Chương trình MTQG về Việc làm nhưng vai trò của Sở Lao động Thương binh Xã hội lại khá thụ động vì UBND tỉnh giao dự toán trực tiếp cho các trung tâm dạy nghề và trường đào tạo nghề; tương tự, vai trò của cấp huyện và xã cũng rất hạn chế.

Phân cấp trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn CTMT còn bất cập, không thống nhất; trong phạm vi tỉnh nhưng có huyện thì giao việc thực hiện cho cấp xã, có huyện thì vẫn do huyện làm chủ đầu tư các chương trình, dự án. Mặt khác, tỉnh vẫn chưa thực sự phân cấp mạnh mẽ cho cấp cơ sở khi các Sở, ngành chủ trì thực hiện vẫn thường giữ lại quyền quản lý các nội dung quan trọng của các chương trình có thể phân cấp được (Chương trình Giáo dục, Y tế, ...). Từ đó, vai trò của cấp cơ sở cũng như việc tham gia quản lý, giám sát của cộng đồng đối với nguồn vốn này bị hạn chế.

Nội dung, nhiệm vụ chi của các CTMT còn chồng chéo, trùng lắp; nhận thức và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, dự án còn hạn chế. Hiện nay ở địa phương, trên cùng một địa bàn có nhiều CTMT, trong đó có nhiều chương trình trùng lắp về tính chất, đối tượng và nội dung đầu tư, như: nội dung hỗ trợ xây dựng trường, lớp học (Chương trình 135 và Chương trình

kiên cố hóa trường lớp học); hỗ trợ xây dựng công trình nước (Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình kiên cố hóa kênh mương, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn); hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề (Chương trình 135, Chương trình Việc làm, Chương trình Giảm nghèo); hoặc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới lại được coi là một “chương trình khung”, trong đó bao hàm nhiều nội dung của các chương trình khác như giảm nghèo, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa, giáo dục và đào tạo, phát triển giao thông nông thôn… Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế lồng ghép nên quá trình triển khai tại địa phương còn nhiều lúng túng, bất cập. Nếu không thực hiện lồng ghép thì đầu tư bị manh mún, dàn trải, hiệu quả thấp. Song nếu thực hiện lồng ghép thì sẽ có tình trạng một nội dung công việc hay một công trình có nhiều nguồn vốn cùng đầu tư, trong khi mỗi CTMT lại có một quy định quản lý riêng nên rất khó thực hiện đánh giá hiệu quả đầu tư riêng biệt của từng chương trình.

Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các CTMT chưa cụ thể, không phân định rõ phạm vi, nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình cũng như trách nhiệm của các cơ quan đơn vị đối với những sai sót trong quá trình thực hiện. Mặt khác, việc kiểm tra giám sát vẫn mang tính hình thức, chủ yếu là giám sát thông qua báo cáo, chưa có sự đối chiếu, kiểm tra giữa thực tế và báo cáo. Vì vậy, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao.

Đối với công tác lập, phân bổ dự toán kinh phí của Chương trình và chấp hành chế độ quản lý tài chính cũng còn nhiều bất cập. Dự toán chi CTMT vẫn chủ yếu nằm trong khuôn khổ hàng năm, các nội dung chi vẫn ít nhiều mang tính chất “cắt khúc” mà thiếu sự gắn kết nhiệm vụ chi trong cả giai đoạn; chất lượng dự toán của một số chương trình, dự án chưa cao, xây dựng dự toán thiếu cơ sở và chưa sát với nhu cầu đầu tư thực tế của chương trình nên không phù hợp với khả năng thực hiện.; thời gian phân khai, giao

dự toán ở địa phương thường chậm so với quy định của Luật NSNN, dẫn đến khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện các CTMT và làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Trong việc chấp hành chế độ quản lý tài chính, vẫn còn có CTMT sử dụng kinh phí sai mục đích, chi tiêu không đúng đối tượng. Công tác lập báo cáo quyết toán, thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn chương trình hoàn thành, vốn đầu tư công trình hoàn thành còn chưa được chú trọng thực hiện.

Việc huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội và kế hoạch vốn phân bổ hàng năm còn chưa đáp ứng được nhu cầu; phân bổ vốn cho các chương trình còn dàn trải, nhất là vốn đầu tư phát triển; mức hỗ trợ đầu tư thấp, thiếu vốn đối ứng để bố trí thực hiện…nên nhiều công trình dở dang kéo dài kém hiệu quả, không đạt được những mục tiêu đề ra. Mặt khác, nhiều nội dung đầu tư còn manh mún, bình quân, chủ yếu mang tính chất hỗ trợ trực tiếp cho người dân mà chưa xây dựng được các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất kinh doanh có quy mô lớn để góp phần đột phá chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới thị trường có hiệu quả.

Tiến độ thực hiện của một số chương trình, dự án còn chậm, chất lượng thấp. Một số công trình sau đầu tư phát huy hiệu quả không cao do việc đầu tư không hợp lý (công trình cấp nước tập trung, chợ…). Tổ chức quản lý của cộng đồng đối với tài sản hình thành từ chương trình, dự án còn yếu kém; kinh phí dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư còn hạn hẹp, dẫn đến một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí vốn đầu tư. Có những chương trình phát huy hiệu quả rất thấp (chương trình trợ giá, trợ cước các mặt hàng chính sách); hoặc việc thụ hưởng của một bộ phận người dân có quyền lợi còn khó khăn, bất cập…

Kết quả thực hiện đồng bộ các CTMT nhìn chung còn thấp, sau 2 năm thực hiện chưa có xã nào thoát ra khỏi xã nghèo. Trên địa bàn tỉnh có nhiều CTMT, nhưng nhiều mục tiêu đặt ra chưa có tính chiến lược lâu dài, nội dung

chưa sát, không phù hợp với khả năng thực hiện nên ngay sau khi hoàn thành chỉ tiêu đã phải xem xét điều chỉnh hoặc lại phải đặt ra mục tiêu mới như: chỉ tiêu về xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp học, xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, đường giao thông nông thôn…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác kiểm soát chi chương trình mục tiêu quốc gia qua kho bạc nhà nước thái nguyên (Trang 38 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)