5. Bố cục của Luận văn
3.3.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và
vừa tại Chi cục thuế huyện Sông Lô
3.3.4.1. Cơ cấu tổ chức bộ máy và và trình độ đội ngũ cán bộ quản lý thuế
Trong công tác quản lý thu thuế đang tồn tại nhiều yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu và là một thách thức trong quá trình phát triển. Song nói đến yếu kém về năng lực trong quản lý thu thuế ngoài các yếu tố luật pháp, cơ chế chính sách còn không đồng bộ, chồng chéo... thì sự hạn chế trong cơ cấu tổ chức bộ máy và năng lực của cán bộ công chức Thuế là một nguyên nhân quan trọng. Sự hạn chế ấy bộc lộ rõ qua mấy cái thiếu dễ nhận thấy như: bộ máy tổ chức chưa thực sự hiệu quả, cán bộ công chức thiếu kiến thức, thiếu tầm nhìn, thiếu tư duy độc lập, sáng tạo...
Đi sâu hơn nữa lại có thể thấy trước hết những khiếm khuyết của cán bộ công chức có nguyên nhân sâu xa từ sự hạn chế, lạc hậu của công tác đào tạo, quy hoạch và của chính sách bố trí, sử dụng cán bộ công chức. Sự hạn chế của khâu đào tạo, quy hoạch thể hiện ở chỗ đào tạo không chuyên sâu, nặng về lý thuyết mang nhẹ về thực hành. Còn chính sách bố trí, sử dụng cán bộ thuế thì nặng về sắp xếp cơ cấu theo chủ quan, không tôn trọng sở trường sở đoản...
Số lượng các lớp bồi dưỡng, tập huấn để cập nhật kiến thức cho cán bộ thuế chưa được nhiều và thường xuyên.
Chương trình bồi dưỡng, tập huấn còn mang nặng tính phổ biến các văn bản chính sách chế độ, chưa có nội dung chuyên sâu, phổ biến trao đổi kinh nghiệm, nên tác dụng không cao.
Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra nội bộ hầu hết chưa được đào tạo các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu của cơ chế giám sát.
3.3.4.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quản lý thuế
Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa cao, chưa đồng bộ. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển với nhịp độ cao. Ứng dụng công nghệ tin học trong việc quản lý thu thuế còn ở mức thấp, mới tập trung chủ yếu vào công việc quản lý về đăng ký thuế, cấp mã số thuế, quản lý biên lai, ấn chỉ; đại bộ phận công việc quản lý thu thuế vẫn là thủ công, năng suất, hiệu quả quản lý thu thuế còn thấp dẫn đến hạn chế khả năng kiểm soát và quản lý thu thuế của cơ quan thuế.
Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày một gia tăng cả về khối lượng và quy mô vốn đầu tư, trong khi nguồn nhân lực và các công cụ hỗ trợ tin học hoá không đáp ứng được.
3.3.4.3. Môi trường quản lý thu thuế
Môi trường quản lý thu thuế, chính sách thuế thay đổi liên tục khiến DN không cập nhật kịp, thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà; thường xuyên gặp sự cố về điện, mạng internet gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Những bất cập thuế đối với DN kéo dài, dù sau nhiều lần bổ sung, sửa đổi. Thời gian qua, DN muốn giải quyết những vấn đề về thuế thường tốn nhiều thời gian. Nguyên nhân hầu hết đều xuất phát từ sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản luật, thông tư với nhau. Từ đây, Bộ Tài chính đã đưa ra những dự thảo mới nhằm bổ sung, thay đổi chính sách thuế để tăng khả năng áp dụng cho DN. Song trên thực tế, những điều chỉnh về thuế vẫn chưa thực sự đơn giản và gần gũi. Ngược lại, bản thân DN còn tỏ ra bối rối trước những quy định mới, cũ mà luật thuế đưa ra.
Thực ra, các luật thuế bổ sung áp dụng từ 1/7/2013 có nhiều nội dung thay đổi, thuận lợi cho người nộp thuế. Cụ thể là việc giảm tần suất kê khai thuế, giảm thuế thu nhập DN đối với những DN có doanh thu đến 20 tỷ đồng/năm; mở rộng một số chi phí tính thuế thu nhập DN…
Nhưng cũng không phủ nhận rằng, bên cạnh những điều thuận lợi nêu trên thì bất cập về luật thuế đối với DN còn nhiều. Chẳng hạn, theo Thông tư 53, khi xuất hóa đơn cho công ty nước ngoài, DN được phép xuất hóa đơn GTGT 0%. Nhưng nay, theo Thông tư 64, DN chỉ được xuất hóa đơn xuất khẩu. Nếu không xuất đúng thì hóa đơn này coi như bất hợp lệ, hóa đơn đầu vào cũng không được tính khấu trừ.
Nếu so sánh với những điểm cũ, thông tư mới vẫn còn bất cập đối với nhiều DN, nếu không nói có những điểm vô cùng bất hợp lý. Chẳng hạn, nhìn vào dự thảo thuế GTGT áp dụng đối với dịch vụ xuất khẩu, luôn nhức nhối không chỉ người nộp thuế mà còn với cả cơ quan thuế bởi nó liên quan đến tiêu dùng ở nước ngoài hay Việt Nam.
- Thứ ba, thực hiện Luật quản lý thu thuế, cơ quan thuế tổ chức quản lý thu theo chức năng và áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế đối với người nộp thuế. Với bộ máy hiện tại, vai trò của Nhà nước trong quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát huy được hiệu quả góp phần cho Chi cục Thuế luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Nội dung các sắc thuế còn phức tạp, cơ chế quản lý thu thuế chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tục hành chính thuế còn rườm rà, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân nộp thuế. Chưa quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thuế.
3.3.4.4. Tình hình kinh tế và mức sống của người dân
Hầu hết sự khác biệt về tình hình kinh tế và mức sống của người nộp thuế là nguyên nhân trong ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế với NSNN. Ở những vùng mà mức sống của người dân cao, tình hình kinh tế ổn định thì hầu hết ý thức của người dân trong việc nộp thuế vào NSNN sẽ tốt; còn những nơi mà mức sống của người dân thấp thì việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước cũng không được ý thức.
Mối quan hệ việc chấp hành nghĩa vụ thuế và mức sống khá đơn giản, tỷ lệ thuận với nhau.
Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của huyện Sông Lô vẫn giữ được ổn định. Sự tăng trưởng kinh tế, cùng với ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế ngày càng cao nên đóng góp vào NSNN ngày càng nhiều, năm sau có tốc độ tăng cao hơn năm trước. Nhờ tăng trưởng về thu ngân sách mà thị xã có thêm nguồn vốn để chi cho đầu tư phát triển và giải quyết nhiều vấn đề về giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Nhưng bên cạnh đó cũng còn một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vẫn có mức sống chưa cao nên chưa chấp hành tốt các quy định về đăng ký thuế, kê khai thuế, chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Đặc biệt có trường hợp cố tình vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, trốn thuế, thể hiện tính tuân thủ pháp luật thấp
3.3.4.5. Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế
Nhìn chung, pháp luật thuế của nước ta nhận được sự đồng thuận của đa số quần chúng nhân dân và được đông đảo người dân nghiêm chỉnh thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số người nộp thuế chưa chấp hành tốt pháp luật về thuế như Kinh doanh nhưng không tiến hành thủ tục đăng ký thuế; không nộp hoặc nộp không đúng hạn hồ sơ khai thuế, nộp không đủ các thông tin cần thiết liên quan đến thuế; báo cáo các thông tin không đầy đủ và chính xác; không nộp hoặc nộp không đúng hạn tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước; Cố tình trốn thuế, gian lận thuế... Tình trạng trên hiện đang diễn ra khá phổ biến.
Tình trạng trốn thuế, lậu thuế, gian lận về thuế, nợ đọng thuế còn diễn ra ở nhiều khoản thu, sắc thuế, ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Người nộp thuế chưa hiểu sâu sắc về nghĩa vụ và quyền lợi từ khoản tiền thuế mà mình đóng góp; chưa hiểu rõ về nội dung chính sách và nghiệp vụ tính
thuế, kê khai và nộp thuế; chưa nhận thức đúng trách nhiệm pháp luật về nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế của mình. Do đó tính tuân thủ, tự nguyện chưa cao trong việc kê khai, tính thuế và nộp thuế vào Kho bạc, Ngân hàng theo thông báo của cơ quan thuế.
Một số doanh nghiệp kinh doanh cố ý, tìm mọi thủ đoạn, dưới mọi hình thức gian lận các khoản tiền thuế phải nộp như kê khai khống để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng từ NSNN.
Trình độ hiểu biết về thuế ý thức chấp hành các luật, pháp lệnh về thuế của đại bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên trong các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa tạo được dư luận rộng rãi lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế, thậm chí còn khá nhiều trường hợp thờ ơ, khuyến khích, đồng tình.
3.3.4.6. Sự phối kết hợp của các tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế
Yêu cầu phối hợp đặt ra bất cứ khi nào công việc phải thực hiện với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý không những giúp chia sẻ được những nỗ lực trong xây dựng chính sách và đảm bảo thực thi đầy đủ, hiệu quả những chính sách thuế mà còn giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực (như tài chính, con người) nhằm đạt được các mục tiêu chính sách; đảm bảo cho tất cả các cơ quan liên quan có những hành động cần thiết nhằm thực hiện các chính sách của Chính phủ; đảm bảo cho những chính sách trong lĩnh vực này không gây ra những ảnh hưởng xấu cho lĩnh vực khác...
Tuy vậy, hiện nay một số cấp uỷ, chính quyền phường, xã chưa thực sự quan tâm đúng mức và chưa coi công tác thuế là nhiệm vụ của địa phương mình. Các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (như cơ quan địa chính, xây dựng, giao thông, công an, kiểm sát, ngân hàng, các cơ quan thông tin đại chúng...) ở từng nơi, từng lúc thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin và áp dụng các biện pháp hỗ trợ để thu đầy đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.