Thay đổi công nghệ đòi hỏi các cơ quan quản lý phải luôn sát cánh cùng các vấn đề kỹ thuật và thương mại có liên quan để đảm bảo một thị trường cạnh tranh đồng thời bảo đảm an toàn và bảo vệ người tiêu dùng. Khuôn khổ pháp luật hiện hành nhiều năm nay được xây dựng theo những mô hình hoạt động NH truyền thống. Công nghệ mang lại những thay đổi về cách thức vận hành của các NHTM, và nó cũng đem đến nhiều người chơi mới như các công ty viễn thông và các nhà cung cấp dựa trên nền tảng Internet, mà thường được gọi là fintech. Trong tương lai chắc chắn còn có thêm nhiều người tham gia sân chơi này.
Công nghệ rõ ràng hứa hẹn những triển vọng to lớn nhưng điều đó chỉ có thể hiện thực hóa khi đáp ứng được một số điều kiện. Trước hết, thị trường phải được vận hành trên cơ sở cho phép cạnh tranh và đổi mới đồng thời đảm bảo được sự an toàn và ổn định. Công nghệ luôn thay đổi với tốc độ không ngừng, do vậy cần phải có một hệ thống quản lý biết thích nghi với những thay đổi không ngừng. Các cơ quan quản lý sẽ cần phải cân đối các ưu tiên để làm sao cho phép những công nghệ mới được triển khai đồng thời duy trì những mức độ rủi ro chấp nhận được.
Do đó, để công nghệ thực sự góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, các cơ quan quản lý tại các quốc gia đều chú ý đến những vấn đề sau:
Sự đối xử pháp luật như nhau đối với cả NH và phi NH nếu cùng cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tương tự, quản lý những sản phẩm và dịch vụ theo mức độ rủi ro cụ thể của chúng chứ không phải là theo nhóm nhà cung cấp dịch vụ, loại hình tổ chức.
Nới lỏng những hạn chế đối với các loại hình không trực tiếp huy động tiền gửi nhưng tham gia vào mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính với biện pháp phù hợp với đặc thù rủi ro của loại hình này.
Xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả đối với hoạt động NH đại lý và NH di động. Những quy định đối với vai trò, trách nhiệm và quản lý tài chính của đại lý
phải đồng thời bảo đảm sự an toàn và nơi giải quyết tranh chấp cho khách hàng; bảo đảm cạnh tranh công bằng và đổi mới sáng tạo; có cách tiếp cận toàn diện khu vực tài chính (không quá chặt chẽ và cản trở các mô hình hoạt động).
Xây dựng quy trình, thủ tục nhận biết khách hàng sao cho tạo thuận lợi cho việc tiếp cận của những khách hàng mới, những người lao động tự do... đồng thời vẫn bảo đảm an toàn, bao gồm cả áp dụng quy trình này từ xa. Những biểu mẫu và quy trình xác thực nhân thân và chứng minh nơi cư trú cần đơn giản và linh hoạt hơn. Việc tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia thống nhất sẽ phát huy lợi ích to lớn. Những quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng cần xem xét đến yếu tố phục vụ cho tài chính toàn diện.
Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới chưa chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý, chẳng hạn như các nhà bán lẻ cấp tín dụng mua hàng, những đơn vị nhận làm đại lý hoặc các công ty vận hành mạng điện thoại di động. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý phải hợp tác với nhau để đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và có được cách tiếp cận thống nhất, bất kể đó là tổ chức loại nào.
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là cần đảm bảo rằng chính sách thuế không cản trở sự đầu tư vào công nghệ. Cung cấp những khuyến khích thuế và trợ cấp cho các nhà cung cấp để xây dựng và chia sẻ hạ tầng ở những khu vực chưa được phục vụ.
1.5. Kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện của một số nước ASEAN
1.5.1. Kinh nghiệm từ Philippines
Đất nước đầu tiên có thể kể đến là Philippines, NHTW Philippines xác định tài chính toàn diện là một mục tiêu theo đuổi cùng với việc thúc đẩy sự ổn định và hiệu quả trong hệ thống tài chính. Từ những năm 2000, NHTW Philippines đã chủ động trong việc phát triển tài chính vi mô theo ba hướng tiếp cận là: tạo lập môi trường pháp lý và hệ thống các chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của NHTW cũng như ngành NH trong hoạt động tài chính vi mô; kết hợp với phát triển hoạt động tài chính vi mô theo hướng bền vững. Philippines đã vạch ra Kế hoạch phát triển Philippines (2011 - 2016) với tầm nhìn cho ngành tài chính là một hệ thống tài chính có tính đáp ứng theo từng khu vực, phát triển theo định
hướng và đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đa dạng người dân.
Khung pháp lý đối với tất cả các loại hình TCTC vi mô tập trung vào chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động và thông tin minh bạch. Hoạt động của các TCTC vi mô nói chung được sự giám sát chặt chẽ, cụ thể: NH có hoạt động tài chính vi mô thì phải chịu sự giám sát của NHTW Philippines; hợp tác xã hoạt động tài chính vi mô được giám sát bởi Cơ quan Hợp tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ như Hội đồng Tài chính vi mô của Philippines.
NHTW cũng đang vốn hóa hệ thống mạng lưới các văn phòng NH vi mô để cung ứng các dịch vụ tài chính đến những khu vực chưa được phục vụ như các doanh nghiệp nhỏ và người nghèo ở Philippines. Hiện nay, NHTW Philippines khuyến khích theo hai hướng là thành lập các NH chuyên hoạt động tài chính vi mô hoặc xây dựng các hoạt động tài chính vi mô trong các NH đang có.
Như vậy, NHTW Philippines đã và đang tiếp tục phát triển hệ thống tài chính toàn diện hướng đến phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt là những người chưa từng sử dụng hay chưa đủ điều kiện được sử dụng các dịch vụ tài chính trước đây. Phát triển một hệ thống tài chính toàn diện đa dạng các sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và mạng lưới giao dịch, giảm các rào cản về việc gia nhập và sử dụng các sản phẩm tài chính cũng như luôn bảo vệ khách hàng (Lê Thị Khuyên & Bùi Ngọc Mai Phương, 2018).
1.5.2. Kinh nghiệm từ Indonesia
Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện của Indonesia được công bố vào tháng 6 năm 2012, với tầm nhìn là tạo lập một hệ thống tài chính mà tất cả các tầng lớp trong xã hội có thể tiếp cận nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo và bình đẳng về thu nhập.
Các chương trình đã được thực hiện bao gồm: Chương trình trợ cấp tài chính khuyến khích mọi tầng lớp xã hội tiếp cận với hệ thống tài chính; sản phẩm NH tiết kiệm không có phí quản lý; chương trình trợ giúp Chính phủ để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho cộng đồng và đồng thời khuyến khích xu hướng không sử dụng tiền mặt mà chuyển qua tiền điện tử thông qua đại lý dịch vụ tài chính số; chương trình cải thiện việc cung cấp thông tin cho ngư dân và nông dân nhằm giảm bớt thông tin bất đối xứng cho người sản xuất cũng như cải thiện vị trí thương lượng
của nông dân và ngư dân.
Đồng thời thực hiện giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tài chính và kiến thức về sản phẩm, dịch vụ của các TCTC chính thức bằng cách đưa các tài liệu giáo dục về quản lý tài chính vào các chương trình giáo dục cho học sinh và sinh viên đại học; đào tạo giảng viên cho sinh viên cao đẳng và giảng viên Khoa Kinh tế. Phát triển dịch vụ Tài chính kỹ thuật số (DFS), DFS là sự kết hợp của các dịch vụ tài chính và thanh toán được cung cấp và quản lý bởi công nghệ di động hoặc các trang mạng. Với việc tiếp cận tài chính ngày càng tăng, DFS góp phần nâng cao năng lực kinh tế hộ gia đình, kinh tế địa phương, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế quốc gia và sự ổn định của hệ thống tài chính. DFS là một trong những nỗ lực mang tính đặc thù nhằm cải thiện tài chính toàn diện ở Indonesia.
Nhìn chung, NH Indonesia xác định việc xây dựng một hệ thống tài chính tổng thể đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý. Đồng thời, NH Indonesia đưa ra các chương trình tài chính toàn diện với mục tiêu đạt được phúc lợi kinh tế thông qua giảm nghèo, phân phối thu nhập và ổn định hệ thống tài chính ở Indonesia (Lê Thị Khuyên & Bùi Ngọc Mai Phương, 2018).
1.5.3. Kinh nghiệm từ Malaysia
Trong số các quốc gia có thu nhập trung bình, Malaysia là quốc gia đạt trình độ tài chính toàn diện vào hạng cao nhất trên thế giới. Hệ thống tài chính của Malaysia phát triển nhanh chóng và không ngừng nghỉ trong suốt hai thập kỷ qua, mang đến cho nền kinh tế hàng loạt sản phẩm tài chính truyền thống và đặc trưng Hồi giáo cho các hộ gia đình với mức phí phải chăng. Với hơn 92% dân số được tiếp cận các dịch vụ tài chính, Malaysia đang tiệm cận với nền tài chính toàn diện toàn cầu trong tương lai gần.
Về cơ bản, thành công của tài chính toàn diện Malaysia chính là đường lối đặc thù trong phát triển ngành tài chính bao gồm tăng cường các NH và TCTC phát triển, mở rộng thị trường tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới và các kênh phân phối để tiếp cận với người nghèo, điều chỉnh các quy định và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tài chính, đặc biệt là hệ thống thanh toán quốc gia. Tài chính toàn diện đã trở thành ưu tiên quốc gia hàng đầu của Malaysia trong suốt một thời gian dài, thậm
chí trước cả khi tài chính toàn diện trở thành mục tiêu toàn cầu của cả thế giới vào thời điểm cuối thập kỷ qua. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy không thể đốt cháy giai đoạn để mở rộng tài chính toàn diện. Tiến bộ trong tài chính toàn diện của Malaysia là thành quả của nỗ lực từ phía nhà nước cũng như ngành tài chính trong 20 năm qua. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, các nhà chức trách đã thực hiện những biện pháp để tăng cường hệ thống NH trong nước bằng cách khuyến khích sáp nhập các tổ chức nhỏ. Việc sáp nhập giúp hình thành các thể chế lớn hơn, vững vàng hơn và hiệu quả hơn để có thể cạnh tranh với các nước láng giềng ASEAN. Ngoài ra, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp nhằm củng cố bảng cân đối tài khoản của các NH, đồng thời ban hành và thực thi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Theo sau tiến trình củng cố hệ thống NH là nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổng thể Ngành Tài chính 10 năm (FSMP) được đề xướng năm 2000, không chỉ giúp bắt bệnh các vấn đề gây trở ngại cho tài chính toàn diện và phát triển ngành tài chính tổng thể, mà còn đặt ra một bộ chính sách hành động để giải quyết. Trên cơ sở thành công của FSMP, chiến lược 10 năm lần thứ hai, Kế hoạch Tài chính 2011 - 2020 đã được thông qua vào năm 2011 và được thực hiện dưới một khuôn khổ giám sát và đánh giá chặt chẽ để theo dõi tiến trình tài chính toàn diện, chất lượng và việc sử dụng các dịch vụ tài chính và sự hài lòng của khách hàng.
Nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch tổng thể ngành Tài chính (2001 -
2010) và Kế hoạch Tài chính (2011 - 2020), một loạt chủ trương đã được triển khai trong những năm qua để đẩy mạnh tài chính toàn diện. Nhiệm vụ của NHTW Malaysia đã được điều chỉnh, qua đó cho NH quyền pháp lý để chủ động phát triển tài chính toàn diện. Về vấn đề này, Malaysia đã đi tiên phong trong các NHTW trên thế giới trong việc công nhận và chính thức hóa vai trò quan trọng của NHTW trong phát triển tài chính toàn diện. Các cải cách lớn khác bao gồm thành lập văn phòng tín dụng, cải tổ TCTC phát triển, yêu cầu các NH cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo với mức giá phải chăng và giới thiệu mô hình NH đại lý để các TCTC có thể tiếp cận khách hàng mới ở vùng sâu vùng xa một cách an toàn và tiết kiệm chi phí. Không chỉ thế, Malaysia đã đầu tư đáng kể vào hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hệ thống thanh toán quốc gia, đẩy nhanh áp dụng các phương tiện thanh toán điện tử trên toàn quốc. Ngoài ra, các cơ chế mạnh về mặt thể chế cũng đã được áp dụng để
thúc đẩy giáo dục và hiểu biết về tài chính, thành lập thanh tra tài chính và cơ quan bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ khách hàng gửi tiền quy mô nhỏ trong trường hợp NH gặp khó khăn. Tất cả những chủ trương trên đã góp phần tạo nên thành công của Malaysia trong phát triển tài chính toàn diện (Phạm Thị Hồng Vân & các cộng sự, 2018).
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN TRONG BỐI CẢNH CMCN 4.0 TẠI VIỆT NAM
2.1. Khái quát về tình hình tài chính toàn diện tại Việt Nam
Trải qua 30 năm tiến hành hội nhập và mở cửa, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách đổi mới và ghi nhận được nhiều thành tích phát triển đáng tự hào. Ke từ năm 1986, nhờ đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về việc đổi mới kinh tế và chính trị mà nền kinh tế trong nước ngày càng phát triển và tăng trưởng với tốc độ cao, đưa nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu vươn lên trở thành một trong những nước có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới từ năm 2010, “với quy mô kinh tế đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 200 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2109 USD năm 2015” (Tổng cục Thống kê, 2016).
Năm 2018 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nước ta, “thu nhập bình quân một người một tháng ước tính đạt 3,76 triệu đồng (tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016), bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 10,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính là 6,8%, giảm 1,1 điểm % so với năm 2017” (Tổng cục Thống kê, 2018). Mặc dù công tác xóa đói giảm nghèo đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại sự phân hóa rõ rệt giữa tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể ở khu vực nông thôn chiếm tới 95% người nghèo sinh sống. Dân cư ở đây phụ thuộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên thu nhập và mức độ tiêu dùng của người dân còn thấp, kéo theo khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, Tổng cục thống kê (2018) cũng cho biết “lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2018 ước tính 54,3 triệu người, tăng 579,7 nghìn người so với năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước năm 2018 là 2,00%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,69%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,85%”. Nhìn chung, so với những năm trước đây thì đời sống dân cư đã được nâng cao hơn, tuy nhiên còn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới.
Theo NHTG (2014), “Việt Nam hiện là 1 trong 25 quốc gia có 75% dân số không được tiếp cận các dịch vụ tài chính, NH; Chỉ khoảng 50% số DNVVN tiếp cận vốn vay của NH”. Những con số trên cho thấy Việt Nam mới chỉ tiếp cận tài
chính toàn diện ở mức thấp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự quan tâm chú trọng