Đất nước đầu tiên có thể kể đến là Philippines, NHTW Philippines xác định tài chính toàn diện là một mục tiêu theo đuổi cùng với việc thúc đẩy sự ổn định và hiệu quả trong hệ thống tài chính. Từ những năm 2000, NHTW Philippines đã chủ động trong việc phát triển tài chính vi mô theo ba hướng tiếp cận là: tạo lập môi trường pháp lý và hệ thống các chính sách phù hợp; nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của NHTW cũng như ngành NH trong hoạt động tài chính vi mô; kết hợp với phát triển hoạt động tài chính vi mô theo hướng bền vững. Philippines đã vạch ra Kế hoạch phát triển Philippines (2011 - 2016) với tầm nhìn cho ngành tài chính là một hệ thống tài chính có tính đáp ứng theo từng khu vực, phát triển theo định
hướng và đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đa dạng người dân.
Khung pháp lý đối với tất cả các loại hình TCTC vi mô tập trung vào chất lượng tài sản, hiệu quả hoạt động và thông tin minh bạch. Hoạt động của các TCTC vi mô nói chung được sự giám sát chặt chẽ, cụ thể: NH có hoạt động tài chính vi mô thì phải chịu sự giám sát của NHTW Philippines; hợp tác xã hoạt động tài chính vi mô được giám sát bởi Cơ quan Hợp tác phát triển và các tổ chức phi chính phủ như Hội đồng Tài chính vi mô của Philippines.
NHTW cũng đang vốn hóa hệ thống mạng lưới các văn phòng NH vi mô để cung ứng các dịch vụ tài chính đến những khu vực chưa được phục vụ như các doanh nghiệp nhỏ và người nghèo ở Philippines. Hiện nay, NHTW Philippines khuyến khích theo hai hướng là thành lập các NH chuyên hoạt động tài chính vi mô hoặc xây dựng các hoạt động tài chính vi mô trong các NH đang có.
Như vậy, NHTW Philippines đã và đang tiếp tục phát triển hệ thống tài chính toàn diện hướng đến phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt là những người chưa từng sử dụng hay chưa đủ điều kiện được sử dụng các dịch vụ tài chính trước đây. Phát triển một hệ thống tài chính toàn diện đa dạng các sản phẩm, mở rộng kênh phân phối và mạng lưới giao dịch, giảm các rào cản về việc gia nhập và sử dụng các sản phẩm tài chính cũng như luôn bảo vệ khách hàng (Lê Thị Khuyên & Bùi Ngọc Mai Phương, 2018).