Trước khi xây dựng chiến lược thì việc trước tiên cần làm là xác định thế nào là tài chính toàn diện. Đây được coi là một trong những cấu phần quan trọng của chiến lược, để lấy đó làm cơ sở hình thành tầm nhìn và giải pháp trụ cột của chiến lược. Như đã nói ở chương 1, tài chính toàn diện là một khái niệm đa chiều và có sự khác nhau giữa các quốc gia tùy thuộc vào tình hình thực tế và mục tiêu của mỗi nước. Ở Việt Nam, tài chính toàn diện được hiểu là “việc tất cả người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lí”. Xuất phát từ cơ sở trên, Chính phủ Việt Nam đã khái quát những định hình ban đầu của chiến lược này như sau:
Trước hết, mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện Việt Nam là “bảo đảm tất cả người dân ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung ứng bởi các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức hoạt động an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm”.
Mục tiêu trên nhấn mạnh hai khía cạnh là “tiếp cận” và “sử dụng” dịch vụ tài chính và chứa đựng 4 thành tố chủ chốt: (i) Đối tượng được cung ứng dịch vụ: chú trọng đối với những người đến nay vẫn bị loại trừ tài chính: những người thu nhập thấp, người yếu thế, cư dân vùng sâu vùng xa, DNVVN không đủ điều kiện tiếp cận với nguồn tài chính chính thức; (ii) Loại hình dịch vụ: gồm 5 loại dịch vụ tài chính được xem là cơ bản: thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm; (iii) Cách thức cung ứng dịch vụ: thuận tiện, phù hợp với nhu cầu với chi phí hợp lý, trong khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ; (iv) Người cung ứng dịch vụ: Các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính chính thức, được cấp phép và chịu sự quản lý giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động an toàn hiệu quả và có trách nhiệm (Lê Phương Lan & Nguyễn Thị Hương Thanh, 2017).