Thứ nhất, Chính phủ phải coi tài chính toàn diện là một chiến lược quốc gia, tập trung các nguồn lực để hướng vào đúng đối tượng và triển khai các biện pháp thực hiện một cách hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ phải cam kết hình thành một khung khổ pháp luật nhằm theo đuổi và thực hiện chiến lược tài chính toàn diện. Trên cơ sở đó, huy động tổng thể nguồn lực của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân để triển khai tài chính toàn diện hiệu quả. Ngoài ra, để phục vụ cho việc hoạch định chính sách cũng như đánh giá việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện thì Chính phủ cũng cần xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia.
Thứ hai, Chính phủ cần tăng cường giáo dục tài chính đối với người dân. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã chỉ ra rằng việc thiếu kiến thức và hiểu biết về tài chính khiến người dân thiếu sự tin tưởng đối với các sản phẩm, dịch vụ NH trên thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến cản trở việc tiếp cận các dịch vụ tài chính trên thị trường chính thức, phát triển tài chính toàn diện trong mỗi quốc gia và thúc đẩy sự xuất hiện của các sản phẩm, dịch vụ tài chính phi chính thức. Do đó, cần có cách thức tăng cường giáo dục hiểu biết về tài chính thông qua đào tạo kỹ năng và năng lực tài chính cho người dân để họ có thể tiếp cận, hiểu và sử dụng có trách nhiệm các dịch vụ tài chính, quản lý tốt hơn tình hình tài chính. Chính phủ cũng cần triển khai các chương trình hành động và chiến dịch nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho các đối tượng khác nhau. Cụ thể, Chính phủ có thể giao cho các kênh truyền thông quốc gia như Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện tuyên truyền, giới thiệu tới người dân về các sản phẩm cũng như các chương trình hỗ trợ tiếp cận với tài chính toàn diện; giao cho NH Chính sách Xã hội, NH Phát triển thực hiện các khoá đào tạo, các kênh đào tạo tới các nhóm chủ lực như trưởng thôn, trưởng nhóm, hội phụ nữ, hội nông dân,... để từ đó nhân rộng kiến thức về tài chính toàn diện với người dân. Không chỉ đào tạo về ý nghĩa, lợi ích
về cách tiếp cận sản phẩm tài chính chính thức, người nông dân cũng cần được đào tạo về cách chi tiêu, cách tiết kiệm, cách quản lý tiền để từ đó tăng khả năng tiết kiệm của họ.
Thứ ba, Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện cơ chế thể chế và khuôn khổ pháp lý nhằm tạo cơ sở nền tảng cũng như môi trường minh bạch để phát triển tài chính toàn diện. Khung pháp lý đối với tất cả các loại hình TCTC nói chung và các TCTC chuyên biệt cần được hoàn thiện theo hướng tập trung vào hiệu quả hoạt động và thông tin minh bạch. Đồng thời phải lập ra các nguyên tắc trọng yếu mà các TCTC này khi hoạt động cần phải tiên quyết tuân thủ ví dụ như áp dụng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro theo Basel II hay các nguyên tắc an toàn về nguồn vốn. Bên cạnh đó, chức năng Nhà nước càng cần thể hiện rõ vai trò điều tiết vĩ mô của mình ở các khía cạnh liên quan như sau: việc phân phối các điểm truy cập tài chính những nơi chưa được phục vụ (chủ yếu nông thôn và khu vực vùng sâu vùng xa), tăng cường cam kết với các TCTC quốc tế và chỉ định một cơ quan chuyên biệt để tạo điều kiện phối hợp các bên liên quan để thúc đẩy gia tăng mức độ tài chính toàn diện lớn hơn. Hơn nữa, đứng trước bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần chủ động phát triển các dịch vụ tài chính trên nền tảng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để đẩy nhanh tiến trình tài chính toàn diện trong nước và bắt kịp các nước khác trên thế giới.
Thứ tư, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với NHNN trong việc triển khai các chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện theo chương trình và đề án của Chính phủ. Cùng với đó, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về xử lý tội phạm mạng, quy định về thiết bị kỹ thuật, bảo vệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân và mạng xã hội; Đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ cơ sở hạ tầng; Ban hành quy định các chính sách an ninh bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính số để giảm thiểu rủi ro thất thoát tài sản và dữ liệu (Nhuệ Mẫn, 2017).