Nâng cao năng lực thẩm định là một trong những vấn đề quan trọng nhất nhằm xây dựng mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng bởi điều kiện quan trọng nhất đảm bảo an toàn cho khoản vay là tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh chứ không phải giá trị tài sản đảm bảo. Công tác thẩm định được thực hiện tốt sẽ giúp Chi nhánh có thể phát hiện sớm các rủi ro tín dụng có thể phát sinh và mức độ thiệt hại do rủi ro gây ra, từ đó ngân hàng có thể đưa ra các cách ứng xử thích hợp.
Trong đó, yếu tố giúp ngân hàng tăng cường chất lượng thẩm định khách hàng và dự án vay là việc chủ động tìm đến khách hàng. Khi ngân hàng chủ động tìm đến mời chào khách hàng vay vốn thì ngân hàng phải có những thông tin trước hay nói cách khác ngân hàng đã chủ động thẩm định trước về khách hàng để lựa chọn, nhờ đó ngân hàng tránh được sự phân tán vào các thông tin do khách hàng chủ động cung cấp và không bị giới hạn về thời gian thẩm định theo yêu cầu của khách hàng. Bằng việc chủ động tìm đến khách hàng, cung cấp những điều kiện ưu đãi, Chi nhánh có thể có thêm được những khách hàng truyền thống hoạt động hiệu quả từ các ngân hàng khác. Ngoài ra, Chi nhánh cần duy trì chặt chẽ mối quan hệ với khách hàng truyền thống. Thông qua đó để tìm hiểu nhu cầu của họ cũng như của các đối tác của họ; đồng thời cần tăng cường mối quan hệ với các cán bộ, ban ngành chức năng
để tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu thập thông tin, tìm kiếm các dự án hiệu quả. Trong quá trình thẩm định cần chú ý phân tích các vấn đề như:
- Đánh giá năng lực pháp lý của khách hàng qua các giấy tờ chứng nhận tư cách hợp pháp.
- Đánh giá năng lực tài chính dựa trên mức thu nhập của khách hàng, qua hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ những kết quả phân tích ấy, Chi nhánh có thể xây dựng được các phương án để chuẩn bị đối phó với các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai cấp tín dụng.
- Phương án vay vốn có tính khả thi là yếu tố quyết định sự thành bại của khách hàng. Vì vậy, đánh giá hiệu quả của phương án vay vốn là khâu quan trọng nhất của quá trình thẩm định khách hàng.
- Trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, tài sản đảm bảo tiền vay không phải là yếu tố hàng đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng. Để thực hiện tốt vấn đề đảm bảo tiền vay, ngân hàng cần lựa chọn để áp dụng các hình thức bảo đảm thích hợp đối với từng khoản vay, từng đối tượng khách hàng và phù hợp với điều kiện kinh doanh của ngân hàng. Để triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo tiền vay, Chi nhánh cần chú ý một số vấn đề như sau:
+ Thế chấp cầm cố tài sản: trong giai đoạn hiện nay cần áp dụng phổ biến với cả cho vay ngắn hạn và trung dài hạn, đặc biệt đối với các khách hàng chưa đủ tín nhiệm với ngân hàng.
+ Bảo lãnh của bên thứ ba: được áp dụng khi khách hàng không đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp đảm bảo khác.
+ Phân loại kỹ về khách hàng và loại tài sản đảm bảo để quy định mức đảm bảo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng và đảm bảo an toàn tín dụng.
+ Khi thực hiện các hình thức đảm bảo tiền vay, cần đặc biệt chú ý về điều kiện của tài sản đảm bảo, định giá tài sản phải hợp lý theo đúng quy định hướng dẫn của BIDV trong đó đặc biệt lưu ý những trường hợp như: định giá tài sản thế chấp là bất động sản quá cao so với khung giá quy định của nhà nước, thị trường. Để từ đó tính toán mức có thể cho vay, xác định rõ phạm vi đảm bảo, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, trách nhiệm chuyển giao tài sản, giấy tờ, năng lực tài chính, năng lực pháp lý, mức trách nhiệm của người bảo lãnh...
+ Về thủ tục trong đảm bảo tiền vay cần lập hội đồng rõ ràng, đầy đủ nội dung trên, đồng thời phải xác định rõ về việc xử lý tài sản khi khoản vay phát sinh vấn đề. Ngoài ra cần lưu ý việc xác nhận, đăng ký các hợp đồng bảo đảm theo quy định pháp luật.
+ Kiểm tra đánh giá lại định kỳ đầy đủ tài sản đảm bảo theo đúng quy định. - Việc phân tích và dự báo ảnh hưởng của môi trường kinh doanh đến phương án vay vốn của khách hàng cũng là một bước không kém phần quan trọng trong khâu thẩm định. Để thực hiện tốt công tác này, các cán bộ tín dụng cần phân tích về các vấn đề sau:
+ Thực trạng thị trường đang diễn ra trong các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà ngân hàng cho vay.
+ Sự thay đổi của hệ thống pháp luật, chính sách trong thời gian khoản vay còn hiệu lực. Rà soát, chỉnh sửa chính sách phân loại nợ cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.