5. Kết cấu luận văn
1.1.4. Vai trò của phụ nữ dân tộc Tày trong phát triển kinh tế hộ gia đình
a. Vai trò của phụ nữ trong lao động sản xuất, tạo ra thu nhập
Trong xã hội hiện đại, phụ nữ được tạo điều kiện học tập, trau dồi kiến thức, chủ động, tự tin để hướng ngoại tham gia vào các công tác xã hội, phát triển bản thân, đứng vững vàng hơn trên vị thế phụ nữ hiện đại. Phụ nữ ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ họ còn tham gia góp phần quan trọng xây dựng kinh tế gia đình, là người lao động chính, tạo thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống gia đình
Theo quan niệm truyền thống, người chồng là “trụ cột” trong gia đình, chịu trách nhiệm chính trong việc tạo thu nhập cho gia đình. Người vợ chủ yếu lo thu vén nhà cửa, nuôi dạy con cái, làm việc nhà, chăm sóc sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con. Ngày nay, quan niệm truyền thống đó đã có những thay đổi; vai trò của người phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc bếp núc mà phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng với nam giới chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ được đánh giá ngang bằng với nam giới, đó là: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Khi nhịp sống ngày càng sôi động và có nhiều thay đổi thì vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao vị thế của mình. Phụ nữ là những người vợ,
người mẹ mẫu mực, là nền tảng của sự hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, trong văn hóa của người Việt Nam, gia đình là cái gốc của con người, là tế bào của xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới phồn vinh, thịnh vượng và phát triển. Ở nước ta, Nghị quyết số 11-NQ/TW của bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đầy mạnh CNH-HĐH đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”.
Vai trò “trụ cột” của người phụ nữ trong kinh tế gia đình thể hiện ở hai khía cạnh: trực tiếp lao động sản xuất tạo thu nhập và quản lý các nguồn lực của gia đình.
- Phụ nữ là người trực tiếp lao động sản xuất, tạo thu nhập:
Phụ nữ đã chủ động, tự tin và nhiều người còn giữ kinh tế, là lao động chính tạo nguồn thu nhập chính cho cuộc sống gia đình. Những hoạt động tạo thu nhập mà phụ nữ tham gia để cùng chồng chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình rất đa dạng, phong phú, đó là: làm công ăn lương; trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh buôn bán, dịch vụ, sản xuất thủ công… Không chỉ lao động tại chỗ, hàng vạn phụ nữ nông thôn đã phải xa quê hương, xa chồng con, di cư tới những vùng kinh tế phát triển hơn, cả trong nước và ngoài nước, chịu đựng những khó khăn, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để lao động kiếm sống nhằm cải thiện đời sống gia đình. Trước những diễn biến phức tạp nền kinh tế thị trường, của thời tiết, của dịch bệnh… phụ nữ vẫn tích cực và chủ động trong các hoạt động tạo thu nhập, đóng góp vào kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo; nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu chính đáng.
- Quản lý các nguồn lực của gia đình:
Ngoài việc trực tiếp tham gia lao động sản xuất tạo thu nhập, phụ nữ còn là người tổ chức, động viên, tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình tham gia hoạt động kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và đảm nhiệm vai trò của người giữ “tay hòm chìa khóa” cho gia đình. Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang mà thu nhập khiêm tốn của người lao động chưa được cải
thiện, công việc nội trợ trở nên khó khăn hơn bởi nó đòi hỏi người phụ nữ phải cân đối các khoản thu chi, tính toán một cách khoa học và cũng rất cần nghệ thuật bếp núc để luôn đảm bảo cơm dẻo canh ngọt, đủ dưỡng chất cho cả nhà, quần áo mới cho con đến trường....
b. Vai trò của phụ nữ trong điều hành sản xuất
Có nhiều nghiên cứu về vai trò phụ nữ trong sản xuất ở nhiều cấp độ và góc độ khác nhau, những nghiên cứu đó đều nhận định: phụ nữ là lực lượng lao động quá bán ở nông thôn, đóng vai trò đáng kể trong đời sống hoạt động kinh tế hộ cũng như hoạt động điều hành, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Họ là người tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp, từ khâu cày, bừa, trồng, cấy, chăm sóc đến thu hoạch. Ngoài ra họ còn tham gia vào việc lựa chọn phương án làm ăn của hộ gia đình, phân công lao động sản xuất: Chọn cây gì, giống nào, phân bón gì, nuôi con nào, tiêu thụ ở đâu, giá bán thế nào, phân công ai làm việc gì...
c. Vai trò của phụ nữ trong tiếp cận các nguồn lực phát triển
- Tiếp cận về vốn: Hiện nay có rất nhiều nguồn vốn chỉ dành riêng cho
phụ nữ vay vốn như: Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo... và một số quỹ của ngân hàng chính sách xã hội, nên việc vay vốn tín dụng khá thuận lợi so với trước đây. Là người tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và cũng tham gia vào các quyết định phát triển kinh tế của gia đình, do vậy phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng vốn và tiết kiệm.
- Tiếp cận đất đai: Tuy luật đất đai năm 1993 đã bảo vệ quyền thừa kế đất đai của phụ nữ nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ chỉ có quyền sử dụng đất trong mối liên hệ với đàn ông. Khi trong gia đình có một người con trai trưởng thành thì thường lấy tên người con trai đó ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Khi không có tên trong
GCNQSDĐ thì người phụ nữ rất khó có thể thế chấp để vay vốn vì ở nông thôn tài sản thế chấp để vay vốn phổ biến nhất là GCNQSDĐ. Việc sửa đổi mẫu GCNQSDĐ (luật đất đai năm 2003) trong đó ghi tên cả vợ và chồng hiện nay là một việc làm tích cực tạo thuận lợi cho phụ nữ trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Hiện nay tất cả các tỉnh nước ta đã và đang tiến hành đổi mẫu cũ lấy mẫu mới có tên cả vợ và chồng. Theo đó, cả vợ và chồng đều có quyền quyết định mục đích sử dụng đất như nhau.
- Tiếp cận khoa học kỹ thuật: Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của phụ nữ
hiện nay rất thuận lợi thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, Hội phụ nữ và các dự án phát triển.... Ngoài ra còn có một số chương trình tập huấn dành riêng cho phụ nữ trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên trình độ của phụ nữ nông thôn thấp và hạn hẹp về thời gian tham gia tập huấn khiến việc tiếp cận khoa học kỹ thuật của họ bị hạn chế.
- Tiếp cận thông tin: Hiện nay có rất nhiều kênh thông tin mà phụ nữ có
thể tiếp cận. Tuy nhiên, do quá bận bịu với công việc nên việc tiếp cận với các nguồn thông tin của phụ nữ nông thôn còn khó khăn, chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội họp, ở chợ, những dịp gặp nhau hoặc vào thời gian cùng làm chung.
d. Vai trò của phụ nữ trong việc ra quyết định
Trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới: Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc ra quyết định các công việc gia đình giữa nam và nữ, nhưng nhìn chung tỷ lệ phụ nữ được quyền quyết định công việc gia đình cũng thường thấp hơn so với nam giới. Quyền lực cao hơn của người chồng thể hiện ở quyền quyết định ở một số việc như mua sắm, sản xuất kinh doanh, quan hệ họ hàng, còn người vợ thường có tiếng nói ở những việc như sử dụng biện pháp tránh thai, việc học của con hay các công việc nội trợ của gia đình. Chẳng hạn, trong việc lựa chọn và sử dụng biện pháp kế
hoạch hoá gia đình thì phụ nữ vẫn được coi là đối tượng chính. Nam giới ít tham gia thực hiện các biện pháp này.
1.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ dân tộc Tày trong phát triển kinh tế hộ gia đình
a. Quan niệm về giới, những phong tục, tập quán trong xã hội
Lao động nữ trước hết phải lo việc gia đình, con cái. Dù làm bất kỳ công việc gì, việc nội trợ vẫn là trách nhiệm của họ, đây là một quan niệm ngự trị ở nước ta từ nhiều năm nay. Sự tồn tại những hủ tục lạc hậu, trọng nam khinh nữ đã kìm hãm tài năng sáng tạo của chị em, hạn chế sự cống hiến của họ cho xã hội và gia đình. Họ không thể đi xa, vắng nhà lâu ngày hay phó mặc việc nhà cho chồng và gia đình. Gánh nặng mang thai, sinh đẻ, nuôi dưỡng con nhỏ và làm nội trợ gia đình đè nặng nên đôi vai người phụ nữ. Đây là trở ngại lớn cho họ tập trung sức lực, thời gian, trí tuệ vào sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội. Chính sự tồn tại của những quan niệm, hủ tục trên đã khiến nhiều chị em trở nên không mạnh bạo làm ăn, không năng động sáng tạo bằng nam giới và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp xã hội. Như vậy quan niệm về giới, sự bất bình đẳng nam nữ và phong tục tập quán đã là một nguyên nhân cơ bản cản trở sự tiến bộ và vai trò của lao động nữ trong phát triển kinh tế.
b. Trình độ học vấn, chuyên môn, khoa học kỹ thuật
Ở nông thôn, đặc biệt là miền núi, phương tiện thông tin nghe nhìn và sách báo đến với người dân còn rất nhiều hạn chế, do vậy việc lao động nữ tiếp cận và nắm bắt các thông tin khoa học liên quan đến kiến thức, phát triển sản xuất và chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn. Ngoài thời gian làm công việc này người phụ nữ dường như có rất ít thời gian dành cho nghỉ ngơi hoặc hưởng thụ văn hoá tinh thần, học hỏi nâng cao hiểu biết kiến thức xã hội mà họ phải dành phần lớn thời gian còn lại cho công việc của gia đình. Do vậy, phụ nữ bị hạn chế về kỹ thuật chuyên môn và sự hiểu biết.
c. Khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển
Tiếp cận vốn đầu tư: Phụ nữ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thống do trình độ học vấn thấp, các hàng rào về xã hội và văn hoá, bản chất công việc kinh doanh và những yêu cầu thế chấp. Hơn nữa thị trường ở nước ta nhất là thị trường vốn ở các vùng xa xôi hẻo lánh hoạt động rất kém, cơ chế vay vốn gặp nhiều khó khăn. Một điều là vay nợ ở khu vực nông thôn chủ yếu được thực hiện thông qua khu vực phi chính thống với lãi suất rất cao. Do đó mà phụ nữ nông thôn đặc biệt là phụ nữ nghèo không có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
d. Khả năng tiếp cận thông tin
Thiếu thông tin không chỉ làm phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn làm cho phụ nữ bị hạn chế cả về tầm nhận thức và hiểu biết xã hội. Phụ nữ phải đảm nhận một khối lượng công việc lớn trong mỗi ngày và chiếm gần hết thời gian của họ. Do vậy cơ hội để phụ nữ giao tiếp rộng rãi, tham gia hội họp để nắm bắt thông tin cũng rất hiếm.
e. Yếu tố sức khỏe
Sự hạn chế về sức khoẻ do đặc thù của giới nữ và thời gian làm việc cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Đặc biệt với phụ nữ nông thôn vừa phải lao động nặng, vừa phải thực hiện thiên chức của mình là mang thai, sinh đẻ, cùng với điều kiện sinh hoạt thấp kém đã làm cho sức khoẻ của họ bị giảm sút. Điều này không những ảnh hưởng đến khả năng lao động mà còn làm cho vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như trong việc phát triển kinh tế gia đình trở nên thấp kém hơn.
1.2. Cơ sở thực tiễn về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình
1.2.1. Kinh nghiệm về phát triển kinh tế hộ gia đình của một số địa phương
a. Kinh nghiệm tại tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam với 90% tổng diện tích là rừng núi, tỷ lệ đồng bào các dân tộc ít người chiếm đến 95%.
Với 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và 01 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết 30a, 137/199 xã, phường thị trấn trong toàn Tỉnh thuộc nhóm đặc biệt khó khăn, Cao Bằng là Tỉnh được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ như chương trình 30a, chương trình 135...
Tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp Tỉnh đến cấp Huyện, Xã. UBND Tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tế; Hàng năm các cơ quan chức năng cũng đã tập trung xây dựng kế hoạch, phân bổ các nguồn vốn cho các chương trình, dự án trên địa bàn, đồng thời có nhiều chính sách và giải pháp nhằm huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tập trung vào việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất. Cụ thể như:
- Về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh: Từ nền tảng cơ chế,
chính sách của Tỉnh (Chỉ thị 15-CT/TU ngày 12/5/2011 về việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 15/7/2011 của UBND Tỉnh về ban hành chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và nâng cao chỉ số PCI tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011-2015), các cơ quan và các bộ phận có liên quan đã tiến hành nghiên cứu 9 chính sách vì người nghèo trên
địa bàn Tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất kinh doanh (về đầu vào, kỹ thuật sản xuất, và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra), đến nay đã có 6/9 chính sách được ban hành và áp dụng.
- Về cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh ở nông thôn: UBND Tỉnh
đã phê duyệt 3 Đề án phát triển chuỗi giá trị miến dong, lợn đen và bò Tày giai đoạn 2013-2015.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu và kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị được thể chế hóa, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp thực hiện nghiên cứu cơ cấu sở hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh, lập kế hoạch kinh doanh và thiết lập liên kết với các nhóm nông dân cùng sở thích (GIC)…
- Về công tác khuyến nông: Đã có sự đổi mới, đặc biệt là về cách tiếp
cận. Phương pháp khuyến nông chuẩn đã được Tỉnh phê duyệt và áp dụng cho toàn tỉnh. Đến nay, Tỉnh đã hoàn chỉnh và ban hành 07 bộ tài liệu cho các lớp học tại hiện trường; mở 1.441 lớp tập huấn tại hiện trường cho 32.878 nông dân về phương pháp khuyến nông chuẩn.
Đồng thời, thành lập 64 điểm dịch vụ hoạt động thú y, 42 điểm dịch vụ hoạt động bảo vệ thực vật, giúp người dân phòng trị bệnh vật nuôi kịp thời,