7. Đóng góp của luận văn
1.2.1. Tiểu sử nhà thơ Trần Anh Thái
Trần Anh Thái sinh ngày 10 tháng 8 năm 1954 tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Sinh ra và lớn lên ở miền biển đầy lam lũ, nhọc nhằn, vì thế như một định mệnh, biển chính là niềm vui, nỗi buồn, là nụ cười và nước mắt, biển trở thành nơi che chở và nương tựa tinh thần, là một cõi riêng thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ. Đến với biển là trở về với kí ức tuổi thơ, trở về nơi bắt đầu để tìm lại chính mình, để chiêm nghiệm cuộc sống đã qua và cũng là để nhận chân những giá trị đích thực. Có lẽ, chính sự gắn bó sâu nặng với quê hương, với khoảng không gian đầy nắng gió ấy, với những con sóng
khi thì xô bồ, khi lại u trầm, buồn bã đã góp phần bồi đắp cho một hồn thơ vừa trong sáng, vừa hào phóng nhưng cũng rất thâm trầm, sâu lắng những trang viết sâu sắc về biển, về vùng quê nghèo của Trần Anh Thái sau này.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, nên ngoài những khi đến trường, tuổi thơ của Trần Anh Thái còn gắn liền với những buổi đắm mình trên cánh đồng - vùng biển quê hương để cùng gia đình tìm kế mưu sinh. Trải qua những năm tháng khó khăn và nghèo túng, nhà thơ đã có dịp đi đến khắp các làng quê trong vùng, làm đủ mọi việc từ cắt cỏ, chăn trâu đến theo người lớn mò cua bắt ốc. Nhờ đức tính chăm chỉ, thích tìm hiểu khám phá đời sống, lại siêng năng học hành, chịu khó quan sát, suy ngẫm và có một tình yêu quê hương, yêu thiên nhiên tha thiết. Nên cho dù còn ít tuổi, Trần Anh Thái đã có vốn sống, vốn hiểu biết khá dày dặn và phong phú về phong tục tập quán và tinh hoa văn hoá dân gian của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Gia đình nhà thơ tuy nghèo nhưng vốn có truyền thống hiếu học nên từ nhỏ Trần Anh Thái đã rất yêu thơ văn. Thú vui thuở thiếu thời của nhà thơ là những buổi lân la sang nhà hàng xóm (vốn là một gia đình địa chủ ngày trước) để mượn sách. Thế rồi như một người khát nước tìm được dòng suối trong lành thoả thuê ngụp lặn, những áng văn Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đông Chu Liệt Quốc, Chiến tranh và hoà bình, Những người khốn khổ...đã được Trần Anh Thái đón nhận hào hứng và đọc ngấu nghiến. Dường như nhà thơ đã bén duyên với văn chương từ thuở đó. Để rồi khi 16 tuổi, cậu thanh niên có dáng người nhỏ bé ấy đã bắt đầu cầm bút viết về những dòng thơ ngô nghê đầu tiên của mình. Cậu viết về đời sống, về những gì bắt gặp trên ngưỡng của vào đời. Đó là những vần thơ viết cho mình...cất đi không gửi. Và tới hai năm sau, nó đã trở thành hành trang theo nhà thơ vào chiến trường.
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp cấp III, Trần Anh Thái nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và quân khu V. Trần Anh Thái đã tham gia nhiều trận đánh lớn,
trải qua nhiều hiểm nguy trong những năm tháng mưa bom bão đạn ác liệt. Những trận đánh tối trời, tối đất, mịt mù khói bom đạn, kéo dài tưởng như vô tận không có hồi kết, chết chóc luôn đi ngang trước mặt, hy vọng về sự sống mong manh và đôi khi là tuyệt vọng đã trở thành nỗi ám ảnh tinh thần ăn sâu vào tâm khảm, tiềm thức của ông. Cũng chính bởi vậy mà các trang thơ sau này của ông đều thấm đẫm dư âm chiến tranh, một chiến tranh tàn khốc và chia ly, nước mắt và khổ đau,...Đồng thời, đó cũng là những lời thơ cảnh tỉnh, sự phản kháng mạnh mẽ chiến tranh và cái ác cho dù diễn tiến như thế nào.
Đại thắng mùa xuân năm 1975, chiến tranh chấm dứt, hoà bình được lập lại, Trần Anh Thái ở lại miền Nam một thời gian ngắn rồi trở ra Bắc, theo học khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để tiếp tục đam mê văn chương thuở thiếu thời.
Năm 1981, Trần Anh Thái được điều về làm phóng viên văn hoá của báo Quân đội Nhân dân. Trong thời gian làm việc tại đây, nhà thơ có điều kiện đi công tác nhiều nơi, đặt chân tới mọi vùng miền của đất nước, tiếp xúc với nhiều mảnh đời, nhiều số phận khác nhau, những nỗi buồn đau nhân thế. Đặc biệt nhiều lần được ra nước ngoài công tác, tham gia các cuộc hội thảo về thơ, được học hỏi và giao lưu rộng rãi với các nền văn hoá trên thế giới. Được gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà thơ lớn của các nước đã đưa Trần Anh Thái đến với con đường cách tân thơ, tìm tòi và khẳng định những giá trị đích thực của thơ ca với những đóng góp không thể phủ nhận trong nền thơ ca của dân tộc.
Hiện nay, Trần Anh Thái là nhà thơ quân đội, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Thời báo Mê Kông, viết và sáng tác ở cả hai thể loại: Thơ và văn xuôi.
Ngoài đời, nếu từng may mắn được gặp Trần Anh Thái một lần, ta sẽ nhận ra đằng sau người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn với vẻ ung dung, bình thản, đôi mắt có phần trầm mặc, suy tư ấy là cả một tấm lòng chân thành, hồn nhiên, dung dị và rất đỗi chất phác của một người con vùng biển mà qua bấy nhiêu năm, cuộc sống bon chen giữa chốn thị thành như không hề in dấu vết. Nhà thơ
là người duy mĩ, có lối sống thầm lặng, không thích cuộc sống ồn ào, yêu say đắm quê hương và thiên nhiên. Chính những điều đó đã giúp Trần Anh Thái để lại nhiều dấu ấn đẹp không thể phai mờ với cuộc đời và những trang thơ.