Cảm hứng chủ đạo trong trường ca Trần Anh Thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca của trần anh thái (Trang 33 - 42)

7. Đóng góp của luận văn

2.1.2. Cảm hứng chủ đạo trong trường ca Trần Anh Thái

2.1.2.1. Cảm hứng về cội nguồn văn hóa - lịch sử

Cội nguồn văn hóa - lịch sử của dân tộc, đất nước luôn là một mạch nguồn cảm hứng lớn của văn học nói chung, đặc biệt là đối với trường ca nói riêng. Là một trong những tác giả đóng góp quan trọng làm nên diện mạo trường ca Việt Nam, Trần Anh Thái cũng đã khơi nguồn rất thành công mạch cảm hứng này.

Trước hết, trường ca Trần Anh Thái thể hiện sâu sắc tâm thức hướng cội của một người con dân nước Việt. Tác giả thường trực những trăn trở tìm về

hành trình lịch sử cha ông. Đó là những dấu tích xa xưa ẩn trong bao lớp phủ thời gian:

Trong dấu tích cổ xưa Tôi đi

Tiếng bước chân âm u Tiếng gió ù ù

Tôi vạch tìm gốc cây Đâu dấu chân tổ tiên Đâu bóng hình thế kỉ Tôi gõ lên phiến đá Nơi hang sâu

Con suối cạn ngoằn ngoèo kí ức Dòng người lầm lũi đi

Mắt sáng trong veo Nụ cười xiêu dại Họ đi đường nào

(Trên đường)

Đó là những tháng năm huyền tích mà những người mở đất có khi phải đánh đổi cuộc sống của mình để tìm sự sống cho người nối tiếp:

Trong bóng tối dò tìm Bầu trời không sao sáng Những con thuyền ra đi

Những con thuyền không bao giờ trở lại

(Ngày đang mở sáng)

Lần tìm trong những lớp trầm tích của bóng tối, của lòng đất, nhà thơ tìm lại được hơi thở của sự sống mãnh liệt của con người qua những ẩn dụ về hạt

Hạt giống giấu nụ cười

Những mầm cây ấm dần hơi thở Hạt giống

Bật từ bóng tối Cái chết lửng lơ

Những chiếc rễ từng ngày bám vào lòng đất

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Lắng mình lại để suy tư, hoài vọng về lịch sử - văn hóa ông cha bao đời truyền nối, nhà thơ hiểu ra những đắng cay vất vả khôn cùng mà người đi trước đã phải vượt qua để cho người hôm nay bước tiếp:

Đoàn người đi lam lũ dưới hoàng hôn Nắng rớt sau ngày chói gắt

Nơi biển thuở hồng hoang mở đất Sương giá tan tê dại kiếp người

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Và nhiều khi, tác giả tìm thấy sự đồng điệu để hòa cảm vào những mạch chảy của dòng thời gian lịch sử. Đối diện với quá khứ để kết nối với hiện tại và suy nghĩ về tương lai, những xúc động mãnh liệt dâng trào cuộn chảy trong mỗi câu chữ:

Tôi bấu chặt bàn chân quen đi dày xuống mảnh đất cha ông Dòng máu rần rật chảy khắp người tôi tan chảy

Tôi đắp da thịt mình những mảnh màu ẩn sâu trong đất Và dâng lên đầu lưỡi rìu máu đất đỏ thời gian

(Trên đường)

Dù lịch sử có thăng trầm chìm nổi, dù cha ông và dân tộc đã trải qua bao phen bão tố, dù cuộc sống trên đất nước này đã từng vô cùng vất vả gian lao, thì với cái nhìn yêu thương và hi vọng, nhà thơ vẫn cảm nhận được những con đường hạnh phúc hứa hẹn rộng mở phía tương lai:

Tôi mang theo dòng máu tổ tiên Lội qua sình lầy, tù đọng

Ấu thơ vang trong lồng ngực phập phồng Phía trước chân trời

Tối mù giông tố

Ánh sáng nhô lên hổn hển

(Ngày đang mở sáng)

Có thể thấy, cội nguồn văn hóa - lịch sử của dân tộc đã trở thành một đề tài được quan tâm đặc biệt trong trường ca Trần Anh Thái. Nó đem lại cho người đọc những tình cảm thẩm mĩ cao đẹp, sâu lắng, cũng như lời nhắn nhủ tha thiết về ý thức trách nhiệm trước cha ông, đất nước. Cũng vì thế, mạch nguồn cảm hứng này đã tạo nên những nội dung mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc trong trường ca Trần Anh Thái.

2.1.2.2. Cảm hứng về chiến tranh và các vấn đề hậu chiến

* Cảm hứng về chiến tranh

Chiến tranh là một hiện thực lớn bao trùm lịch sử Việt Nam. Nó trở thành một nguồn cảm hứng chủ đạo của văn chương Việt Nam một cách tự nhiên, tất yếu. Chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm giá trị và xuất sắc xoay quanh mảng hiện thực này, và có nhiều những tác phẩm đang và sẽ viết về nó, như một hành trình chưa bao giờ hoàn tất. Vì vậy, đề tài về chiến tranh không chỉ là những nguồn cảm hứng, những giá trị lịch sử mà còn tiếp tục khẳng định một khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay.

Trần Anh Thái là lớp người trực tiếp trải qua đời sống thời bom đạn, cho nên chiến tranh như một ám ảnh sâu đậm và rõ nét, tạo thành mảng đề tài lớn trong trường ca của nhà thơ người lính này.

Kí ức về chiến trận trong Trần Anh Thái trước hết là sự tàn khốc của khói lửa đạn bom với sự tàn phá, chết chóc kinh hoàng:

Đại bác rít qua bầu trời lửa

Những chùm mây ám khói đạn bom

(Ngày đang mở sáng)

Đối diện với hiểm nguy của chiến trường như thế, nhưng người lính chỉ biết vượt lên chứ không dừng lại hay chùn bước:

Chân trời Vực thẳm Ba lô sập mắt Gió lặng hành quân Xơ tước cánh rừng Dốc người dựng ngược (Ngày đang mở sáng)

Đôi khi cái chết cận kề người lính bởi nó rình rập ngay trên đầu, ngay dưới chân. Chiến trận là một hố tử thần khổng lồ, đòi hỏi người ta phải biết chấp nhận và phải có bản lĩnh thép:

Pháo kích rít bầu trời rực lửa Cỏ dưới chân vật vã gió rền

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Tinh thần và ý chí là điều không thể thiếu, những tai họa và cái chết là điều cũng không thể tránh trong chiến tranh. Nhà thơ chỉ biết đau đớn thốt lên vừa căm phẫn vừa xa xót:

Chiến tranh cắt ngang máu chảy ròng ròng

(Mỗi loài hoa một mặt trời)

Những người lính không sợ hãi hay hối tiếc khi cái chết xảy đến, mà họ hiểu rằng họ ngã xuống cho gia đình, quê hương, đất nước. Nhà thơ Trần Anh Thái còn cảm nhận trong cái chết ấy bao nỗi niềm không thể diễn tả thành lời:

Những cái chết mơ hồ

Những cái chết muôn đời thua cuộc Trong trò chơi tạo hóa đặt bày

(Mỗi loài hoa một mặt trời)

Có thể thấy, chiến tranh với tất cả những đau thương, mất mát của nó đã ám ảnh rất sâu trong tâm thức nhà thơ. Nó là tiếng nói của người trong cuộc - tiếng nói từ sâu thẳm niềm tâm tư của một người thấu hiểu nỗi đau, chấp nhận nỗi đau, nhưng không thể nguôi ngoai, không thôi khắc khoải. Nó cũng là sự tưởng nhớ, sự tri ân chân thành sâu sắc đến thế hệ những người đã hi sinh cho cuộc sống ngày hôm nay.

* Cảm hứng về các vấn đề hậu chiến

Chiến tranh thì đã qua đi, quá khứ và lịch sử đã dần lùi xa, nhưng không phải câu chuyện về nó đã có thể khép lại. Bom đạn, cái chết, thắng bại có thể là những thứ mà chúng ta đã thấy đã biết, nhưng đằng sau nó là những vấn đề nhức nhối còn ẩn khuất trong bao số phận, bao nỗi đau còn lại tận bây giờ, thậm chí không bao giờ có thể nguôi ngoai. Nếu chiến tranh là nỗi kinh hoàng, thì các vấn đề hậu chiến là nỗi ám ảnh dày vò khủng khiếp. Thấu hiểu điều này, ngòi bút Trần Anh Thái đã không né tránh mà đối diện với nó một cách can đảm, trách nhiệm.

Sau trận đánh, thắng thua được phân xử, nhưng liệu rằng có ai là người vui mừng hạnh phúc? Đây là những quan sát và suy ngẫm vô cũng sâu sắc, tinh tế, nhân văn khi nhà thơ hiểu rằng chẳng có niềm vui nào cả, dù ai thắng thì vết thương trong lòng sẽ còn hằn mãi đến mai sau:

Cái chết

Bom vùi lấp mặt Mặt trời lấp mặt

Xác quân thù xác bạn gục vào nhau Kẻ thất trận dưới chân đồi lê bước Kéo hoàng hôn rã rời

Kẻ thắng trận hai tay ôm mặt khóc Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau

(Ngày đang mở sáng)

Trở về sau cuộc chiến, người lính già cất giữ trong ba lô của mình cả những huân chương và cả những vết máu còn hoen đọng. Người trở về hôm nay sao quên những người nằm xuống lạnh lẽo ngoài chiến địa xưa. Bình yên hạnh phúc hôm nay sao quên những đau đớn hi sinh ngày trước. Tác giả ngậm ngùi nhận ra nỗi niềm thẳm sâu của thế hệ những người lính già:

Đôi lúc ông ngồi một mình lẩn thẩn đếm huân chương Trong chiếc ba lô còn hoen vết máu

Những gì hiện hình những gì xa khuất Ông cho vào túi áo thi thoảng lấy ra xem

Bao vì sao tỏa sáng huy hoàng và bao vì sao vụt tắt

(Mỗi loài hoa một mặt trời)

Chiến tranh không phải chỉ biết hận thù, mà lớn hơn còn phải có sự thấu hiểu cảm thông, còn phải nhớ tình người với tình người. Trước ngôi mộ những người lính phía bên kia chiến tuyến - những người đã từng là kẻ thù, tác giả bật lên những thương cảm rất con người, rất nhân văn:

Những cái chết vô danh không tên không địa chỉ Mẹ các anh ở đâu

Em gái các anh đâu

Cơn gió trống hàng cây run rẩy

(Ngày đang mở sáng)

Đọc trường ca Trần Anh Thái, chúng ta giật mình nhận ra bao nhiêu điều cần phải nghĩ tiếp, bao nhiêu điều cần phải được nhìn nhận đầy đủ hơn, bởi lịch sử đã qua đi nhưng nỗi đau thì vẫn ở lại. Những vấn đề hậu chiến thực sự đã trở thành một vùng mẫn cảm nhức nhối trong thơ Trần Anh Thái, từ đó truyền đến người đọc bao rung động và đánh thức trong ta tiếng nói trách nhiệm, lương tri.

2.1.2.3. Cảm hứng về thân phận con người

Hành trình khám phá về con người của văn chương là một hành trình bất tận. Mỗi tác phẩm văn học như là sự hóa thân của những trang viết vào từng số phận, để cùng sẻ chia, đồng cảm và trân trọng. Có lẽ, cái còn lại sau thời gian chính là dáng dấp con người hiển hiện trong văn chương. Nói cách khác, con người chính là phần hồn của những tác phẩm văn chương. Văn học là một phương tiện quan trọng giúp con người trở thành con người vì nó mở ra những bí mật của con người, giúp con người hiểu thêm về chính mình, trở nên phong phú hơn và một phần từ chỗ hiểu mình, từ sự phong phú của chính mình, con người hiểu thêm về thế giới, sự phong phú của thế giới.

Văn học viết về bất kì đề tài nào, bằng bất kì hình thức nào, thì cuối cùng vẫn là viết về con người, viết cho con người. Trong đó, thân phận con người có thể coi là vấn đề trung tâm, vấn đề cốt lõi của văn học. Trường ca Trần Anh Thái cũng không ngoại lệ khi xoáy sâu và bám chặt vào trọng tâm này.

Trần Anh Thái thường suy tư và không ngừng trăn trở, chất vấn về ý nghĩa, giá trị kiếp sống con người. Trước hết nó được đặt vào mạch chảy của thời gian cuộc đời:

Người cất vó bè dọc dòng không bến Gió u mê không cuối không đầu Cần vó cong suốt mùa nước nổi

Mưa nắng mòn tay, ông cất số phận mình Con cóc già vuốt mặt ngồi yên lặng Cỏ đồng xanh nhàm chán kiếp người Ngày tháng kéo nỗi buồn thả xuống Nhịp thời gian biền biệt chảy trôi

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Trường ca Trần Anh Thái còn dành những thổn thức khôn nguôi cho những thân phận lao động lầm than, qua bao đời bao kiếp không thoát khỏi được cảnh tù túng nghèo khổ của những người làm nông chân lấm tay bùn:

Mảnh đất linh hồn ông cha Đêm chợt vọng bốn chiều

Người lầm lũi úp mặt vào bờ ruộng

(Ngày đang mở sáng)

Có những trường hợp, tác giả có những liên tưởng vừa giàu sức gợi vừa vô cùng ám ảnh về sự mong manh, nhỏ bé đến vô nghĩa của số kiếp con người trên cõi đời này:

Những sóng nước vỗ hoang trên số phận Những cánh cò mưa loang bốn mặt

(Trên đường)

Có những trạng huống đau lòng về sự thiếu đói được nhà thơ tái hiện. Sự hồn nhiên cũng như nỗi khát khao rất đỗi con người của đứa trẻ càng khiến người mẹ thêm xót xa nhói lòng:

Chiến tranh đã lấy đi của mẹ tuổi hai mươi

để con được hạnh phúc làm người Nhưng giờ đây mẹ quần quật suốt ngày bữa cơm no đói Con không thể chịu đựng nữa đâu

Mẹ đi đi và mang về bánh mỳ chả lụa

(Mỗi loài hoa một mặt trời)

Không chỉ con trẻ, mà ngay cả người lớn cũng nhiều khi không gượng nổi để chống chọi với những đói khát của cuộc đời. Nhà thơ cay đắng nhận ra những nỗi niềm run rẩy trong lòng người:

Người đổ xuống cánh đồng cơn đói mờ run Khát bàn tay lạnh

(Ngày đang mở sáng)

Không chỉ là cái đói cái khát, con người nhiều khi còn phải đối mặt với hiểm nguy tính mạng. Bao nhiêu thôi thúc và sức ép từ cuộc mưu sinh khiến người ta phải chấp nhận đánh đổi sự đoàn viên êm ấm bên gia đình, tại quê nhà,

để đi tìm kiếm nguồn sống, để đi theo giấc mơ thay đổi cuộc đời. Để rồi, những tai họa và cái giá phải trả là không gì kéo lại được:

Người lên rừng và xuống bể Những giấc mơ cất cánh trở về Hồn lãng đãng sương mù cát bụi Đàn ông nước cuốn sông trôi

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Nhưng vượt qua tất cả, nhà thơ phát hiện, dù có gặp những thách thức ghê gớm của đời sống vốn đầy khó khăn cũng như bất trắc, nhưng con người dường như luôn mang một bản năng, một nội lực mạnh mẽ về sức sống. Phát hiện đó được nhà thơ khẳng định và tô đậm bằng những hình ảnh giàu ý nghĩa:

Người thợ cày nhâm nhi giọt máu của mình

Chảy qua những dòng sông cánh đồng biển sâu lam lũ

(Ngày đang mở sáng)

Có thể thấy, càng thương cảm xót xa cho những nỗi đau của thân phận con người bao nhiêu, Trần Anh Thái càng tin tưởng và yêu thương trân trọng con người bấy nhiêu. Đó là bởi nhà thơ đã nhìn thấy trong chiều sâu nhân bản những sức mạnh, những vẻ đẹp của con người. Những khám phá đa chiều và phức điệu của Trần Anh Thái đã đem đến cho ta thêm những hình dung, nhận thức phong phú và nhân văn về nhân bản, về con người.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca của trần anh thái (Trang 33 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)