Biểu tượng lửa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca của trần anh thái (Trang 74 - 79)

7. Đóng góp của luận văn

3.3.1. Biểu tượng lửa

Như bao con người tồn tại ở các vùng miền khác nhau trên trái đất này, con người Việt Nam cũng được hưởng nhiều ân huệ từ lửa. Người ta sống nhờ lửa (lửa làm chín thức ăn, lửa xua đi cái giá lạnh, lửa bảo vệ con người trước thú dữ…). Người ta yêu bằng lửa - lửa tình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trai gái. Và khi chết, con người ta cũng không thể thiếu lửa. Nhiều người Việt Nam sống cả đời chỉ chăm chút sao cho sau này chết đi có người hương

không có lửa (lửa của nhang khói, lửa của đèn nến). Sự hiện diện của người thân yêu đã khuất trong mỗi mái ấm gia đình là bàn thờ. Những người còn sống thể hiện sự tưởng nhớ người đã khuất bằng việc thắp hương, không để “hương tàn khói lạnh”… Như thế, còn lửa là còn sự sống, còn tình yêu, khi đã “tắt lửa lòng” cũng là khi người ta đã tuyệt tình cạn nghĩa. Người ta thắp lửa là muốn thắp lên sự sống, và tất nhiên người thắp lửa bao giờ cũng rất được trân trọng.

Cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt Nam có tục thờ thần lửa (biểu hiện của văn hóa sùng bái lửa). Nói cách khác, lửa là thần thánh, là lực lượng siêu nhiên. Rất nhiều các dân tộc ở Việt Nam có tục thờ thần lửa mặc dù cách thức và mức độ thể hiện có khác nhau. Có những dân tộc thờ lửa quanh năm nhưng không có lễ cúng dành riêng cho thần lửa vào dịp tết, trong khi một số dân tộc khác thì lễ tết luôn gắn liền với nghi thức thờ thần lửa. Trong đời sống tâm linh người Việt, lửa còn có ý nghĩa như là cầu nối, là phương tiện vận chuyển từ thế giới người sống sang thế giới người chết. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong nghi thức dâng hương (thắp hương, đốt hương) của người Việt. Người Việt tin rằng nén hương khi đốt lên (có lửa) như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Ngày giỗ, ngày tết, bàn thờ không thể không có lửa đèn, khói nhang. Chỉ khi thắp lửa đèn, khi dâng hương, người Việt mới khấn vái, cầu mong gia tiên phù hộ độ trì, thành kính mời ông bà, ông vải về ăn cỗ cúng và tin rằng tấm lòng thành kính của người thắp hương sẽ quyện theo làn khói thơm hướng về cõi thiêng liêng.

Cũng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt, lửa còn có sức mạnh xua đuổi tà khí - lửa tẩy uế. Ý nghĩa này thể hiện trong những phong tục như đốt vía, xua đuổi tà ma, ám khí. Người đi chợ gặp người mà họ cho là có vía xấu, họ châm lửa đốt giấy hoặc rơm rạ để “vía lành ở lại, vía dữ bay đi”. Người mới chuyển đến nơi ở mới thường đốt một đống lửa to trong nhà để xua đuổi không khí lạnh lẽo cũng là tạo hơi ấm, khơi thắp lên sức sống mới cho ngôi nhà.

Lửa đã được người tiền sử phát hiện ra cách đây nhiều nghìn năm. Sự phát hiện ra lửa và sử dụng lửa cho mục đích của cuộc sống được coi là một bước tiến quan trọng trong văn minh của loài người. Nhờ có lửa, con người dần biết ăn chín, uống sôi, biết dùng lửa để sưởi ấm, xua côn trùng, thú dữ… Cũng nhờ có lửa, con người biết đốt nóng kim loại để rèn, đúc dụng cụ, tăng năng suất lao động, phục vụ nhu cầu cuộc sống. Có thể nói: lửa có mặt trong mọi hoạt động của cuộc sống con người và trở thành một hình tượng giàu ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân. Nói đến lửa, người ta nghĩ đến ánh sáng, hơi ấm và sức nóng, sự đốt cháy…

Những điều đó cũng đã phần nào cho thấy: hình tượng lửa trong đời sống văn hóa Việt vừa mang những ý nghĩa chung trong văn hóa nhân loại vừa có những nét ý nghĩa in đậm dấu ấn riêng của đời sống văn hóa dân tộc.

Với văn học nói chung và thơ ca nói riêng, lửa luôn là một hình tượng nghệ thuật hữu dụng để thể hiện sức sống, sức mạnh, sự linh thiêng và nhiều ý nghĩa cao cả của con người.v.v.. Điều này cũng đã được thể hiện một cách sâu sắc và ấn tượng trong trường ca Trần Anh Thái.

Trong cảm quan của Trần Anh Thái, lửa như là biểu tượng của bóng tối thời kì khởi nguyên, của tro tàn qua những thăng trầm nổi chìm lịch sử. Lửa đưa ta quay trở về những thuở đầu nguồn sự sống:

Làng từ thuở khởi nguyên tăm tối Cơn khát trôi trên lửa cháy vô cùng Chẳng thành tro tàn

Mà thành chìm nổi

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Nhà thơ nhìn lửa như là một quyền năng ánh sáng, vừa linh thiêng vừa soi rọi, như là một giá trị vĩnh cửu và gắn liền không tách rời với cuộc sống con người ngàn đời:

Ngọn lửa trước sân đình đốt lên thiêu cõi âm u Những bàn tay gân guốc, già cả

nắm giữ đất đai huơ vào thời gian vĩnh cửu

(Ngày đang mở sáng)

Có lúc, tác giả cảm nhận được lửa như một thực thể hóa thân vào tinh thần và tâm thức con người, cùng ta trải qua tất cả những cung bậc thăng trầm buồn vui thương nhớ hay hạnh phúc khổ đau trong đời sống:

Lửa bừng lên ngọn sóng Lửa tràn cõi lang thang Lửa dịu ngày cơ nhỡ

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Đồng thời, nhiều khi hình tượng lửa còn như là một ám ảnh về sức hủy diệt, tàn phá của chiến tranh. Nỗi đau về ngọn lửa khói hương trước sự hi sinh của con người được nhà thơ thấu hiểu và diễn tả đầy xúc động:

Ba mươi lần người đời sắm ngựa hồng,

giày nhung vàng mã… Chị chẳng có cho mình

Nắm đất thắp nhang riêng

Nấm mồ có tên, làng còn tìm được

linh hồn đứa con của mình Nhưng còn biết bao nấm mồ vô danh khác

Cây vàng mã mua cất vào góc tủ Chị sợ đốt rồi hương khói sẽ bay đâu.

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Qua cảm nghiệm của nhà thơ, con người còn nhận được từ lửa sức mạnh, bản lĩnh. Lửa như một giá trị lan tỏa và thổi bùng lên sức ấm nóng, hun đúc tôi rèn nên sự vững vàng, bền bỉ can trường:

Lửa xua cơn run rẩy Lửa tan dần âu lo

Lửa đốt phiến đá xanh khắc hình vào đá

(Đổ bóng xuống mặt trời)

Đặc biệt, lửa như yếu tố kì diệu thắp lên ánh sáng của niềm tin, sự hi vọng, tinh thần lạc quan. Nó mở ra và soi chiếu cho con người những con đường, những chân trời ánh sáng phía tương lai:

Đừng rụt rè và đừng e ngại

Lửa đang sáng lên ở phía chân trời

(Ngày đang mở sáng)

Có lúc trầm nghị, lắng đọng, nhà thơ lại nhìn thấy ở hình tượng lửa sự ấm áp của tình nghĩa, sự lung linh sâu thẳm của kí ức và kỉ niệm. Có lẽ, chỉ có lửa mới ủ ấm và cất giữ cho con người những điều tưởng chừng mãi trôi vào xa xăm hư ảo như thế:

Ngọn lửa xa xôi trong mắt con thơ Người tựa vào đôi mắt ấy dò tìm

(Ngày đang mở sáng)

Có những khi con người với những áp lực muôn chiều của đời sống mà mệt mỏi, âu lo, thậm chí lạc lối hay đánh mất mình, lửa sẽ soi sáng trong ta những gì còn ẩn khuất, thắp lên trong ta sự tinh khôi trong khiết của tâm hồn, dẫn ta tìm về với những gì đẹp đẽ bản nguyên con người:

Những con đường tinh khôi dấu vết Lửa cháy lên, soi sáng hồi sinh

(Ngày đang mở sáng)

Như vậy, có thể thấy, hình tượng lửa trong trường ca Trần Anh Thái có đầy đủ các ý nghĩa biểu trưng cho sự khởi nguyên (quá khứ), sự hủy diệt (chiến tranh), sức sống (hòa bình, hiện tại). Nó tạo nên một cấu trúc đăng đối và đa

diện cho các tầng lớp ý nghĩa của hình tượng thơ. Đây có thể coi là một trong những thành công ấn tượng của Trần Anh Thái.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trường ca của trần anh thái (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)