7. Đóng góp của luận văn
3.2.1. Ngôn ngữ độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo của tác giả
Ngôn ngữ ở đây được hiểu là ngôn ngữ văn học, mang ý nghĩa thẩm mĩ và tính nghệ thuật. Đây là yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng của người viết, với các thuộc tính như tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Với thể loại trữ tình, ngôn ngữ thường cô đọng, hàm súc, giàu biểu cảm, được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu.
Nghiên cứu trường ca Trần Anh Thái, có thể thấy nổi lên hai đặc điểm cơ bản về ngôn ngữ: giàu tính ẩn dụ - tượng trưng; giàu tính biểu cảm, sáng tạo.
Mặc dù với dung lượng độ dài của thể loại có thể ảnh hưởng đến sự chắt lọc của ngôn từ, nhưng có thể thấy ngôn ngữ trong trường ca của Trần Anh Thái vẫn là một thứ ngôn ngữ được lựa chọn và tinh luyện đến cao độ. Biểu hiện của sự tinh luyện ấy là hệ thống ngôn ngữ rất giàu tính ẩn dụ - tượng trưng.
Với trường ca Trên đường, hàng loạt những hình ảnh ẩn dụ nhằm tượng trưng và gợi mở những tầng hàm nghĩa đã được Trần Anh Thái xây dựng và sử dụng. Đó là những ẩn dụ nghệ thuật như: Con đường, Ánh sáng ban mai, Bụi nắng, Sương giá, Cánh rừng, Lửa, Giấc mơ, Bóng tối, Vết máu, Cánh đồng,
Dòng sông.v.v.. Có khi, chỉ trong cùng một đoạn thơ, các hình tượng như thế được xuất hiện với tần suất dày đặc:
Tôi mơ cánh đồng Dấu tuyết khô còn lạnh
Trận chiến xưa thương tích chưa lành Tôi bước về phía đồi Rochester rét mướt Vết máu loang khát thèm
Cánh chim ướt qua mưa mù thương tích
Trong trường ca Đổ bóng xuống mặt trời, người đọc có thể thường xuyên gặp những biểu tượng ẩn dụ như: Đoàn người, Ngọn nến, Sóng, Đêm, Huyền thoại, Khúc ru, Khúc ca, Cơn khát, Giấc mơ, Hoang phế, Cỏ, Đất, Cánh đồng, Hạt giống.v.v.. Cách sử dụng những ẩn dụ như thế của nhà thơ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng và suy nghiệm, từ đó hòa cảm vào mạch thơ của tác giả:
Cánh đồng mọc ra từ máu thịt ông bà Lửa đậu đêm đêm ban thờ tiên tổ Hạt giống giấu nụ cười
Những mầm cây ấm dần hơi thở Hạt giống
Bật từ bóng tối Cái chết lửng lơ
Những chiếc rễ từng ngày bám vào lòng đất…
Với cách xây dựng và sử dụng ngôn ngữ giàu tính ẩn dụ - tượng trưng, trường ca Trần Anh Thái thể hiện khả năng gợi mở cũng như tính đa tầng nghĩa của một chất thơ vừa sâu lắng vừa thăng hoa.
Trước hết, có thể nói, Trần Anh Thái đã kết tụ và dồn trút tất cả những xúc cảm thẳm sâu và mãnh liệt nhất trong lòng mình để nuôi dưỡng từng từ, từng chữ trong thơ. Đọc chữ là thấy người, mỗi từ ngữ mỗi hình ảnh mà nhà thơ sử dụng luôn luôn cất chứa trong nó tràn đầy rung cảm mà tác giả kí thác.
Thấu hiểu và chia sẻ những đâu thương vất vả lam lũ của dân làng, nhà thơ từ tấm lòng mình đã viết nên những câu đầy nghĩa tình:
Bao ngổn ngang sóng xiết sông sâu Người làng ngậm buồn thả vào trời biếc Cây ngô đồng không tưới vẫn ra hoa Lá tre nhỏ mà vòm che rợp mát Giông bão tràn chát mặn ngày qua Làng tồn sinh sau mỗi sáng mai Và khép lại ngày dài liên tiếp Mưa nắng nửa chừng
Làng trĩu hình gánh lúa gập trên lưng
(Đổ bóng xuống mặt trời)
Không chỉ biểu cảm, ngôn ngữ thơ Trần Anh Thái cón rất giàu sáng tạo với những sự kết hợp từ mới lạ độc đáo. Ví dụ, nhà thơ đã có sáng tạo rất ấn tượng về hình ảnh “bầu trời”:
Con thơ đói sữa Nắn túi quay đi Ròng ròng nước mắt
Bầu trời cong hình một lưỡi câu
(Mỗi loài hoa một mặt trời)
Nhiều trường hợp, nhà thơ đã sáng tạo ra những cách nói, những thi ảnh đột sáng: Vòm xanh trầm mặc cúi đầu; Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau; Tôi cất giấu giấc mơ vào ngăn bàn học, và tối tối tôi bí mật lấy ra đặt trong trái tim mơ hồ thuần khiết.v.v.. Những cách tạo hình và dùng chữ như vậy đem đến những dấu ấn sáng tạo đầy ấn tượng cho trường ca Trần Anh Thái.