7. Đóng góp của luận văn
3.2.2. Giọng điệu phức hợp, đa dạng về sắc thái
Trong văn học, giọng điệu được coi là một yếu tố độc đáo và đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của tác giả. Nó là phạm trù thẩm mĩ, phản ánh thái độ, lập trường tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ của tác giả. Sự phong phú trong giọng
điệu xuất phát từ mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, từ sự lựa chọn thể loại, lời văn nghệ thuật và các motif, hình tượng…
Đối với thể loại trường ca, có thể khẳng định, một đặc điểm nghệ thuật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca chính là sự đa giọng điệu. Giọng điệu trong trường ca sử thi hiện đại chủ yếu là giọng điệu ngợi ca, có khi kết hợp cả giọng điệu kể mang chất tự sự pha lẫn giọng điệu tâm sự giãi bày; có khi là độc thoại nội tâm thiên về chất bình luận triết lý, hầu như ít có sự xuất hiện của ngôn ngữ đời thường suồng sã. Tính chất đa giọng điệu của trường ca đóng vai trò quan trọng, tạo nên sắc thái biểu cảm cao tránh lối sáo mòn về hình thức thể hiện. Đây là một đặc điểm nổi bật góp phần làm nên sự thành công cho trường ca Việt Nam hiện đại.
Qua những khảo cứu tác phẩm, có thể thấy trường ca Trần Anh Thái nổi lên một số giọng điệu cơ bản: giọng tự sự; giọng trữ tình; giọng suy tư - triết lí; giọng hoài nghi, chất vấn.
Với mảng đề tài nội dung phong phú rộng lớn cùng yếu tố cốt truyện khá rõ nét, trường ca Trần Anh Thái đã sử dụng giọng tự sự để thuận lợi và phù hợp trong việc tái hiện và truyền tải hiện thực.
Trong thơ ông, rất nhiều kí ức cũng như sự kiện, câu chuyện được lồng ghép qua mạch tự sự. Đó là khi tác giả kể câu chuyện về đất và người của làng quê ngàn đời:
Câu chuyện muôn năm rì rầm thời hoang sơ mở đất Đất ơi
Dòng máu người đang rần rật chảy
Nắng quái mưa tràn không ố bẩn giấc mơ Mặt trời ngày ngày đi qua bóng đêm câm lặng
Những rễ cây âm thầm xuyên trong nhọc nhằn cay đắng Làng lớn dần
Đó là lời thì thầm khẽ kể với chính mình những đớn đau mất mát đáng sợ của chiến tranh:
Chiến tranh đi qua dọc con đường
đầy hoa tươi và vòng tang trắng Nắng tháng năm nhòa gương mặt thời gian
Ai đó nấc lên, tiếng gió xiết gào
Tiếng gió tận cùng giật đứt nhọc nhằn
trong vòng xoáy bủa vây
(Đổ bóng xuống mặt trời)
Có lúc là những câu chuyện gia đình, nhưng hình như rất nhiều người và rất nhiều gia đình trên nước Việt này thấy mình trong đó:
Mẹ thức lúc nửa đêm Cơm tàn tro nguội
Anh tôi biền biệt chiến trường Bầy chim thản nhiên bay qua
(Ngày đang mở sáng)
Giọng kể đậm chất tự sự khiến cho người đọc dễ hòa cảm vào mạch thơ bởi tính chân thực và sự gần gũi thân quen của các chất liệu mà thơ mang chứa. Đây cũng là một yếu tố làm nên thành công của trường ca Trần Anh Thái.
Tuy đưa vào thơ nhiều chất liệu tự sự, nhưng giọng thơ Trần Anh Thái vẫn thấm đượm chất trữ tình. Có nhiều đoạn thơ, mạch cảm xúc thăng hoa đã giúp tác giả có được những diễn ngôn đầy bay bổng, dào dạt rung cảm.
Thương nhớ về kí ức đẹp đẽ của thanh xuân lộng lẫy, tác giả có những câu thơ tràn đầy xúc cảm:
Bao ngọn gió bay đi không để dấu dọc đường Bao mùa chim én bay xây lâu đài bị vùi tan
Và em nữa, điều chúng ta tin còn chưa kịp nói Giờ đã thành cuốn sách gấp qua trang
Sao sáng đợi ai Mà chiều quay bước Hoa rơi nhòa mắt
Tôi nhặt gói vào cánh nhỏ ấu thơ Con chim xanh qua bão tố trở về
Chân đê cũ vắng tiếng cười khúc khích Những chiếc lá đổ nghiêng dòng nước Sợi tóc bay số phận hai chiều
(Đổ bóng xuống mặt trời)
Có lúc là những niềm hư tưởng để thả mình trôi hòa về miền kí ức, với một thế giới xa xăm thực ảo: “Băng qua cánh đồng hoa mào gà đỏ rực, cỏ líu ríu bàn chân, mặt nước mơ hồ con tôm búng nước. Không có ai cản trở trên đường. Tôi vượt qua bờ biển dài rừng sú hoang, những doi cát sõng soài mệt rũ. Gió thì thầm vuốt ru gương mặt. Tôi mang theo dòng máu tổ tiên lội qua sình lầy tù đọng, ấu thơ vang lồng ngực phập phồng” (Ngày đang mở sáng).
Với giọng thơ thấm đượm trữ tình, trường ca của Trần Anh Thái có sức vẫy gọi và lan tỏa sâu sắc trong lòng người đọc. Sự thăng hoa trong cảm xúc đã giúp nhà thơ xây dựng được giọng trữ tình tha thiết bay bổng này.
Là một người mang trong mình nhiều nỗi niềm sâu nặng, những trăn trở khôn nguôi về con người và đời sống, lẽ tất yếu là trường ca Trần Anh Thái mang trong nó giọng thơ suy tư - triết lí.
Trần Anh Thái không chỉ kể lại hay tả lại chiến tranh, mà nghĩ về chiến tranh để lí giải và rút ra những chiêm nghiệm. Đó là những triết lí về thắng thua, được mất của chiến trận: Chiến tranh đi dọc con đường đầy hoa tươi và vòng tang trắng (Đổ bóng xuống mặt trời); Sự ngu muội lầm lạc còn đang rỉ máu trên cỗ pháo già thời chiến (Ngày đang mở sáng).v.v..
Chiêm nghiệm về lẽ sống, lẽ nhân sinh, Trần Anh Thái đúc rút ra những triết lí sâu sắc và minh triết:
Không có đại lộ trần gian Không có bữa tiệc nào dọn sẵn Ánh sáng nâng niu qua nỗi khổ đau
(Mỗi loài hoa một mặt trời)
Có khi, nhà thơ ngẫm suy về con người để chỉ ra những quy luật trong đời sống này: Sự sợ hãi yếu đuối là nơi cái ác tìm về (Đổ bóng xuống mặt trời); Cô đơn nảy sinh khát vọng (Ngày đang mở sáng); Sự sống nảy sinh sau cái chết già (Ngày đang mở sáng).v.v..
Có thể thấy, những suy tư ngẫm nghĩ chiêm nghiệm là cảm thức trường trực trong thơ Trần Anh Thái, tạo nên một giọng điệu nổi bật là giọng điệu trữ tình. Điều đó là cho tính vấn đề, chiều sâu tư tưởng của trường ca Trần Anh Thái được tô đậm và nâng cao, khiến thơ không chỉ là mạch cảm mà còn là
mạch nghĩ.
Luôn mang trong tâm tư nỗi khát khao kiếm tìm, lí giải đặng nhận thức và khám phá về con người, đời sống, Trần Anh Thái luôn luôn đặt ra trong trường ca của mình những câu hỏi, những trăn trở. Điều đó như một tất yếu để tạo nên trong thơ ông giọng điệu hoài nghi, chất vấn.
Người đọc sẽ thường xuyên bắt gặp trong trường ca Trần Anh Thái những câu hỏi đầy hối thúc:
Giông bão đổ vào đâu? Giận dữ đổ vào đâu? Ánh ngày về đâu?
Và một ngày từ đâu đến? Gió vì sao? Mây vì sao? .v.v..
Trước sự biến đổi và vận động của thời gian, nhà thơ tập trung vào lí giải để hiểu hơn về thân phận con người cũng như cội nguồn tiên tổ:
Lạc Long Quân Người sinh ra từ đâu Tôi có gì trong ông
Ông có gì trong rùng rùng đất chuyển
(Đổ bóng xuống mặt trời)
Đâu dấu chân tổ tiên Đâu bóng hình thế kỉ
(Ngày đang mở sáng)
Ngôi mộ xưa Con đường kí ức
Con đường nào tổ tiên tôi đi
(Ngày đang mở sáng)
Có thể thấy, những ưu tư rất nặng lòng thường trực trong tâm tưởng nhà thơ, nó luôn có xu hướng bật lên thành những câu hỏi, những băn khoăn day dứt, những truy vấn đầy hối thúc. Nó phần nào cho thấy nỗi niềm con người trong chiều sâu bản thể thi sĩ của tác giả.