Truyện kể dân gian và lễ hội Suối Mỡ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng văn hóa tâm linh tây yên tử (Trang 93 - 97)

B. PHẦN NỘI DUNG

3.2.1. Truyện kể dân gian và lễ hội Suối Mỡ

Suối Mỡ là một một quần thể thắng tích gồm hệ thống đền, đình cổ nổi tiếng

của huyện Lục Nam, nằm trong sơn phận của sườn Tây Yên Tử hùng vĩ. Truyện kể

về Quế Mị Nương ở Nghĩa Phương là truyện kể dân gian đặc sắc gắn liền với lễ hội

Suối Mỡ - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Suối Mỡ nhằm tưởng nhớ

công chúa Quế Mị Nương thời Hùng Vương - người có công giúp dân mở đất, mở nước, làm ruộng trồng lúa...Trong tâm thức nhân dân, công chúa được suy tôn là Thánh mẫu Thượng Ngàn và được thờ cúng ở cụm di tích đền Suối bao gồm ba ngôi đền: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.

Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” - câu ca xưa - vẫn tươi xanh vẻ đẹp truyền thống của dân tộc với tín ngưỡng thờ Mẫu đã tồn tại trong đời sống nhân dân đất Việt tự bao đời. Hướng về ngày “giỗ mẹ” hàng năm, người dân khu Vực Mỡ náo nức chuẩn bị trảy hội Suối Mỡ. Lễ hội diễn ra trên địa bàn xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam thường kéo dài ba ngày từ 30 tháng 03 đến mùng 02 tháng 04 âm lịch hằng năm. Ngày mồng 01 tháng 04 (âm lịch) là khai hội chính. Lễ hội xưa diễn ra ở làng Dùm do nhân dân làng Dùm chuẩn bị tổ chức. Ngày nay lễ hội chính diễn ra ở Đảo Nổi và cụm di tích đền Suối tại khu du lịch sinh thái suối Mỡ. Vào dịp lễ hội, hàng nghìn du khách thập phương cùng nô nức trảy hội về miền đất in đậm dấu ấn huyền thoại sông Lục - núi Huyền, dâng một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên núi rừng, suối thác.

Lễ hội Suối Mỡ hàng năm được chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Trong lễ hội xưa, công tác chuẩn bị cho lễ hội được họp bàn từ ngày 16 tháng chạp năm trước. Làng Dùm được chia làm 2 giáp: Giáp Đông và giáp Đoài. Mỗi giáp được phân công công việc cụ thể chuẩn bị toàn bộ đồ rước sách và cỗ bàn phục vụ lễ hội. Danh sách những

86

người trong ban tế cũng được niêm yết từ tháng chạp ở đình. Đội quan tế gồm 15 người (11 người tế chính, 4 người dự bị) được lựa chọn kĩ lưỡng theo các tiêu chí nhất định như: Chủ tế có độ tuổi từ 40 - 45 trở lên, các quan viên khác từ 35 tuổi trở lên; các thành viên trong đội tế phải có chân trong nhiêu xã, có tư cách đạo đức được người dân trong làng kính trọng, nể phục, gia đình trong năm đó không có tang. Đội rước kiệu cũng được tuyển chọn từ các làng thông thường gồm 4 thanh đồng là những cô gái khiêng kiệu Thánh, 8 thanh đồng khiêng kiệu bát cống, 34 nam thanh, nữ tú (mỗi giới 17 người) được chọn để tham gia đám rước vào ngày khai hội chính. Từ năm 2015 lễ hội được tổ chức qui mô cấp huyện nên lực lượng chuẩn bị tham gia lễ rước, dâng hương có số lượng rất đông. Mỗi thôn 1 đoàn rước lễ, dâng hương mỗi đoàn tối thiểu 50 người trở lên, 3 mâm lễ trở lên, cờ Tổ quốc 10 cờ, cờ thần 15 cờ riêng thôn Dùm, Tân Hương, Quỷnh, Ba Gò bố trí đoàn rước ít nhất 100 người trở lên. Ban tổ chức lễ hội được thành lập với 4 tiểu ban: Tiểu ban rước, lễ tân; tiểu ban khánh tiết - thể dục thể thao; tiểu ban an ninh; tiểu ban hậu cần, ngân sách.

Đồ lễ Thánh được chuẩn bị chu đáo.Trước đây gần đến lễ hội dân làng Dùm, Quỷnh phải tát ao để bắt 4 con cá mè nướng khô, nếu không có cá thì thay bằng 10 quả trứng vịt luộc sẵn.Đồ lễ còn được chuẩn bị rất công phu với tục giã bánh dày thờ của hàng hội. Người ta vừa giã bánh dày vừa nói vui: “Của bà thì méo, của tôi thì tròn, giã trật hai hòn, thờ cô Tích Mễ”. Ngày nay đồ cúng chuẩn bị cho lễ hội vẫn duy trì thủ lợn úp lên mâm xôi trắng cùng trầu cau, rượu, nước, hoa quả. Ngoài ra các mâm cỗ chay cũng được chuẩn bị chu đáo để tiếp đón quan khách và khách thập phương từ mọi nơi về trảy hội.

Lễ hội diễn ra trong không khí vui tươi náo nức và có tiến trình gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

* Phần lễ

Sáng ngày 01 tháng 04 âm lịch là ngày khai hội chính. Từ chiều 30 tháng 03 nhân dân các làng tập lễ rước thử (gọi là tập ngơi). Sáng sớm ngày khai hội, dân làng tổ chức tế lễ ở đình làng Dùm. Tế xong, xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước qua đền cây Xanh rồi tới đền Hạ. Cùng thời điểm, dân làng Quỷnh cũng

87

rước kiệu Thánh từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị, thờ cúng ở đó ba ngày rồi cùng rước lên đền Trung đóng đám và tế vọng lên đền Thượng. Từ năm 2015 đến nay sau khi đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phần lễ của lễ hội được tổ chức rất long trọng. Ngay từ sáng sớm, 25 đoàn rước lễ, dâng hương do bí thư chi bộ hay trưởng thôn của 25 thôn làm trưởng đoàn với hơn 2000 người tham gia cùng kiệu, lọng, cờ, hoa đủ màu sắc sặc sỡ, xuất phát từ tất cả các thôn trên địa bàn xã Nghĩa Phương tiến về Đảo Nổi - trung tâm lễ hội. Sau màn khai mạc lễ hội là nghi thức tế lễ, rước kiệu, dâng hương. Các đoàn rước tỏa đi các đền của khu du lịch sinh thái Suối Mỡ để làm lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật tốt tươi và dự lễ Thượng lương tại đền Hạ. Phần lễ rước kiệu, dâng hương kết thúc vào khoảng 9 giờ sáng. Sau đó các du khách và khách thập phương vào các đền thắp hương cầu nguyện.

* Phần hội

Tiếng pháo lệnh - nghi thức biểu hiện sự may mắn cho cả làng cất lên mở đầu phần hội của lễ hội Suối Mỡ. Theo quan niệm dân gian nếu pháo ông lệnh nổ to điềm báo một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh. Nếu chẳng may pháo không nổ thì là điềm xui của dân làng. Trong đêm chính hội (đêm 01 tháng 04) các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Bắc Giang trình diễn những tiết mục vô cùng đặc sắc tại sân khấu ngoài trời trên Đảo Nổi như: “Trống hội quê hương”,“Huyền thoại dòng Suối Mỡ”, múa kỳ lân...Tiết mục Huyền thoại dòng Suối Mỡ để lại trong lòng người những ấn tượng sâu sắc khi tái hiện hành trình vượt qua bao gian nan để mở nước, đem sự sống về cho thung lũng Nghĩa Phương khô

của công chúa Quế Mị Nương. Tiết mục đầy xúc động khiến cho Truyện kể về Quế

Mị Nương ở Nghĩa Phương khắc sâu trong tâm trí của nhân dân trong vùng và du khách gần xa. Dù không được tái hiện tích trò ở phần lễ, tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ tài năng vẫn đưa truyện kể dân gian hòa vào không khí lễ hội để nó tồn tại ở dạng sống thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo của người dân vùng Tây Yên Tử.

88

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và tín ngưỡng tâm linh cũng được diễn ra như: Hát đối đáp giao duyên quan họ, hát Then của dân tộc Tày, thi biểu diễn nghệ thuật của các thôn trước đền Trung, giao lưu văn nghệ giữa nhân dân trong vùng và khách thập phương, trưng bày các sản vật độc đáo của huyện... Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, cờ bỏi, đấu vật, đánh đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc, đi cầu thùm, bịt mắt đập niêu…Trong đó, bắn cung và võ dân tộc do người bản địa biểu diễn. Thi bắn cung được mở ở gần khu đền. Cung làm bằng gỗ dâu, néo dây căng. Tên là tre già và cứng, vát nhọn đầu, đuôi gấp mo tre làm cánh tên. Đích bắn làm bằng cót hay lấy mẹt vẽ hồng tâm. Người bắn đứng xa năm chục bước, tuỳ theo ban giám khảo quy định. Ai bắn trúng cả ba mũi tên vào giữa hồng tâm là thắng. Còn võ dân tộc thì có đi quyền, múa côn, múa kiếm, múa đao….

Nét văn hóa đặc trưng nhất của hội Suối Mỡ là hát văn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Tây Yên Tử nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đây là hình thức hát thờ trong các dịp lễ tiết ở các đền trong khu vực suối Mỡ. Hát văn gắn với hầu bóng có đủ 36 giá đồng, mỗi giá có một điệu hát văn khác nhau. Hát văn thường đi cùng với múa trong Lên đồng. Người múa trong hát văn gọi là ngồi đồng. Bằng cách sử dụng âm nhạc độc đáo, trang phục ấn tượng,cách sắp đặt bài trí không gian đặc sắc với lời hát trau chuốt, nghiêm trang các thanh đồng, cung văn đã hóa thân thành các vị thần, thánh, biểu diễn những màn múa hát đặc sắc đưa người nghe vào trạng thái mông lung, huyền ảo với sự giao hòa giữa đời sống trần tục và thế giới thần linh. Tại lễ hội suối Mỡ năm 2019 liên hoan hát văn - diễn xướng hầu đồng huyện Lục Nam lần thứ VI được tổ chức, thu hút 20 câu lạc bộ hát văn từ nhiều vùng trong cả nước nhằm tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hát văn không phải là hoạt động mê tín dị đoan mà là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng đã và đang được giữ gìn, bảo tồn ở khu vực suối Mỡ và vùng Tây Yên Tử.

Lễ hội Suối Mỡ hội tụ đầy đủ các nét văn hóa dân tộc độc đáo của các dân tộc anh em trên địa bàn Tây Yên Tử. Lễ hội cũng là môi trường bảo lưu và tái hiện

89

lòng thành kính, biết ơn sâu sắc của nhân dân địa phương đối với Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Trong tâm thức nhân dân Thánh Mẫu Thượng Ngàn vẫn hóa thân trong từng tế bào cỏ cây, suối thác để phù hộ độ trì và đem đến cho họ cuộc sống bình yên. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2015 lễ hội Suối Mỡ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng văn hóa tâm linh tây yên tử (Trang 93 - 97)