Truyện kể dân gian về nhân thần phản ánh quan niệm “uống nước nhớ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng văn hóa tâm linh tây yên tử (Trang 72 - 77)

B. PHẦN NỘI DUNG

2.3.2. Truyện kể dân gian về nhân thần phản ánh quan niệm “uống nước nhớ

nguồn”, đề cao các nhân vật văn hóa, nhân vật lịch sử

Trong đời sống tâm linh của người Tây Yên Tử, ngoài tục lệ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thổ công khá phổ biến ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước nhằm

65

đánh thức ý thức về nguồn cội trong đáy sâu tâm linh Việt, còn lưu giữ rất đậm nét tín ngưỡng thờ nhân thần gắn với tục thờ Mẫu và thờ Thành hoàng. Soi vào hệ thống truyện kể trong vùng chúng tôi nhận thấy có 13 truyện kể phản ánh tín ngưỡng này.

Trong số 13 truyện kể được khảo sát có 5 truyện phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu khá độc đáo. Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian đồng thời là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc xã hội sâu xa. Nó thể hiện sự tôn vinh các vị thần là nữ có khả năng siêu phàm có thể điều khiển được thiên nhiên, con người đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Thờ Mẫu vốn có nguồn gốc nhiên thần song trong tâm thức của cư dân vùng Tây Yên Tử các Mẫu được tôn vinh tồn tại như những nhân thần

đem đến cuộc sống tốt đẹp cho con người. Trong các truyện kể: Quế Mị Nương ở

Nghĩa Phương, Công chúa Lê Chân, Nữ thần đền Ngọc Lâm, Công chúa Thiều Dương, Sự tích ngôi đền Từ Co chúng tôi nhận thấy các nhân vật được xây dựng đều là những công chúa xinh đẹp, đài các như Quế Mị Nương, Lê Chân, Thiều Dương hay những liệt nữ quả cảm như Thánh Thiên, Ngọ Tiên Nương. Họ đều vượt khỏi vùng an toàn của phận nữ nhi để trở thành những người phụ nữ anh hùng và được suy tôn là nữ thần, mẫu thần che chở bảo vệ cho đời sống còn nhiều khó khăn của con người. Hành trạng của nàng Quế Mị Nương còn in dấu ấn ở 5 ngón tay mở nước với 5 bậc thác và cụm di tích đền Suối ở suối Mỡ - Nghĩa Phương - Lục Nam. Đây là vị Thánh Mẫu Thượng Ngàn có công chinh phục thiên nhiên, mở nước tái sinh sự sống cho con người đồng thời là vị Thánh Mẫu yêu thương dân chúng, che chở cho nhân dân, giúp họ vượt qua những hiểm họa khôn lường trong những chuyến đi rừng, vượt suối. Công chúa Lê Chân lại tạc khắc dáng hình của mình ở các đền miếu trong 35 vùng đất nàng đi qua đặc biệt là ở bến Bò - Lục Nam với 8 chữ vua ban: “Trấn quốc Tam Giang Ả Nương công chúa”. Nhân dân Tây Yên Tử đời đời ghi nhớ tấm lòng yêu nước, thương dân và công lao mở mang làng xóm, phát triển dân sinh của công chúa - con gái xinh đẹp và hết mực yêu quý của vua Hùng Định Vương. Dân gian còn suy tôn công chúa là bà chúa Giếng. Công chúa Thiều Dương cũng in đậm hình bóng của mình trong tâm thức nhân dân trong vùng như một đức Thánh Mẫu. Đền thờ nàng được xây dựng ở hành cung tại phường

66

Hoàng Mai với sắc phong mỹ tự: “Tối linh công chúa thượng đẳng phúc thần, dữ quốc đồng hưu, vĩnh vi bá thúc”. Còn nữ thần đền Ngọc Lâm có công đánh đuổi giặc Hán đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân trong vùng lại anh dũng hi sinh trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nên được nhân dân trong vùng từ thế hệ này đến thế hệ khác thờ phụng tại đền Ngọc Lâm - Yên Dũng. Tấm lòng vì nước vì dân và sự quả cảm, tận hiến cho đất nước của bà như ngọn hải đăng soi đường cho thế lớp con cháu mai sau. Không phải là công chúa hay nữ tướng nhưng Ngọ Tiên Nương trong Sự tích ngôi đền Từ Co cũng được suy tôn là đức Thánh Mẫu trong tâm thức nhân dân địa phương. Vì không chịu chở giặc qua sông nên bà và hai người con bị giặc giết rồi vứt xác xuống sông. Bà được triều đình phong là: “Thánh Mẫu Ngọ Tiên Nương tối linh đại vương”. Cũng có dị bản kể bà là mẹ của hai người con tài giỏi có công dẹp giặc giữ yên bờ cõi. Giặc tan ba mẹ con lên thuyền về quê gặp mây đen kéo đến. Họ bị cuốn trôi vào dòng nước. Đền thờ bà được xây dựng ở xã Hương Gián, huyện Yên Dũng. Chúng tôi cũng nhận thấy, các Thánh Mẫu được tôn vinh trong những câu chuyện trên đều có tài năng xuất chúng, có ý chí kiên cường đủ để chinh phục thiên nhiên và chiến thắng giặc ngoại xâm nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể thấy những truyện kể phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu đã khảo sát ở trên thể hiện mong muốn được thần linh chở che, bảo vệ, được sống trong điều kiện mưa thuận gió hòa để an cư lập nghiệp của nhân dân trong vùng. Nó cũng đồng thời phản ánh nét lịch sử văn hóa lâu đời của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong vùng và liên kết tinh thần giữa những người có niềm tin vào các Mẫu tạo nên sức mạnh cố kết cộng đồng trong một môi trường sống lành mạnh, giàu cảm thông và sẻ chia. Trong đời sống đương đại, tín ngưỡng thờ Mẫu đã, đang tồn tại và phát triển không ngừng. Nó hướng đến đời sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn. Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng lấy chữ tâm làm cốt lõi nên thu hút mọi tầng lớp trong xã hội. Nhiều chùa, chiền, đền miếu trong vùng thờ các Thánh Mẫu với niềm tin được chở che, bảo vệ, niềm tin mọi lời cầu xin sẽ được thiêng hóa với quan niệm “phúc đức tại mẫu”. Tín ngưỡng thờ mẫu được phản ánh

67

trong các truyện kể dân gian vì thế còn có ý nghĩa góp phần giáo dục và hướng con người đến với các giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc đời.

Chiếm số lượng nhiều hơn trong nhóm truyện kể thờ nhân thần được khảo sát là 8/13 truyện kể phản ánh tín ngưỡng thờ Thành hoàng. Thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc thời cổ đại. Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam:Thành hoàng là một phạm trù ngoại lai, nhưng lại mang một nội hàm bản địa Việt không hoàn toàn giống nguyên bản. Đó là một đặc điểm vay mượn ngôn từ và khái niệm ngoại quốc một cách sáng tạo của người Việt” [25]. Cũng theo tác giả này,trong tâm thức người Việt “Tín ngưỡng Thành hoàng thực chất là tín ngưỡng phúc thần đóng vai trò liên kết cộng đồng người trong một cộng đồng lãnh thổ nông nghiệp hữu hạn, làm nơi quy y tâm linh cho cư dân. Tín ngưỡng Thành hoàng mang màu sắc Việt trong bản chất dù đã tiếp thu bao nhiêu yếu tố tôn giáo và văn hoá khác” [25]. Ở vùng Tây Yên Tử tín ngưỡng thờ Thành hoàng tồn tại với tư cách là tín ngưỡng bản địa có từ lâu đời. Nhóm truyện kể phản ánh tín ngưỡng này cũng rất phong phú. Ngoài những Thành hoàng có nguồn gốc nhiên thần như Cao Sơn, Quý Minh, Thánh Tam Giang các Thành hoàng đi vào truyện kể chủ yếu là những nhân thần cụ thể, là những nhân vật lịch sử ở các triều đại đã được lưu danh trong sử sách gắn liền với các thần tích, thần phả. Đó là những

hoàng tử Lý Quảng Thông, Lý Quảng Phùng trong Truyện về vị thành hoàng làng

Đặng xã Vĩnh Khương; Hoàng tử Chiêu Văn, Chiêu Hoàng trong Huyền thoại nghè Hang xanh và cây Dã, những danh tướng có công trạng lớn trong công cuộc chống

ngoại xâm như: Tướng quân Vũ Thành trong Truyền thuyết Vũ Thành, tướng quân

Vi Đức Lục trong truyện cùng tên và Đô chỉ huy sứ tướng quân trong Huyền thoại

về vị thành hoàng xã Đồng Việt, Thiên Bồng tướng và Thuận Thiên trong truyện kể cùng tên,Thắng Địch Hầu trong Truyện về Hà văn Chiếu ở Nghĩa Phương, được triều đình sắc phong và nhân dân các địa phương tôn thờ. Đó cũng là những nhân

vật văn hóa có công tu sửa đình miếu như Hà Công Dong trong Truyện về Hà Công

Dong được nhân dân ngưỡng mộ, suy tôn. Điều đáng chú ý là các truyện kể được

khảo sát chủ yếu phản ánh cuộc kháng chiến chống quân Tống trong triều đại nhà Lý của nhân dân Tây Yên Tử. Các nhân vật trong các truyện kể này hầu hết là

68

những hoàng tử, danh tướng hay nhân vật văn hóa có công trạng trong triều đại nhà Lý. Có những vị được nhân dân tôn thờ là Thành hoàng như hai hoàng tử nhà Lý và Hà Công Dong; có những vị được triều đình sắc phong đương cảnh Thành hoàng, bản cảnh Thành hoàng, thượng đẳng tối linh thần đại vương như Thiên Bồng Tướng và Thuận Thiên hay Đô chỉ huy sứ tướng quân và vị thần giúp Đô chỉ huy sứ tướng quân đánh bại quân Tống và giặc Chiêm Thành...Họ cũng đồng thời là những phúc thần luôn hiển linh, âm phù che chở, bảo vệ cho nhân dân từ trong vùng.

Nhóm truyện kể phản ánh tín ngưỡng thờ Thành hoàng thể hiện truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Tây Yên Tử nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Truyện kể về các vị Thành hoàng thêm một lần cung cấp cho nhân dân tri thức về những vị Thành hoàng họ đang thờ phụng. Từ đó, họ bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đối với những con người bằng tài năng xuất chúng đã đem lại cuộc sống yên bình cho con người. Nhóm truyện kể này cũng có ý nghĩa qui tụ tâm linh, cố kết cộng đồng trong đời sống của nhân dân Tây Yên Tử. Ngày nay, với công nghệ 4.0 và sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, con người đã lý giải được những khoảng trống trong nhận thức, những bất công về mặt xã hội, những hiểm họa, may, rủi truy đuổi cuộc sống của mình nhưng tín ngưỡng thờ Thành hoàng vẫn có những giá trị nhất định. Trong thẳm sâu tâm thức, người dân địa phương luôn ngưỡng mộ, tôn vinh những vị Thành hoàng và cầu mong họ với uy quyền to lớn, sẽ hiển linh âm phù giúp đỡ mọi thành viên trong cộng đồng vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống đời thường. Mỗi khi gặp rủi ro, mỗi khi đối mặt với hiểm họa khôn lường người dân vẫn đến đình, chùa, miếu của làng cầu cúng Thành hoàng mong được chở che để tai qua, nạn khỏi và được bình an. Nhóm truyện kể phản ánh tín ngưỡng thờ Thành hoàng còn góp phần duy trì và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của nhân dân Tây Yên Tử. Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng gắn bó chặt chẽ với môi trường diễn xướng lễ hội - nét sinh hoạt văn hóa độc đáo trên nhiều địa bàn trong vùng. Các truyện kể phản ánh tín ngưỡng thờ thành hoàng vì thế có sức sống mãnh liệt trong tâm thức nhân dân sườn Tây núi Yên Tử.

69

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian vùng văn hóa tâm linh tây yên tử (Trang 72 - 77)