Then phản ánh xã hội của người Tày trong quá khứ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở định hóa, thái nguyên (Trang 44 - 47)

7. Bố cục của luận văn

2.2.4. Then phản ánh xã hội của người Tày trong quá khứ

Ra đời và phát triển lâu dài trong lòng dân tộc, Then chứa đựng trong nó những dấu ấn về lịch sử xã hội người Tày của một thời quá khứ. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua diễn xướng Then và đặc biệt là văn bản lời hát Then. Ra đời trong dân gian, gắn với đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên lời hát Then là sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân miền núi mà trước hết là môi trường tự nhiên xã hội của người Tày. Đó là môi trường miền núi với đặc trưng là nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc được phản ánh khá rõ trong hành trình Then mang lễ vật lên mường trời. Có thể nhận thấy làng bản và cuộc sống sinh hoạt lao động sản xuất của người dân Tày hiện lên rất quen thuộc trong Then: đầu bản có giếng nước nguồn, trên cánh đồng có nơi thả vịt, có đàn lợn, đàn trâu thả rông, v.v... Một số thầy Then đã ví von so sánh con đường lên mường trời của họ mà qua đó mường trời hiện lên chẳng khác gì mường đất nơi mà họ sinh sống như là sự lộn ngược của thế giới trần gian. Nó cũng bao gồm cảnh vật, rừng núi, chim muông, sông suối, chợ búa buôn bán làm ăn chẳng khác gì dưới trần.

Nhiều chương đoạn trong lời hát Then đã miêu tả khá sinh động về một không gian miền núi đầy chất hoang dã thuở trước. Lễ vật mà họ mang lên cúng tiến mường trời là những sản vật họ tự nuôi trồng, săn bắt hoặc hái lượm được mà qua đó đã phản ánh được phương thức lao động sản xuất của họ. Lễ hội của Then, Pụt về nguồn gốc là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống bình an thịnh vượng mà biểu trưng là cả đám đông tưng bừng nhảy múa xung quanh cây hoa vũ trụ trong các lễ hội. Điều này đến nay vẫn còn tìm thấy qua nghi thức múa đá hoa suôi suông quanh cây hoa hào quang trong Then của người Tày. Hiện thực cuộc sống trong Then chủ yếu gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, lạc hậu và còn nhiều vất vả, khó khăn.

Được nuôi dưỡng và phát triển trong dân gian nên trước hết Then là sự phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân qua nhiều thế hệ. Đó là những mong muốn rất bình dị của người nông dân: có thóc gạo, trâu bò, gà vịt đầy nhà, cha mẹ già trường thọ, gia đình hoà thuận yên vui, con cái hiếu thảo trưởng thành. Đối với những người làm nghề cúng bái thì làm nghề được linh nghiệm, được dân làng tín nhiệm mang lại vẻ vang cho gia tộc. Những ước nguyện này được thể hiện chủ yếu qua lời cầu khấn và qua nội dung từng nghi lễ cụ thể, ví dụ qua các lễ kỳ an đầu năm, lễ chúc thọ cho cha mẹ, lễ cúng tạ Mẹ Hoa, các lẩu Then v.v... Ngoài ra, trong Then còn có khá nhiều nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người. Thông qua nghệ thuật ngôn từ Then đã khắc họa nên những hình tượng nhân vật tương phản: Trai đần- trai giỏi, gái lười - gái chăm với ý nghĩa răn đe dạy dỗ người đời. Để khuyên răn con cái hiếu thảo với cha mẹ. Then ca ngợi tình mẫu tử qua kể chuyện thằng cu Vỉnh để khuyên răn chị em gái, mẹ chồng nàng dâu không nên cãi lộn tranh vợ cướp chồng. Bài Then Luồng Hoa (Rồng Hoa) từ việc lý giải nguồn gốc của hiện tượng cầu vồng, người dân tộc Tày đã gửi gắm vào những câu Then ấy bài học sâu sắc về cách chọn vợ, chọn chồng; đồng thời ca ngợi tình nghĩa thủy chung giữa con người với con người. Câu chuyện trong bài Then ấy có thể tóm tắt như sau: Xưa có một người con gái đẹp lấy phải một người chồng . Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bị chồng hắt hủi, cô buồn tủi, chẳng khi nào được ăn một bữa cơm ngon. Một hôm cô đã về nhà mẹ đẻ xin một bữa cơm nhưng nhà mẹ cô cũng chỉ còn bát rau mới luộc. Cô ăn một phần, còn một phần không quên mang về cho người chồng ở nhà. Thế nhưng người chồng lại mắng chửi cô vì nghĩ rằng cô về nhà ngoại ăn thịt trâu nem phượng, ăn bát đầy bát to, chỉ mang về cho chồng rau luộc. Cả ngày anh chồng cứ tra xét, cuối cùng cô đành nói nếu không tin thì cứ mổ bụng ra xem. Người chồng dùng dao mổ bụng vợ ra thì quả thực chỉ thấy toàn mon luộc và rau. Hối hận vì việc mình làm, người chồng đã tự chém mình chết. Thương người vợ chính chuyên với chồng, Bụt đã cho nàng hóa thành Rồng Hoa (cầu vồng) trên trời. Cuối bài Then là lời nhắn nhủ của người vợ đến các cô gái rằng đừng lấy chồng ăn tham, cần tìm hiểu kĩ trước khi kết hôn; qua đó cũng thể hiện thái độ đầy cảm thông của người dân lao động đối với những người phụ nữ có số phận bất hạnh:

Tiếng Tày

Bởi nàng nhằng chính chuyên đuối má Hắt hứ lồng tàng cáp ngả ba Biến pền tua luồng hoa nưa phạ Hẹn thâng hoằn típ há pỏ hương Oóc kin nặm thế dương đại hải Tắng mừa các nhân ngại thế gian

Hẹ cạ cần kin tham dá kiết Xa đáy hăn kín nết cỏi au Nắm hứ hóa bên sau thấp thoáng Vẹ the hình sáng loáng tung thiên

Tuyền the hứ thế khiên rầu rỏm Nghị mà nặm tha ắng pền phuân.

Dịch nghĩa

Nàng là vợ chính chuyên với chồng Đã cho nàng xuống ngã ba đường Để biến thành Rồng Hoa trên trời

Hẹn tới những ngày các tháng Ra uống nước thế gian đại hải Nhắn về tới các cặp tình nhân Nếu là người ăn tham thì đừng

Tìm hiểu cho kĩ hãy kết hôn Không cho xảy ra sau đáng tiếc Trông hình vẽ rồng treo trên trời

Chuyện xưa truyền để người rõ Nghĩ rồi nước mắt tuôn như mưa.

[39, Tr.46]

Như vậy, thông qua nghệ thuật ngôn từ, Then đã hội tụ được trong nó những giá trị dân gian truyền thống của dân tộc Tày như các câu chuyện kể, những truyền thuyết, các câu thành ngữ tục ngữ đã được chau chuốt, gọt giũa, v.v...mà qua đó đã

làm sáng rõ được nhân sinh quan cũng như các quan niệm đạo đức của người dân Tày. Điều cần nhấn mạnh ở đây là thông qua hình thức phê phán, khuyên răn, ca ngợi kết hợp với đặc điểm diễn xướng kể chuyện bằng hình thức hát có đệm đàn của mình, Then thực sự đã đạt được hiệu quả cao trong giáo dục cộng đồng mà không phải hình thức tuyên truyền nào cũng làm được.

Bên cạnh hiện thực hoá đời sống khổ cực của người dân trong xã hội có giai cấp, Then cũng tỏ rõ thái độ phê phán và ý thức phản kháng của người dân đối với kẻ cầm quyền. Then mỉa mai châm biếm những kẻ làm quan “ăn trên ngồi trốc” ngồi mát đánh bát đầy, Then phê phán thói hư tật xấu của họ như ham chơi, mê gái đẹp, tham lam, v.v... Qua đó Then ca ngợi phẩm chất cao quý của người lao động: trọng việc nghĩa, giữ chữ tín, thuỷ chung như nhất, v.v... Cũng qua Then, bộ mặt thật của xã hội phong kiến với những tệ tham quan ô lại, ăn của đút lót, dối trên lừa dưới ở chốn quan trường phần nào cũng được phơi đầy.

Như vậy, xét về mặt nội dung Then chuyển tải trong nó những thông điệp của một thời quá khứ. Ngày nay, nhiều vấn đề trong Then không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại song những giá trị nhân bản trong giáo dục đạo đức thì vẫn mãi mãi có giá trị. Mặt khác, nghiên cứu diễn xướng Then nói chung trong đó có văn bản Then chắc chắn sẽ là một trong những hướng tiếp cận đóng góp cho việc tìm hiểu một cách sống động hiện thực đời sống xã hội của người Tày trong quá khứ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở định hóa, thái nguyên (Trang 44 - 47)