Then tích hợp giá trị văn hóa của người Tày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở định hóa, thái nguyên (Trang 47 - 50)

7. Bố cục của luận văn

2.2.5. Then tích hợp giá trị văn hóa của người Tày

Trước hết với tính chất là một lễ hội của nghề Then, Then cấp sắc thể hiện nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Tày. Đó là tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết tương trợ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và rộng ra là trong làng bản. Để có được một lễ cấp sắc hoàn chỉnh, bản thân thầy Then và gia đình thầy phải nhờ đến sự trợ giúp về công sức của nhiều người trong gia đình, dòng họ, trong bản làng của thầy. Sự giúp đỡ hồn nhiên, vô tư «không màng quyền lợi» cũng như sự cổ vũ nhiệt tình và trân trọng của cộng đồng đối với thầy Then đã chứng tỏ rằng Then có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội của người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên.

Như vậy, đối với đồng bào Tày nói chung thì nghề thầy cúng trong đó có Then là nghề cứu nhân độ thế, những người làm nghề chân chính luôn nhận được sự

trân trọng của mọi người. Việc một đệ tử được cấp sắc thì đó là niềm vinh dự và tự hào của gia đình, dòng họ và là niềm tự hào của cả bản làng nơi người đó cư trú vì điều đó có nghĩa là bản họ đã có thêm một vị “quan” và thêm một lực lượng âm binh gìn giữ sự bình an cho dân bản. Vì vậy sau nghi thức cấp sắc, một thủ tục không thể thiếu được là họ hàng, anh em, bè bạn sẽ lần lượt đến vái tạ người đệ tử, tặng họ quà và các phong bao với ý nghĩa vừa là chúc mừng vừa là giúp đỡ thêm cho họ một phần kinh phí. Đặc biệt, đây còn là dịp các học trò hoặc con nuôi (những người được thầy cứu giúp) bày tỏ lòng biết ơn với thầy nếu đó là dịp tăng sắc của thầy. Các món quà mà họ mang đến tặng thầy ngoài ý nghĩa vật chất còn thể hiện tình nghĩa thầy trò thấm nhuần tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” trong tâm lý người Việt Nam nói chung. Có thể nói, tuy là một việc mang tính chất cá nhân nhưng lễ cấp sắc thực sự là một ngày hội vui của làng bản. Giống như các lễ hội truyền thống mang tính chất cộng đồng khác, đến đây người ta không những thoả mãn nhu cầu về tinh thần (thưởng thức nghệ thuật dân gian dân tộc) mà quan trọng họ còn được thoả mãn về nhu cầu tâm linh (được thánh thần ban phát lộc). Những người bình thường đến dự lễ thì cầu may mắn, người ốm đau bệnh tật thì hy vọng được khoẻ mạnh.

Tinh thần tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hoá nổi bật thể hiện trong lễ cấp sắc của người Tày. Với lễ cấp sắc, cùng với sự trợ giúp và đỡ đầu của thầy cha (Tào) và thầy mẹ (Then) người đệ tử như đứa trẻ mới được sinh ra, được thầy cha và thầy mẹ chia sẻ binh quyền để đi hành nghề. Tình cảm đó thật thiêng liêng. Có người còn giải thích việc cắt đôi dải vải nối giữa thầy Tào và thầy Then là tượng trưng cho việc “cắt rốn” của đứa trẻ mới sinh. Vì vậy, trong tình thầy trò của các thầy Then còn bao hàm tình cảm cha mẹ với con cái. Khi người đệ tử được cấp sắc tức là họ đã chính thức gia nhập vào gia đình dòng cúng với các mối quan hệ theo kiểu gia đình có cha (thầy cha), mẹ (thầy mẹ), anh (sư huynh), em (sư đệ), v.v... Nghi thức mời thầy vào nhà với các thủ tục long trọng là một nghi thức thể hiện sự biết ơn và kính trọng thầy được thể hiện trong Then cấp sắc ở Định Hóa. Sau khi xong thủ tục cấp sắc, mũ áo và vật dụng hành nghề, có một nghi thức quan trọng là người đệ tử lạy tạ các thầy cha, thầy mẹ, tặng lại miếng vải hồng (quá hồng) làm khước cho các thầy của mình. Từ sau lễ

cấp sắc trong danh mục tổ sư của họ có ghi tên tổ sư của thầy cha đã cấp sắc cho họ, luôn luôn được họ mời đi theo hành nghề.

Trong các dịp nhà thầy có việc lớn hoặc các dịp lễ tết và khi thầy qua đời, người học trò có trách nhiệm giống như con cái trong gia đình thầy. Học trò tin rằng sau khi qua đời, thầy và âm binh của thầy vẫn tiếp tục phò tá cho họ trong các lễ Then, họ vẫn thường mơ thấy tổ tiên và các sư phụ uốn nắn, chỉ bảo họ cách hành nghề giống như khi các vị đó còn sống. Và như vậy, lễ cấp sắc đã thiết lập nên một mối quan hệ cao hơn cả quan hệ thầy trò - đó là quan hệ vừa là thầy vừa là cha mẹ, vừa là trò nhưng cũng vừa là con cái mà qua đó rất có tác dụng đối với việc giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho thế hệ trẻ với ý nghĩa “không thầy đố mày làm nên”.

Một thể hiện có ý nghĩa khác trong Then là nó đã phản ánh được một nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Tày đó là sự tôn trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Gia đình người Tày nói chung là kiểu gia đình tiểu phụ quyền, người đàn ông có vai trò quyết định những việc lớn trong gia đình nhưng dựa trên sự tôn trọng ý kiến của người vợ. Lòng biết ơn và sự tôn trọng người vợ được thể hiện qua một số nghi thức điển hình trong Then cấp sắc: Khi thầy Then (nam giới) nhận lễ cấp sắc thì bên cạnh anh ta phải có người vợ ngồi chứng kiến, các đồ lễ mà anh ta nhận được từ thầy trao cho như quạt, ấn, xóc nhạc, v.v.. lần lượt được bỏ vào vạt áo trước của bà vợ với ý nghĩa rằng rồi đây người vợ sẽ làm nhiệm vụ thắp hương và trông coi bàn thờ ở nhà để anh ta đi hành nghề. Một thể hiện nữa là khi thầy Then được tặng quà và phong bao, anh ta sẽ đưa lại hết cho người vợ ngồi cạnh với ý nghĩa “của chồng công vợ”.

Mở rộng ra khi xem xét các lễ Then (Then đi hành nghề) thì còn thấy được ở đó các giá trị thuộc về đạo đức, lối sống gắn với những truyền thống văn hoá lâu đời của người Tày. Chẳng hạn như truyền thống yêu già kính trẻ là một trong những nét đẹp nổi bật trong văn hoá ứng xử được thể hiện khá rõ trong các nghi lễ Then kỳ yên, giải hạn. Ở Then kỳ yên đầu năm người ta thường kết hợp với việc làm lễ giải hạn cho ông bà, cha mẹ và những người thân trong gia đình nếu họ đã đến tuổi xung, tuổi hạn, đồng thời làm lễ cúng Mẹ Hoa cho trẻ em nếu gia đình có trẻ em dưới 10 tuổi. Ngoài ra trong Then có khá nhiều nghi lễ liên quan đến người già như lễ mừng thọ cho cha mẹ với các tục vần khẩu lường là tục thể hiện sự cầu mong ông bà cha mẹ

trường thọ qua tục con cháu đổ thêm gạo vào bồ với ý nghĩa bù gạo để người già có thêm lương thực ăn để trường thọ. Đặc biệt tục quan tâm bà mẹ và trẻ em được thể hiện qua hàng loạt các nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ của người phụ nữ, từ khi hoài thai cho đến khi đứa trẻ ra đời tới khi lên mười tuổi, v.v... Các nghi lễ này ngoài yếu tố tâm linh ra còn thể hiện được sự quan tâm trân trọng của gia đình, con cháu, họ hàng và cả bè bạn đối với những đối tượng cần sự quan tâm của xã hội như người già, trẻ em, phụ nữ. Rõ ràng là so với các hình thức mới như mừng thọ, mừng đầy tháng có ăn uống linh đình nhiều khi gắn với mục đích kinh tế thì các nghi lễ Then mang tính truyền thống có cội rễ lâu bền hơn trong đời sống tinh thần người Tày. Chính vì vậy dù còn có điểm này điểm khác cần phải bàn thêm nhưng có thể nói rằng nghi lễ Then là sự tích hợp trong nó những truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Tày.

Mặt khác, Then là sự hội tụ những tài hoa nghệ thuật trong dân gian. Những thầy Then bằng công việc của mình đã góp phần đắc lực vào việc phổ biến và lưu truyền nghệ thuật biểu diễn Then từ đời này sang đời khác. Nếu như trong lễ Then thường, các nghệ nhân chỉ biểu diễn chính là đàn và hát thì trong Then cấp sắc họ đã thực sự thể hiện hết mình thông qua các hình thức biểu diễn khác như múa, diễn trò, nhập đồng... Đặc biệt ở đây phải kể đến các điệu múa trong Then. Chỉ có thông qua lễ cấp sắc người xem mới thực sự được thưởng thức hết vẻ đẹp tinh tế, sự phong phú và cuốn hút của các điệu múa dân gian Tày. Và vì vậy, cũng có thể nói rằng Then đại lễ trong đó có Then cấp sắc là một diễn xướng góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá nghệ thuật tinh tuý của người Tày ở Định Hóa, Thái Nguyên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở định hóa, thái nguyên (Trang 47 - 50)