Nhân vật có số phận éo le, bất hạnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của đỗ bích thúy (Trang 34 - 41)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Nhân vật có số phận éo le, bất hạnh

Trong sự chuyển đổi chung văn học Việt Nam từ sau đổi mới, bằng những suy tư riêng của mình, Đỗ Bích Thúy đã góp phần khẳng định quan niệm tích cực, đậm tính nhân văn về con người. Là cây bút trẻ, sống trong một thời đoạn xã hội phát triển vô cùng đa dạng, phong phú với những thay đổi mạnh mẽ trong lối sống, đạo đức, trong khi không ít cây bút sa đà vào vòng xoáy của kinh tế thị trường với lối viết câu khách nhạt nhòa, sáo rỗng và những toan tính vật chất mà sao nhãng dần ý nghĩa cao quý của văn chương, thì Đỗ Bích Thúy vẫn giữ được tâm niệm sâu sắc và nhân bản về văn chương. Chị đã viết những dòng tâm sự chân thành trong tập truyện Người đàn bà miền núi thể hiện sự trăn trở khôn nguôi của một cây bút tâm huyết, trách nhiệm: “Văn chương (dù là một truyện ngắn hay một đoản văn) phải mang trong nó những ẩn ức về cuộc đời, về thân phận con người”[41]. Xuất phát từ đó, Đỗ Bích Thúy luôn đau đáu, khắc khoải với số phận của những con người nhỏ bé, bất hạnh, phải chịu nhiều bi kịch của cuộc đời. Mô típ nhân vật thường thấy trong các tác phẩm của chị là người mẹ, người chị, người vợ- những người đàn bà miền núi âm thầm, lặng lẽ, số phận đầy éo le, bất hạnh. Người phụ nữ vùng cao trong văn của Đỗ Bích Thúy gần như không có nhiều thời gian để sống trong hạnh phúc yêu thương. Nỗi đau khổ lớn nhất là gần như họ hoàn toàn không được tự quyết định hạnh phúc của đời mình. Người phụ nữ miền núi và những ước vọng luôn bị trói buộc bằng những sợi dây vô hình là điều chị muốn bạn đọc thấu hiểu.

Lật dở từng trang tiểu thuyết Bóng của cây sồingười đọc nghẹn ngào cùng số phận đầy đau khổ của nhân vật Kim. Gấp lại cuốn tiểu thuyết, số phận của cô vẫn ám ảnh, day dứt khôn nguôi với độc giả. Kim đã kéo dài nỗi bất hạnh ngay từ trong trứng với những khổ nhục truyền kiếp từ đời bà, đời mẹ: “Mẹ Kim đi vào vết chân của bà ngoại, Kim cũng không tránh được vết chân của mẹ..”[42, tr.20] . Đối với người phụ nữ không cha như bà, như mẹ, như Kim, người dân Lao Chải nói rằng: “dòng máu chảy trong người không phải màu đỏ mà là màu đen, gột rửa mười đời không sạch được” [42, tr.38]. Kim vì thế trở thành một dị biệt giữa gốc gác vững chãi của cộng

đồng Lao Chải. Chỉ vì Kim là cô gái duy nhất trong làng không có bố nên dù Kim có là một cô gái xinh đẹp nhất và ngoan hiền, chăm chỉ nhất ở thung lũng Lao Chải thì số phận của Kim cũng không thể khác mẹ cô:“đã mười tám tuổi rồi mà không ai muốn lấy về làm vợ”[42, tr.26] .Có thể nói triền miên những bất hạnh của cuộc đời Kim bắt đầu từ cách nghĩ cổ hủ đã ăn sâu bắt rễ vào máu của người Lao Chải. Nó lạc hậu, mông muội và vô lý làm sao nhưng cả Kim, Phù, cả cái thôn Lao Chải, cả cái xã Thanh Vân phải chấp nhận, phải theo nó. Sức mạnh vô hình của những kì thị, những quan niệm thật ghê gớm. Nó giống như một lưỡi dao vô hình mà sắc lạnh hết lần này đến lần khác dày vò, làm tan nát cuộc đời Kim. Chi tiết một mình Kim nhỏ bé, cô đơn chật vật với đám ma của mẹ làm đau nhói trái tim người đọc: “Kim đành gạt nước mắt đưa mẹ đi sớm, xin mẹ đợi mấy vụ lúa nữa, cô chăm chỉ làm lụng rồi mới làm ma khô cho mẹ được… Chỉ có duy nhất một cái quan tài. Không có nhà táng, không đón rước ông then”[42, tr.28]

Trong cuộc đời mỗi người, nỗi đau lớn nhất là khi mất mẹ, và với Kim thì nỗi đau này lớn hơn ai hết vì ngoài mẹ, Kim không có lấy một người để an ủi, sẻ chia trong tận cùng nỗi đau tinh thần và cùng cực nỗi khốn khổ vì thiếu thốn vật chất. Tài sản lớn nhất, tình yêu, niềm tin và chỗ dựa tinh thần duy nhất của Kim là mẹ không còn. Nỗi đau chồng chất nặng như núi đá Hà Giang đã ghì Kim gục ngã. Kim chới với, cô độc giữa cuộc đời, không thể thanh minh dòng máu trong người mình cũng“màu đỏ giống máu người Dao, người Tày Lao Chải” [42, tr.25]không tự mình lí giải vì sao“Kim là con của núi rừng này, cuả làng bản này. Vậy mà mọi người lại hắt hủi Kim”, cũng không thể trả lời cho câu hỏi “không biết sống thế nào nữa rồi ?”[42, tr.25]

Bế tắc và đau khổ trong bi kịch bị chối bỏ quyền làm người, Kim đoạn tuyệt với thế giới thực tại, gieo mình xuống dòng nước những mong tìm được lối thoát ở thế giới bên kia. Nhưng Phù lại cứu Kim, không cho Kim chết. Không có gì đau xót bằng việc sống không bằng chết. Đau đớn, tủi nhục hơn nhiều lần nữa khi phải sống dở chết dở: “sống không được sống mà chết cũng không được chết”. Từng câu, từng chữ như gằn lên, như nghiến, như thắt lại trước những cay đắng mà Kim phải gánh chịu một cách vô lý bởi những quy định bất thành văn hà khắc của cộng đồng nơi đây. Và khi Kim chấp nhận để dòng nước dịu dàng dìm mình xuốngcũng là lúc tiếng nói bênh vực, yêu thương cất lên để lại bao day dứt trong lòng người. Đó cũng là lời kết tội dành cho một lề lối xưa cũ, cổ hủ và khắc nghiệt của người dân tộc trên núi đá cao nguyên Hà Giang.

Tưởng như bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người giữa cộng đồng đã là quá bất hạnh, phũ phàng đối với một cô gái trẻ tuổi đời mới chớm đôi mươi. Nhưng bi kịch

tình yêu tiếp tục bất ngờ ập đến như chặn đứng bước chân của Kim giữa dòng đời. Phù yêu Kim nhưng không dám bước qua lệ làng để đến với cô. Ngày Phù cưới Mai, Kim thêm một lần tự mình vật vã với nỗi đau lớn trong đời. Nhà văn không dùng nhiều tính từ để miêu tả tâm trạng của Kim, nhưng qua việc tái hiện lại những hành động, người đọc như thấy cả một thế giới nội tâm đang nổi sóng. “Ngày Phù đón cô dâu mới. Tiếng quan làng hát mười mấy bài không một câu nào ở ngoài tai Kim. Kim chạy xuống cầu thang,chui vào khe nước, chạy trốn lên nương…Kim ngồi trên một cành to của cây dẻ nhìn rõ…Kim tụt xuống gốc cây ngồi bệt trên đám lá mục, úp mặt vào hai bàn tay. Những vết sẹo trong lòng bàn tay cọ vào má lành lạnh. Nước mắt cũng không làm cho ấm lên được… Kim vùng dậy, chạy thật nhanh ra khỏi rừng cây. Gai cào vào váy, tiếng váy rách loạt xoạt... Kim ngã quỵ ở cửa rừng” [42, tr.94]. Sự thật nghiệt ngã khiến Kim muốn trốn chạy, không dám đối diện. Nhưng tất cả suy nghĩ và linh hồn Kim bị đám cưới của Phù mang đi mất rồi. Có chạy thế nào cũng không có thể thoát ra được: “..tiếng hát vẫn chạy vào tai. Vào tai rồi còn ở trong đấy dội đi dội lại, ù đặc” [42, tr.95]. Kim chua chát tự hỏi:“ Tại sao Phù không dám làm cái điều mà cả hai người cùng nghĩ đến?”. Rồi Kim lại tự mình ngậm ngùi, xót xa trả lời câu hỏi của chính mình: “Không ai tin là máu chảy trong người Kim cũng có màu đỏ….Kể cả Phù, Phù cũng đã không tin Kim, nên Phù mới để Kim lại một mình thế này” [42, tr.95]. Cho dù tình yêu Kim- Phù chưa tròn hình, rõ tiếng nhưng thực sự nó được đã được hai người cảm nhận một cách rõ nét trong thế giới tình cảm của mình.Với Kim, tình yêu ấy cho dù mong manh, mơ hồ nhưng nó là ý nghĩa cuộc sống duy nhất mà cô có được sau những ngày chênh vênh với nỗi đau mất mẹ. Đã nhiều lần Kim nghĩ đến dòng sông và cái chết, nhưng cứ nghĩ đến dòng sông thì khuôn mặt Phù lại hiện lên níu giữ bước chân cô. Trước sự phũ phàng của số phận, ở hai thế chông chênh của cuộc đời, tình yêu của Phù như một nguồn sinh khí giúp Kim tiếp tục bấu víu lấy sự sống. Đám cưới của Phù với Mai là dấu chấm hết cho những hi vọng cuối cùng của Kim.

Bi kịch bị chối bỏ quyền làm người, bi kịch khát vọng tình yêu tan vỡ khiến Kim không còn có lí do để tiếp tục cuộc sống trên mảnh đất hà khắc đầy đau khổ Lao Chải nữa. Chưa đầy một tuần trăng sau lễ cưới của Phù, Kim lặng lẽ bỏ đi như một cuộc chạy trốn, như một lời phủ định đối với nơi này. Kim đã bỏ làng ra đi, nhưng thật trớ trêu, cô lại trở thành nạn nhân của nạn buôn người qua biên giới, rồi phải trở về làng với đứa con không có bố. Để tiếp tục cuộc sống với một đứa trẻ không rõ tông tích, Kim dần lâm vào bi kịch tha hóa… Người đọc có thể nhận thấy những trang tác giả dành cho Kim là những trang tâm huyết nhất, gan ruột nhất. Nhà văn

như sống cùng nỗi đau của nhân vật để có thể hiểu, cảm thông với nhân vật. Ngòi bút của Đỗ Bích Thúy len lỏi vào tận đáy sâu tâm hồn của Kim giúp người đọc hiểu tất cả những ẩn ức phía sau và những căn nguyên của sự tha hóa để thấy thương nhân vật nhiều hơn là trách móc.

Nằm trong hệ thống những nhân vật người phụ nữ bất hạnh không thể không kể đến Mai trong Bóng của cây sồi. Bất hạnh đầu tiên của Mai là sự xấu xí về hình thức với đôi mắt một mí bé tí, kéo dài trên khuôn mặt. Mai hát hay, mỗi lần nghe tiếng hát của Mai, bao nhiêu trai làng chạy đến, nhưng đến rồi nhìn thấy Mai lại vội vàng bỏ đi ngay. Mẹ Mai biết bao lần nhìn trộm con gái rồi nén tiếng thở dài. Xấu không phải cái tội nhưng rõ ràng là nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Lấy Phù, một “cây sồi cao quá, to quá, chim bay mỏi cánh, người nhìn mỏi mắt”[42, tr.141] khiến Mai càng thiếu tự tin với nhan sắc của mình. Thế nên Mai càng trở nên xa cách với Phù, “đôi mắt ấy không lần nào còn nhìn thẳng vào Phù nữa, lúc nàoMai cũng giấu ánh mắt mình đi. Giờ thì, hơn lúc nào hết Phù cảm thấy Mai hoàn toàn xa lạ với mình” [42, tr.98]. Mai sống một cuộc đời hẩm hiu với hạnh phúc tuy bé nhỏ nhưng chẳng thể trọn vẹn bởi bất hạnh lớn nhất của Mai là người phụ nữ có chồng mà không thể có con. Mai ngày một“gầy mòn đi, mắt to ra, má hóp lại, răng đã hô lại càng hô hơn nữa, giọng nói cũng khác, khàn khàn như người mới qua trận ho” [42, tr.184]. Có thể rồi số phận của Mai cũng giống với vết đời của mẹ già trong Tiếng đàn môi sau

bờ rào đá, suốt đời lặng lẽ, cay đắng, buồn tủi chỉ vì quan niệm lâu đời của thôn bản:

“Làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi”[40, tr.30].

Bất hạnh cũng vô cùng đau đớn, thiệt thòi của Mai là lấy chồng mà không có được tình yêu của chồng. Trong đêm tân hôn, giữa hai người là một khoảng chiếu mới trống không và sáng ra cái dây lưng vẫn thắt chặt trên người cô dâu mới, chưa một chiếc cúc bạc nào bật ra. Mai chỉ được làm vợ Phù vào những đêm trăng sao tắt ngấm, số lần làm vợ chỉ đếm trên đầu ngón tay trong một tháng, một năm. Cuộc sống của Mai như cuộc đời của một con người thừa, héo hon dần theo năm tháng. Một người phụ nữ không được làm thiên chức của một người mẹ, một người vợ và không có tình yêu của chồng, thử hỏi cuộc sống có còn ý nghĩa? Mai không nghĩ đến cái chết, cũng không buông bỏ hôn nhân nhưng Mai đã thay đổi và dần chao chát, chua ngoa, coi đó là vũ khí để bao bọc bản thân, để chống trả với những đắng cay của cuộc sống. Qua nhân vật Mai, Đỗ Bích Thúy đã khai thác một khía cạnh khác về nỗi bất hạnh của người phụ nữ vùng cao.

Lặng yên dưới vực sâu là câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt của hàng loạt

nhưng nhà Vừ nghèo quá nên Súa đã đồng ý để Vừ bắt mình về làm vợ. Thế nhưng Phống đã lừa Vừ để thế chân mình vào đó. Và từ đây bắt đầu cho một chuỗi dài những bi kịch trong tình yêu của các nhân vật.

Súa là một cô gái Mông xinh đẹp“như một bông hoa anh túc rực rỡ đẹp nhất U Khố Sủ…”. Mất mẹ từ bé, Súa lớn lên với một chút hoang dại của núi đồi và trở thành một cô gái Mông có cá tính với một chút gan lì, một chút gai góc và một chút ngỗ nghịch: “Súa cưỡi được bò, bơi được sông, trèo được cây”, “việc gì cũng làm được, việc gì thích cũng dám làm, bất kể những cô gái mông khác có chỉ trỏ, nhăn nhó, chê bai. Cần thì Súa làm, thích thì Súa làm. Việc không thích thì ai nói gì Súa cũng không làm” [49, tr.25]. Vì thế, khi bị Phống cướp, Súa phản kháng lại gay gắt chứ không hiền lành chấp nhận. Nhưng dù thế nào, Súa cũng không thoát khỏi bi kịch. Chuỗi ngày làm vợ là chuỗi ngày kéo lê nỗi đau của tình yêu tan vỡ, nỗi đau sống trong cuộc hôn nhân với người mình không yêu. Súa sống trong sự giằng xé của nỗi nhớ và lòng căm thù. Nhớ Vừ bao nhiêu lại càng căm thù Phống bấy nhiêu và nỗi đau, bi kịch cũng vì thế mà chẳng thể nguôi ngoai. Những lần ân ái cùng với chồng, với Súa là những lần bị tra tấn cả thể xác lẫn tâm hồn mà nỗi đau như ngấm trong từng thớ thịt, từng nhịp thở. Thêm vào chuỗi bi kịch của Súa là những trận đòn thù dữ dội, không thương tiếc của gã chồng vũ phu. Cuối cùng, khi tận mắt chứng kiến sự phản bội của chồng và đứa em dâu, Súa thấy đáng sợ và mất niềm tin vào cuộc sống. Lời Phống cứ chạy đi chạy lại trong đầu như một lời kết tội càng làm cho Súa đau khổ:“.... Sống thế này thì chết còn sướng hơn...Mày ác lắm”. Cam chịu và hi sinh vẫn biến Súa thành tội đồ. Đến cuối cùng Súa cũng không thể tự mình trả lời cho mình câu hỏi:“Con người sao lại làm thế với nhau ?”. Ở một góc độ nào đó, một người có ý thức và cá tính như Súa, phải chịu đựng một cuộc sống đầy đọa như vậy, thì nỗi khổ càng thêm khổ. Bởi người ta sẽ bớt khổ phần nào khi họ chấp nhận nó, quen được với nó. Sức mạnh của Sông Lô tưởng đã cuồn cuộn chảy trong người Súa, hóa ra không phải. Súa không khôn ngoan, không hơn người, không có ý chí của thằng đàn ông như người làng vẫn nói. Cuối cùng, tất cả những gì mà cô có cũng vẫn chưa đủ sức mạnh để Súa có thể bứt phá khỏi quan niệm nam quyền ngự trị hàng ngàn năm trong máu, trong lòng người dân Mông. Súa cũng vẫn chịu chung số phận bất hạnh, đáng thương như nhiều người phụ nữ khác ở U Khố Sủ.

Về nhân vật Súa, so với Mị của Tô Hoài - cũng là một người Kinh viết về miền núi với những tác phẩm để đời cho dòng Văn học Việt Nam, có những điểm giống và khác nhau. Cả hai nữ nhân vật đều là những cô gái đẹp cả hình thức lẫn tâm hồn, đều là nạn nhân của tục cướp vợ trên vùng núi. Đặc biệt họ là những người có

khát vọng, và cùng biết đấu tranh khi khát vọng cá nhân không thành. Có điều với Súa, mức độ đấu tranh của cô chưa đến cùng, chưa đúng cách nên đã thất bại và chấp nhận cam chịu để rồi cả đời phải đau đớn. Bi kịch cuộc đời Súa là bi kịch tinh thần do không thể chấp nhận thực tại dù cô được chồng và nhà chồng giàu có yêu chiều. Còn với Mị, bi kịch của cô vừa là thể xác, vừa là tinh thần do thần quyền và cường quyền mang lại. Ngược lại với Súa, Mị đấu tranh đến cùng, giải cứu A Phủ và chính mình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của đỗ bích thúy (Trang 34 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)