7. Cấu trúc của luận văn
2.1.4. Nhân vật tha hóa
Bên cạnh hệ thống nhân vật mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong tiểu thuyết viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy là: con người có số phận éo le bất hạnh; con người cam chịu; con người dám đấu tranh để thực hiện khát vọng của mình, thì trong tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy còn tồn tại một kiểu nhân vật dù không mang tính phổ biến, nhưng lại khá sắc nét, đó là nhân vật tha hóa.
Tiêu biểu cho nhân vật tha hóa từ bản chất bên trong là nhân vật Cường (Bóng
của cây sồi). Ngay từ diện mạo đến tung tích ở Cường đều toát lên sự nham hiểm,
mưu mô:“Người to, mặt bé, nhọn như lưỡi cày, mắt bé như mắt rắn...cha chết, mẹ chết, lang thang nay rừng này mai rừng khác”. Có điều, bản tính nham hiểm của y được nuôi dưỡng trong nền kinh tế thị trường đang ùa vào Lao Chải. Bố vợ ngày càng nghe lời Cường, quán thịt chó ngày càng bỏ hết cả đồng áng nhưng cũng không ai lên án. Thế nên, hắn ngày càng trở nên bất nhân, thủ đoạn. Theo đuổi giấc mộng“càng giàu càng tốt, giàu càng nhanh càng tốt”, Cường nham hiểm, gian xảo, lắm mưu mô, mất hết tính người. Bất chấp tình nghĩa và luân thường đạo lý, ngay cả việc phá rừng mả để bán, nhặt mỗi bộ hài cốt một ít xương cho đủ chín bộ, Cường cũng dám làm thì Cường thật là vô nhân tính, đúng như suy nghĩ của bà Tần: “Từ người nó có mùi của đêm tối, sương gió, mắt nó có ánh nhìn của rắn rết, miệng nó có mùi xác chết”. Hòng kiếm tiền nhanh và nhiều hơn nữa, Cường còn lập mưu kế nhằm thay thế chức trưởng thôn của Phù để có cơ hội đục khoét và bòn rút tiền của Nhà nước qua các dự án. Đối với người thân hắn cũng là một kẻ độc ác, tàn tệ, sẵn sàng lừa lọc bố mẹ vợ để chiếm đoạt của cải. Hắn coi vợ chỉ như một thứ đồ chơi. Trời rét, ân ái với vợ, hắn chỉ muốn cắn xé như một con chó lên cơn điên để thỏa mãn phần con thú bản năng của mình. Đọc đến những trang viết về Cường, hẳn ai cũng phải rùng mình, ghê sợ bởi con người đê tiện của y.
Nếu như Cường là một kiểu nhân vật tha hóa thuộc về bản chất và ngày càng tồi tệ khi được môi trường sống dung dưỡng thì Kim lại là một dạng tha hóa khác - tha hóa vì hoàn cảnh, vì bước đường cùng. Bản chất là một cô gái ngoan hiền, chăm chỉ nhưng cuộc đời vùi dập, có con và phải nuôi con một mình trong hoàn cảnh cô
đơn, thiếu thốn nên Kim đã dần tha hóa. Từ một cô gái hiền hậu, cần cù lao động, đủ tỉnh táo, chừng mực để dứt khỏi cám dỗ trong đêm Phù chỉ cách Kim một ranh giới thật mong manh, Kim đã trở thành người phụ nữ dị biệt, phá phách so với lối sống của người dân Lao Chải khi cô bất chấp mọi dị nghị: “Kim bế con ra ngoài bậu cửa, vạch áo cho con bú…, Mặc kệ ai nhìn thì nhìn, Kim vẫn vén cao vạt áo lênđể lộ hết cả bầu ngực ra, ...Kim đã bỏ váy, bỏ áo chàm. Mặc áo sát nách để trần hai cánh tay nõn nà… [42, tr.149]. Rồi cô bị bắt bị cải tạo vì tội “ăn cắp”, tội “cho người lạ ngủ trên giường nhà mình”. Dưới ngòi bút tài năng được tinh lọc qua tình yêu của Đỗ Bích Thúy dành cho người phụ nữ, chị đã nhìn thấy ở Kim vẻ đẹp tâm hồn không phải ai cũng có. Kim mắc sai lầm nhưng không chết trong đống bùn lầy của sự tha hóa. Vẻ đẹp của Kim được thể hiện trong sức mạnh phục sinh, sự hướng thiện của cô. Kim luôn có khao khát được làm lại cuộc đời sau những vấp ngã. Sau tất cả, nhà văn muốn khẳng định rằng Kim là nạn nhân khi đứng giữa sự giằng níu của những lề thói xưa cũ và sự đùn đẩy, tác động dữ dội của cơ chế thị trường hôm nay.
Còn một nhân vật khác cũng có thể xếp vào kiểu nhân vật tha hóa - đó là Phống trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu. Từ một chàng trai cũng tốt bụng, cũng yêu thương chiều chuộng vợ con, cũng chăm ngoan và có hiếu với bố mẹ mà vì không tìm được hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với người vợ trót cướp về mà Phống đãhoàn toàn thay đổi. Yêu vợ là thế nhưng cuối cùng Phống cũng trở thành một thằng chồng vũ phu, thường xuyên đánh Súa nát nhừ bằng những trận đòn không khác đòn thù. Rồi mất hết cả lòng tự trọng, Phống ngoại tình với em dâu và làm tình trước mặt Súa không phải vì yêu mà vì trả thù đời, mà chỉ là để thỏa mãn cơn hận thù ngút trời với Súa mà không có cách nào để giải tỏa nổi. Phải chăng, lòng thù hận vì tình yêu không được đền đáp đã khiến Phống đánh mất mình. Với nhân vật này, quả thực, người đọc thấy vừa đáng giận vừa đáng thương.
Qua việc xây dựng kiểu con người tha hóa, Đỗ Bích Thúy đã thể hiện một cách chân thực và đầy đủ về miền núi. Qua đó, kín đáo bộc lộ những trăn trở lo âu của mình về cuộc sống và con người vùng cao trong những xáo trộn mới, cũ của đời sống xã hội đương đại.