7. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Nhân vật bản lĩnh, dám đấu tranh để thực hiện khát vọng của mình
Trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Đỗ Bích Thúy từng viết:
“Trước nay không có chuyện ấy, những người phụ nữ vùng cao sống khép kín, họ cặm cụi hi sinh vì chồng, vì con, họ ít nghĩ đến mình. Giờ cuộc sống mở ra, con người cá nhân trỗi dậy, họ có nhu cầu sống cho riêng mình”[40, tr.93]. Trong khi người già cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa thì lớp trẻ hối hả sống, gấp gáp thở theo nhịp
sống hiện đại và đôi khi bất chấp tất cả để đòi lại sự công bằng cho tiếng nói của hạnh phúc cá nhân.
Trong truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy đã có nhiều nhân vật người phụ nữ miền núi “không dừng ở ngưỡng cửa nhà mình nữa, không bó buộc mình như bó chân trong xà cạp nữa”, khát vọng hạnh phúc và tình yêu tự do khiến họ “có sự bung phá trong suy nghĩ” [40, tr.3]. Các nhân vật bà Mao (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá),
Nhẻo (Như một con chim nhỏ), Pao (Ngoài cửa trời chưa sáng)… bước ra khỏi
“cái ngưỡng cửa cao” ấy và đã đi đến đâu? Đỗ Bích Thúy chưa dám đẩy đi quá xa nhưng chị đã thành công trong việc khắc họa sinh động, chân thực những đấu tranh nội tâm, những xao động và cả những giằng xé quyết liệt trong tâm hồn người phụ nữ để thể hiện đức tin vào một ngày mai chan hòa ánh nắng trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Xí là một trong những nhân vật thành công nhất trong tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu. Phải chăng đây là hình mẫu cô gái người Mông hiện đại mà tác giả gửi
gắm? Xí xinh đẹp, dịu dàng, hiền hậu, cũng có một tình yêu mãnh liệt nhưng không mù quáng. Xí lại vô cùng mạnh mẽ, tỉnh táo và sáng suốt khi dám chấp nhận từ bỏ đám cưới của mình ngay buổi sáng ngày đón dâu để trả lời cho câu hỏi:“Hai người ở với nhau mà không thương nhau thì có ở được không?”, “Lấy một người mà hồn người ấy cất hết ở chỗ khác thì cố làm gì chứ. Xí đã thấy Phống với Súa rồi. Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua, đẻ với nhau một đứa con hay thế kia, nhưng chưa một lúc nào Phống được Súa cười với một cái. Cái gì không phải của mình thì đừng cố lấy về. Xí nghĩ thế đấy”. Có lẽ đây là một câu thoại gói gọn được phần nào tư tưởng mà tác giả muốn chuyển tải trong Lặng yên dưới vực sâu. Cá tính dứt khoát của Xí có thể khiến người đọc chưng hửng bởi tương lai của Xí và Vừ, nhưng đó cũng là lựa chọn đầy lý tính của một người con gái có bản lĩnh, có lòng tự trọng và có tình yêu thực sự. Xí là con gái, Xí yêu mãnh liệt như Phống yêu Súa nhưng cô không thể lặp lại sai lầm của Phống bằng cách trói người không yêu mình lại. Xí nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, Xí lành hiền nhưng tỉnh táo. Đặc biệt, sự thức tỉnh trong nhận thức và bứt phá khỏi quan niệm cổ hủ, lạc hậu, ích kỉ đã giúp Xí có được sự thanh thản trong tâm hồn. Điều mà các nhân vật trong tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy hiếm khi đạt được.
Trong Chúa Đất, đúng như lời tác giả tâm sự ở đầu sách, tiểu thuyết này chị
viết về đàn bà với niềm thương yêu vô tận. Đàn bà trong Chúa đất sinh ra không phải để đàn ông hành hạ, lấy làm trò vui. Họ có ước mơ, sẵn sàng chết để đánh đổi lấy cái gọi là hạnh phúc, dù cho nó chỉ đến trong chớp mắt. Về làm vợ chúa đất là một bi kịch. Một cô gái khi đã bước vào cổng dinh thự của chúa đất sẽ không được
sống trong hạnh phúc trọn vẹn của một người phụ nữ, không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Vàng Chở, bà Tư xinh đẹp, trẻ trung của chúa đất đã chọn một cách sống hoàn toàn khác để đối mặt với chuỗi ngày bi thương trong dinh thự lộng lẫy của Chúa Đà. Nếu bà Cả là một người phụ nữ cam chịu thì Vàng Chở lại là một người phụ nữ phá cách, táo bạo và quyết liệt: “Chở là đứa đàn bà đầu tiên dám nghênh ngang đi qua mặt chúa đất như một con dê cái. Đã thế, còn kêu lên be be”[47, tr.57]. Chở nhận ra một cách rõ nét bi kịch của cuộc đời người đàn bà trong nhà Chúa Đà : “Tất cả đám đàn bà trong nhà này, khi đã đi qua cái cổng kia, thì không được làm đàn bà nữa. Chỉ làm cái chăn để cho chúa đất gác chân thôi...?”[47, tr.52]. Ở Chở có gì đó kiêu hãnh, phá phách, bất cẩn sống cùng sự chịu đựng và thua thiệt. Nhưng cô gái ấy theo đuổi hạnh phúc của mình quyết liệt và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Không cam chịu lãng phí thanh xuân trong dinh thự nhà chúa Đà, Chở ngoại tình với thằng chăn ngựa không một chút ân hận: “Nếu cho Chở sống lại những năm tháng vừa rồi ở nhà chúa, Chở vẫn cứ làm thế”[47, tr.74]. Khi bị chúa đất phát hiện ngoại tình, Vàng Chở hiên ngang chịu tội mà không hé miệng van xin nửa lời. Bởi với Vàng Chở: “Đằng nào mà chả chết, chết lúc đang trẻ đẹp như thế này có phải sướng hơn không...Chết khi biết đàn bà lúc nào là sướng nhất, lúc nào là khổ nhất cũng được rồi”. Ẩn sâu trong sự quyết liệt của Vàng Chở là khao khát đến cháy bỏng quyền của người phụ nữ đã bị chế độ nam quyền cướp đi. Hành động ngoại tình ngay trong dinh thự nhà chúa đất cũng chính là đòn tấn công trực diện vào thành trì của cái ác để tự mình giải phóng cho mình của người phụ nữ vùng cao. Hình ảnh Vàng Chở bị treo trên cột đá đến chết sẽ để lại một ám ảnh sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Sùng Pà Xính và Thào Chá Vàng lại là một trường hợp khác. Giống như bao cô gái Mông khác, Xính sợ bị chúa đất phát hiện ra vẻ xinh đẹp yêu kiều của mình chẳng khác nào người ta sợ cọp. Nhưng không cam chịu, để bảo vệ tình yêu, cô nhất quyết không chịu về làm vợ Sùng Chúa Đà. Còn Thào Chá Vàng để cứu người mình yêu đêm ngày dày công chuẩn bị vũ khí: “tẩm ba lần thuốc độc vào mũi tên”, cùng cha mẹ hai bên lên một kế hoạch trả thù hoàn hảo. Kết thúc tiểu thuyết, Sùng Chúa Đà chết, dinh thự của hắn chìm trong biển lửa, tất cả mọi người được giải thoát, hạnh phúc đích thực trở về với đôi trai tài gái sắc Vàng - Xính. Đấu tranh bằng sức mạnh của tình yêu đôi lứa, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết có chuẩn bị, có tổ chức; đấu tranh trực diện vào cái ác và dành thắng lợi. Đó phải chăng là con đường giải phóng cá nhân, kiếm tìm hạnh phúc mà con người miền nuí đã kiếm tìm bấy lâu nay trên hành trình của mình?
Chúa đất không chỉ là một cuốn tiểu thuyết mang âm hưởng sử thi về số phận
bi thương của những người phụ nữ Mông ở Đường Thượng. Ẩn sâu trong sự quyết liệt của Vàng Chở hay nét cá tính của Sùng Pà Xính là tiếng nói của nữ quyền. Sống trong xã hội chịu sức mạnh to lớn của thần quyền và tư tưởng trọng nam, những người phụ nữ ấy vẫn muốn đấu tranh để giành quyền quyết định số phận của chính mình. Thật đúng khi Hoàng Đăng Khoa viết: “Chúa đất” là một diễn ngôn văn chương ám gợi về vấn đề nữ quyền nói riêng, nhân quyền nói chung, là khúc bi ca về cái đẹp bị dập vùi, tình yêu bị ngáng trở, tự do bị cướp đoạt, nhưng đồng thời cũng là khúc hoan ca về sự nổi loạn của cái đẹp, của tình yêu, của tự do”[66].
Tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh là một lời tri ân mà người hậu thế Đỗ Bích Thúy gửi tặng lịch sử Hà Giang, một miền nhớ linh thiêng và oai hùng. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là Mai - một người phụ nữ tham gia kháng Nhật, chống Pháp ở Hà Giang. Nhân vật chính được chị lấy nguyên mẫu từ một nhân vật phụ nữ người Tày có thật tham gia cách mạng ở Hà Giang. Đối với nhân vật Mai, Đỗ Bích Thúy đã chọn một góc tiếp cận là viết về chính cuộc đời một người phụ nữ, người con, người vợ, người mẹ, người hoạt động cách mạng. Vì thế, Mai như một người đàn bà bình thường của vùng đất ấy, nhưng vẫn nổi bật chân dung của một người anh hùng. Quá trình vận động của cuộc đời Mai là quá trình đi từ bóng tối đến ánh sáng; từ kiếp tôi đòi đến cuộc sống tự do của một con chim đại bàng; là quá trình đi từ cuộc sống quanh quẩn, nhỏ hẹp với cái bếp đến ánh sáng của lí tưởng, của Đảng; từ hình ảnh một người phụ nữ bình thường trở thành bức tượng đài nghệ thuật của người nữ anh hùng miền cao. Khởi nguồn cho quá trình thay thay đổi thân phận đó của Mai là giấc mơ từ nhỏ của cô “ Nếu có làm con ở cũng vẫn ước làm con chim đại bàng. Chứ nhất định không chấp nhận cuộc sống của con giun, con dế”[46, tr.65]. Một người phụ nữ kiên cường ngay cả trong ước mơ của mình hẳn khi chứng kiến cảnh chồng chết, người dân cực khổ với đủ thứ thuế ngựa thồ, thuế khói lửa, thuế rửa bát, thuế muối, sẽ không thể cam chịu. Nợ nước thù nhà, Mai đi theo Việt Minh với tâm niệm “làm sao để không ai còn phải chết đói vì không có muối ăn, vì bị cướp hết ruộng nương”[46, tr.65] và để trả thù cho chồng. Quãng đường hoạt động cách mạng đầy gian nan thử thách đã tôi luyện mai trở thành một người chiến sĩ dũng cảm. Mai đã trở thành mắt xích chủ chốt của phong trào cách mạng Hà Giang, cùng các cán bộ Việt Minh khác tham gia lãnh đạo phong trào. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, tình yêu con, yêu chồng luôn là hành trang thôi thúc, nâng đỡ bước châm Mai trên mọi nẻo đường. Cuối cùng chị hi sinh anh dũng trong “trận ra quân lớn nhất, dũng cảm nhất, đáng nhớ nhất, trận đánh chứng tỏ niềm kiêu hãnh của người vùng
cao”sức quyến rũ của một ái kết chua hoàn”[46, tr.165]. Nhân vật Mai là hình tượng đẹp, biểu tượng cho ý chí, khát vọng của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Những con người miền núi đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng, cho lý tưởng đã làm nên dấu son đỏ của lịch sử Hà Giang. Với tấm lòng nhân hậu, Đỗ Bích Thúy đã nhận thấy vẻ đẹp kiên cường của con người miền núi, vượt lên trên những bi kịch của số phận, toả sáng lòng nhân hậu, dũng cảm trong đói nghèo và bất hạnh.