Nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của đỗ bích thúy (Trang 54 - 62)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật

2.2.2.1. Miêu tả tâm lí qua hành động nhân vật

Trong tiểu thuyết Bóng của cây sồi, Đỗ Bích Thúy đặc biệt thành công khi khắc họa tâm lí nhân vật qua hành động. Phù và Kim yêu nhau tha thiết nhưng không đến được với nhau để cả đời sống trong nỗi nhớ nhung, day dứt. Hành động của Phù sau giấc mơ gặp Kim đã cho thấy cả một tâm trạng day dứt, đau khổ của anh: "Phù lại đi ra suối. Phù để nguyên quần áo, nhảy ùm xuống chỗ vòng xoáy, nước sôi ùng ục, nổi bọt. Nước dìm Phù xuống, đẩy Phù lên, đầu gối đập vào mõm đá nhọn thấy nhói một cái. Nước nén chặt ngực Phù, tức thời có một cơn khát mơ hồ nhưng dữ dội nào đó từ rất xa đang tới trong đầu Phù…Trong dòng xoáy nước, Phù gào lên gọi Kim, tiếng nước ùng ục sẽ át tiếng Phù đi. Nhưng nước đã tràn vào miệng Phù, tiếng gọi tắt trong cổ" [42, tr.74]. Ngòi bút Đỗ Bích Thúy đã đi đến tận cùng của đáy sâu tâm hồn Phù để có thể diễn tả sâu sắc thế giới nội cảm của nhân vật. Hành động của nhân vật cho thấy nỗi day dứt, tiếc nuối đang gào thét trong tâm hồn. Thời gian, không gian không thể làm nguôi ngoai nỗi nhớ của Phù, người vợ có tiếng hát hay khiến bao chàng trai phải thổn thức như Mai cũng không thể xóa mờ hình ảnh của Kim trong tâm trí anh.

Trong Cánh chim kiêu hãnh, thông qua hành động của nhân vật, Đỗ Bích

Thúy đã tái hiện thật chân thực và xúc động về tâm trạng của vợ chồng Mai - Chúng trong cuộc hội ngộ sau bao ngày xa cách: “Chúng lao đến, ôm chặt lấy vợ, nghẹt thở... Nỗi nhớ nhung bóp nghẹt lồng ngực... Chúng bế thốc vợ vào buồng. Hai người quấn phải cái màn che cửa buồng, miếng vải rách toạc.... Mai không kịp cởi nút chiếc cúc bạc cuối cùng mà giật đứt nó, hai bầu ngực căng tròn, trắng tinh như bật ra" [46, tr.36]. Một đoạn văn ngắn, vẻn vẹn có năm câu, nhịp mỗi câu ngắt nhỏ như nhịp thở, nhịp hồi hộp của trái tim đã diễn tả thật cảm động, chân xác tâm trạng và tình yêu của hai vợ chồng với biết bao cung bậc của cảm xúc: thèm khát, kìm nén, thỏa nguyện, âu lo; vừa hạnh phúc vừa nhớ nhung, cảm giác nào cũng căng đầy. Nhà văn Đỗ Bích Thúy đã không ngại ngần khi đi sâu, nói thẳng và thật khát vọng đời thường của nhân vật, điều mà trước đây trong văn học thời chiến người ta buộc lòng phải giấu đi. Và cái hay của chị là đã nói đến những điều trần tục nhưng không hề

dung tục, ngược lại còn rất hay và đẹp. Chị nói một cách thật khéo léo chuyện vợ chồng, đắm đuối nhưng vẫn thật chừng mực, khác hẳn với lối dung tục, trần trụi trong tình yêu, tình dục của một số tác giả nữ đương đại, nhất là Vi Thùy Linh. Có lẽ đó là lí do khiến tác phẩm của Đỗ BíchThúy luôn được người đọc yêu mến, trân trọng.

Trong Chúa Đất, có thể nói Đỗ Bích Thúy đã dành khá nhiều tình cảm và bút lực cho nhân vật Vàng Chở. Dù xuất hiện không nhiều nhưng quả thực đây là một trong những nhân vật gây được ấn tượng sâu sắc nhất trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy. Tất cả mọi hành động từ lời ăn tiếng nói đến dáng đi điệu đứng của Vàng Chở đều phá cách, ngang ngược, vênh váo:“Vàng Chở đánh cặp mông to, lúc la lúc lắc, ưỡn ngực đi qua sân trong ánh mắt như đang bốc cháy của hàng chục đứa ở trai”[47, tr.38].Vàng Chở như nằm ngoài thế giới nhân vật nữ cam chịu, hiền lành của Đỗ Bích Thúy. Trước cái chết, Vàng Chở không hề khóc lóc, van xin mà chỉ “đòi thay một bộ váy mới, thay xà cạp, thay khăn vấn đầu...Chở chậm chạp cởi khăn, gỡ tóc, chải thật cẩn thận, vấn thật cẩn thận. Xong cái tóc, còn tỉa lông mày nữa. Cuối cùng mới thay váy áo xà cạp và lấy đôi giày thêu hoa cúc ra, cẩn thận xỏ vào chân”[47, tr.72]. Câu văn với nhịp điệu thong thả, chậm rãi cho thấy sự cẩn trọng của Chở trong một loạt hành động chuẩn bị cho mình đi vào cõi chết. Qua các hành động ấy, có thể nhận ra một vàng Chở đầy bản lĩnh, dám yêu, dám sống thật, sống hết mình với khao khát của mình và dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Căn nguyên của tất cả những điều đó là sự trân quý, yêu thương chính bản thân mình của một người phụ nữ. Đặt Chở trong mối tương quan với cách sống cam chịu hi sinh của bà Cả, ta sẽ thấy hoàn toàn trái ngược. Thế nên, Chở đã có những phút giây huy hoàng, lóe sáng trong cuộc đời của mình khi được “làm đàn bà đích thực”, còn bà cả đã sống một cuộc đời vô nghĩa “buồn le lói suốt trăm năm”. Trân trọng và yêu thương bản thân, cũng chính là cách sống mà người phụ nữ trong xã hội hiện đại chúng ta muốn hướng đến. Đỗ Bích Thúy là thế, qua từng trang viết, nhà văn luôn khéo léo gửi gắm những thông điệp đến cuộc đời .

2.2.2.2. Miêu tả tâm lý, tính cách qua ngôn ngữ nhân vật

a. Ngôn ngữ đối thoại

Trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy nói chung và trong các tiểu thuyết miền núi nói riêng, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật thường mang đậm sắc thái miền núi. Người dân miền núi với lối sống thật thà, bộc trực, lối tư duy trực giác, nên trong ngôn ngữ giao tiếp, họ thường kiệm lời, ưa lối nói bằng hình ảnh, so sánh ví von và ngắn gọn, thẳng thắn. Tuyệt đối họ không thích nói vòng vo, dài dòng. Đôi khi còn tạo cảm giác cụt, hẫng vì họ thường sử dụng lời nói không có chủ ngữ. Mặc dù thế,

qua ngôn ngữ đối thoại, thế giới nội tâm của nhân vật vẫn được bộc lộ khá sâu sắc. Trong tiểu thuyết Bóng của cây sồi, độc giả chắc hẳn không thể quên cuộc đối thoại khi Phù vào thăm Kim trong tù:

“ - Đừng làm gì xấu với vợ nhé. Con gái không có chồng đã khổ, có chồng mà như không còn khổ hơn. Phù về đi. Nói với bác gái, cho Kim nợ cái ơn chăm sóc thằng bé, sau này Kim sẽ cố trả hết. Nhờ bác trông giúp mấy tháng nữa, Kim sắp được về rồi.

Kim ôm đống quà vào ngực, đứng dậy. Phù chợt nhớ ra, hấp tấp: - Để tôi đi mua phở cho Kim.

- Đùa đấy. Ở trên này làm gì có ai bán phở mà mua. Phù cũng quay lưng định đi, chợt Kim gọi, rất khẽ: - Phù ơi…

.- Gì thế, định dặn thêm gì à? Cứ nói đi.

- Không...Kim lí nhí. Chỉ muốn...chỉ muốn...gọi thế thôi” [42, tr.234]

Lời nói cứ thế, nghĩ gì nói nấy. Những câu hỏi - đáp ngắn gọn cho thấy vẻ đẹp trong tâm hồn Kim. Câu gọi “Phù ơi” như được kìm nén bấy lâu của một tình yêu tha thiết. Kim yêu nhưng chừng mực, tha thiết nhưng không suồng sã để đi quá giới hạn, Kim luôn giữ đúng khoảng cách với người mình yêu. Có lẽ vì điều đó mà Kim trở thành niềm khao khát, nỗi day dứt mãi mãi trong cuộc đời Phù. Kim khuyên Phù đối tốt với Mai bằng tất cả tấm chân tình, sự thấu hiểu của người phụ nữ dành cho người phụ nữ: “Đừng làm gì xấu với vợ nhé. Con gái không có chồng đã khổ, có chồng mà giống như không còn khổ hơn nhiều”[42, tr.233]. Cách làm, cách nói và cách nghĩ sâu sắc, cao thượng của Kim không phải người phụ nữ nào trong hoàn cảnh giống như cô cũng làm được. Dưới ngòi bút tài năng được tinh lọc qua tình yêu của Đỗ Bích Thúy dành cho người phụ nữ, nhân vật Kim còn lấp lánh vẻ đẹp của con người sống biết ơn nghĩa: “Phù về đi, nói với bác gái cho Kim nợ cái ơn chăm sóc thằng bé, sau này tôi sẽ cố trả hết”[42, tr.237]. Chỉ là vài ba câu đối thoại, nhưng cả một thế giới tâm hồn nhân vật được bộc lộ sâu sắc, góp phần hoàn thiện vẻ đẹp của nhân vật trong tác phẩm.

Đặc điểm này còn được thể hiện rõ trong tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy qua nhiều đoạn đối thoại. Đây là lời đối thoại của Mai và Chúng (Cánh chim kiêu hãnh) trong lần đầu tiên vợ chồng gần gũi:

- Hay là cho cáo ăn thịt bây giờ nhé. Chờ đến tối lâu lắm. Lâu thế thì chết mất. Mai lắc đầu:

- Vẫn xấu hổ lắm. Trời sáng trăng thế này cơ mà. - Cứ nhắm mắt vào là không xấu hổ nữa.

-Thật à?

-Thật. Thế là Mai nhắm mắt. Thế là cáo được Mai cho ăn thịt [46, tr.26]. Cách nói ví von hình ảnh giúp hai nhân vật nói điều khó nói thật dễ dàng. Vừa thể hiện được tình yêu đằm thắm, vừa là sự thông minh, tế nhị, kín đáo của người dân tộc vùng cao. Cách nói hay và đẹp đó chỉ có Đỗ Bích Thúy bằng sự am hiểu và trải nghiệm mới có thể nói cùng nhân vật như vậy.

Trong Chúa đất, đoạn đối thoại giữa chúa đất với bà Cả khi bà phạm tội chết với chúa cũng là một trong những thành công của Đỗ Bích Thúy.

Chúa đất im lặng một lúc rồi tiếp: - Bây giờ tôi cho bà về nhà với bố mẹ. - Sao? Bà giật mình. Chúa đất gật đầu:

- Bà muốn mang theo bao nhiêu bạc trắng thì cứ mang, đồ đạc của cải, muốn gì cũng được. Bà lắc đầu.

- Tôi không muốn. Chúa đất ngạc nhiên:

- Bà có biết tôi làm thế là vì không muốn xử tội chết cho bà hay không? - Biết.

- Thế bà còn muốn gì? [47, tr.268]

Vẫn là cách nói hết sức hết sức giản dị mộc mạc nhưng thể hiện chiều sâu nhân vật. Bằng tấm lòng nhân hậu, Đỗ Bích Thúy đã soi chiếu tận đáy sâu tâm hồn chúa Đà để qua ngôn ngữ đối thoại, chị đã tìm thấy bên trong lớp vỏ xù xì, độc ác ấy là con người vô cùng cô độc, yếu đuối và cũng thật đáng thương. Ông ta đã không cạn tình với người vợ đã gắn bó với ông bấy lâu. Với cái tội đã gây ra, nếu là một người bình thường sẽ phải chết đau chết đớn, thì với bà cả, ông đã mở đã mở một đường sinh. Đâu đó trong tâm hồn người đàn ông đầy quyền lực tưởng như chỉ ngự trị một tâm hồn độc ác với trái tim khô cằn và ích kỷ lại le lói tiếng nói của tình người. Đỗ Bích Thúy đã vận dụng rất hiệu quả ngôn ngữ đối thoại đậm đà hơi thở vùng cao và bằng chính sự am hiểu của mình, chị đã thể hiện tâm hồn người vùng cao qua ngôn ngữ một cách chân thực, sinh động.

b. Miêu tả tâm lý, tính cách qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm

Trong các tiểu thuyết viết về miền núi của Đỗ Bích Thúy, đời sống nội tâm với những diễn biến đầy phức tạp của nhân vật được thể hiện rõ nét trong những cuộc độc thoại nội tâm của nhân vật. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm bao gồm lời độc thoại trực tiếp của nhân vật và lời trần thuật nội tại của người kể chuyện. Ngôn ngữ độc thoại

trong tác phẩm chính là cách để nhân vật giãi bày cùng người đọc, hé mở bầu tâm sự sâu kín trong tâm trạng.

Trong Lặng yên dưới vực sâu, sau những tháng ngày cắn răng chấp nhận

cuộc hôn nhân không tình yêu nhưng cũng chẳng có mấy ngày được bình yên, rồi lại chứng kiến sự phản bội của chồng, Súa đau đớn như tê dại tâm hồn:“Mình đã làm gì sai hay sao. Mệt quá. Chỉ muốn nằm xuống, ngủ một giấc thật dài, mà có khi ngủ luôn cũng được. Mình hỏng rồi. Làm người yêu không được, làm vợ cũng không được. May còn đẻ được một đứa con. Nhưng bây giờ là nó bám vào mình hay mình bám vào nó để sống qua từng ngày một, chẳng biết nữa”[49, tr.192]. Súa hỏi như để tự trách mình. Tự trách bản thân, Súa càng chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng. Thất bại thê thảm trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc, Súa muốn tìm quên trong giấc ngủ thật dài để khi tỉnh dậy, tất cả chỉ như một cơn ác mộng. Nỗi đau đớn như ngấm từng thớ thịt, từng câu, từng chữ nấc lên, uất nghẹn theo dòng cảm xúc của Súa. Dòng độc thoại của nhân vật càng cho thấy rõ bi kịch của cuộc đời Súa, cuộc đời của người phụ nữ vùng cao.

Mai trong Cánh chim kiêu hãnh là một chiến sĩ cộng sản có bản lĩnh kiên cường của con người được tôi luyện qua thử thách của chiến tranh nhưng vẫn là một người phụ nữ với những trăn trở rất đỗi đời thường. Đặt trong mạch nguồn cảm xúc của nhân vật, lời độc thoại nội tâm sau đây cho thấy vẻ đẹp của một trái tim tình yêu nóng bỏng, tha thiết mà chị dành cho chồng:“Mình đã biến thành một quả đậu tương ngô rồi hay sao mà đứng trước bao nhiêu người đàn ông, dù phải quay mặt đi vì ánh mắt đắm đuối của họ, nhưng lại không hề có cảm giác run rẩy, nôn nao như ngày nào”[43, tr.158]. Lời tự vấn cũng là lời khẳng định về một tình yêu son sắt, thủy chung không bao giờ phai nhạt của chị dành cho người chồng đã hi sinh.

Một trong những điểm nhấn của thế giới nghệ thuật Đỗ Bích Thúy là những lời dẫn nửa trực tiếp được sử dụng để phục vụ đắc lực cho việc thể hiện thế giới nội tâm nhân vật. Lời dẫn nửa trực tiếp vừa là lời của tác giả, người trần thuật, vừa là lời của nhân vật. Lời dẫn nửa trực tiếp thể hiện bản lĩnh nghệ thuật của nhà văn, nó giúp cho người đọc có nhiều cơ hội khám phá mạch ngầm văn bản. Đặc biệt giúp nhân vật hiện lên với chiều sâu tâm hồn.

Phù trong Bóng của cây sồi đã phơi bày một nội tâm đầy dữ dội qua một ngôn ngữ nửa trực tiếp: “Giá như Phù không phải là người đàn ông duy nhất trong ngôi nhà lớn kia, ngồi trên tấm phản gỗ lim, trước mặt là bếp lửa, sau lưng là bàn thờ, trên đầu, cao hơn mái nhà là bóng của cây sồi, năm năm, mười năm, một trăm năm nữa vẫn đổ bóng xuống cuộc sống của Phù…Giá mà Phù có thể mặc kệ tất cả, vượt

qua được cái bóng của cây sồi này mà làm những gì mình muốn, không sợ ai đau buồn, không có ai soi xét, không thấy tiếng thở dài. Giá mà được như thế thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế là còn rất nhiều việc đang chờ Phù vì cái chức trưởng thôn không phải một tấm áo" [42, tr.74]. Ẩn sâu bên trong hình ảnh một trưởng thôn mẫu mực, một người con,người chồng tròn vẹn bổn phận và trách nhiệmlà cảmột thế giới tâm hồn ngổn ngang những suy tư, dằn vặt. Trong công việc, Phù là một trưởng thôn “trẻ người nhưng thạo việc”, nhưng trong cuộc sống cá nhân anh là kẻ bị trói tay thất bại vì không thể lấy được người mình yêuvà suốt đời bị giày vò không yên. Sự đau khổ có lúc lớn đến mức khiến anh tưởng có thể bùng nổ, chạy theo khát vọng cá nhân. Nhưng rồi sau cùng, con người bổn phận, trách nhiệm và bóng của cây sồi ngự trị ở Lao Chải hàng trăm năm đã chế ngự được Phù. Có điều, càng cố kìm nén, càng muốn quên thì nỗi khát khao về Kim lại càng thiêu đốt tâm can anh đến khổ sở. Nhà văn đã khắc họa khá rõ nét cả một bi kịch tâm hồn của nhân vật qua một dòng tâm tư, một lời tự thú ngắn gọn mà chân thành.

Lời dẫn nửa trực tiếp còn giúp độc giả như được đồng hành cùng nhân vật thâm nhập vào vùng cảm xúc sâu kín, khó nói nhất của con người. Đó là những rung cảm yêu đương của trai gái yêu nhau; là những khao khát bản năng của con người mà không đơn thuần chỉ là xác thịt. Điều này được Đỗ Bích Thúy thể hiện xuyên suốt trong cả bốn tiểu thuyết viết về miền núi khiến nhân vật của chị thật gần gũi, đời thường. Có thể nhận thấy hai luồng cảm xúc và hai cách thể hiện đối lập nhau khi Đỗ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của đỗ bích thúy (Trang 54 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)